Vĩ mô

Việt Nam chi khoảng 0,5% GDP cho R&D, so với các nước khác thế nào?

Phúc Lam 20/02/2025 - 11:22

Mức chi cho R&D của thế giới năm 2021 là 2,62% GDP.

Sáng 17/2, tại phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm chính sách đặc thù gỡ vướng cho hoạt động khoa học công nghệ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Việt Nam hiện nay chỉ đạt 0,5% GDP, bằng một phần tư so với mục tiêu 2%.

Theo số liệu gần đây nhất của World Bank vào năm 2021, mức chi cho R&D của thế giới là 2,62% GDP, gấp hơn 5 lần Việt Nam.

Bên cạnh đó, các nền kinh tế phát triển cũng có xu hướng đầu tư lớn cho R&D xét theo tỷ trọng so với GDP. Tại Hàn Quốc, chi tiêu cho R&D từ năm 2009 luôn trên 3% GDP và vượt lên 4% GDP từ năm 2016.

Trung Quốc cũng có xu hướng chi tiêu nhiều cho R&D. Năm 1996, chi tiêu cho R&D của Trung Quốc chỉ ở mức dưới 1% GDP nhưng đến năm 2020, con số này đã đạt 2,4% GDP.

Bên cạnh đó, Mỹ, Đức và Nhật Bản cũng thường xuyên chi cho R&D nhiều hơn mức trung bình của thế giới.

>>Năm 2025: Việt Nam hướng đến tăng trưởng 8% trở lên, các quốc gia khác trong khu vực đặt mục tiêu ra sao?

Việt Nam chi khoảng 0,5% GDP cho R&D, so với các nước khác thế nào?
Ảnh minh họa - Nguồn: Báo Đầu Tư

R&D đóng vai trò quan trọng với mỗi quốc gia trong việc thúc đẩy tăng trưởng GDP trong dài hạn. Những quốc gia duy trì chi tiêu đáng kể cho R&D có khả năng phát triển các công nghệ tiên tiến, hình thành những ngành tạo ra giá trị cao,...

Mức chi cho R&D ở Việt Nam tương đối thấp, điều này sẽ tạo bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong việc cạnh tranh ngay trên “sân nhà” và thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, hệ sinh thái R&D của Việt Nam hiện nay vẫn còn rời rạc, các doanh nghiệp lớn hoạt động riêng lẻ mà chưa có sự gắn kết, phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học để phát triển.

Vì vậy, để tạo nên những bước đột phá trong việc đầu tư vào R&D, các doanh nghiệp Việt cần thay đổi nhận thức và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Cùng với đó, sự đầu tư của các tập đoàn công nghệ toàn cầu tại Việt Nam cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt học hỏi, tiếp thu tri thức và công nghệ thế giới; phát triển nhân tài và gia tăng đầu tư vào R&D.

Trong những năm gần đây, các hãng công nghệ hàng đầu như Samsung, Apple, Marvell,... và một số tập đoàn lớn thuộc khối FDI đã có quyết định thành lập các trung tâm R&D tại Việt Nam. Những động thái này của khối ngoại được xem là tín hiệu tích cực cho việc đầu tư R&D tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, chia sẻ với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho biết, nếu doanh nghiệp Việt muốn có thay đổi mang tính đột phá thì điều họ cần làm là đầu tư vào R&D để triển khai các giải pháp kỹ thuật mới, ứng dụng công nghệ mới, cho ra các sản phẩm mang tính cạnh tranh và thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới.

Ngoài ra, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo Nghị quyết, đến năm 2045, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Sáng 10/2, Thường trực Chính phủ có cuộc gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới. Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Công nghệ CMC, ông Nguyễn Trung Chính khẳng định: “Nghị quyết 57 được xây dựng như 1 bản đồ chiến lược mà chúng tôi tin tưởng sẽ giúp đất nước vươn mình phát triển mạnh mẽ hơn”.

>>Doanh nghiệp Việt đầu tiên xây được nhà máy chip bán dẫn sẽ được hỗ trợ tới 10.000 tỷ đồng

Tổng Bí thư: Khoa học công nghệ là 'miền đất hoang vu' để khai phá

Trình Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/viet-nam-chi-khoang-05-gdp-cho-rd-so-voi-cac-nuoc-khac-the-nao-277530.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Việt Nam chi khoảng 0,5% GDP cho R&D, so với các nước khác thế nào?
    POWERED BY ONECMS & INTECH