Vĩ mô

Tái khởi động siêu dự án ‘đại sự quốc gia’ sau 8 năm tạm dừng, công nghệ 2 siêu cường nào đang vào tầm ngắm?

Phúc Lam 11/02/2025 19:02

Việt Nam đã đề nghị phía Nhật Bản và Nga tiếp tục hỗ trợ đào tạo, công nghệ và tài chính cho Việt Nam để triển khai dự án này.

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội phê duyệt lần đầu vào năm 2009 với tổng công suất 4.000 MW, chia thành 2 nhà máy trên diện tích 1.642ha. Tuy nhiên, vì nhiều yếu tố khách quan, đến năm 2016, Quốc hội đã ra nghị quyết tạm dừng dự án.

Đến ngày 25/11/2024, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam.

Sáng 4/2/2025, Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân họp phiên thứ hai dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính (Trưởng Ban Chỉ đạo).

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển điện hạt nhân, xây dựng nhà máy điện hạt nhân là “đại sự quốc gia”, là vấn đề khó, nhạy cảm, nên cần có sự tập trung, đầu tư công sức, trí tuệ tương xứng.

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm 2 nhà máy, mỗi nhà máy gồm 2 tổ máy. Nhà máy Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và nhà máy Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải.

Thủ tướng giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Tập đoàn Công nghệ năng lượng Quốc gia (Petrovietnam) làm chủ đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.

>>Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam có thể vận hành sớm nhất năm 2031

Trước đó, Việt Nam đã đề nghị phía Nhật Bản và Nga tiếp tục hỗ trợ đào tạo, công nghệ và tài chính cho Việt Nam để triển khai dự án này.

Năm 2011 – thời điểm nghiên cứu dự án, EVN đã đàm phán với phía Nhật Bản để ký thỏa thuận hỗ trợ vốn, công nghệ. Đến ngày 20/12/2024, tại Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Nhật Bản về hợp tác công nghệ, thương mại và năng lượng, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Chính phủ Nhật Bản xem xét, rà soát các cam kết đã ký trước đây để tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ và tài chính cho Việt Nam triển khai lại dự án.

Bên cạnh đó, ông Diên cũng đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục đào tạo nhân lực (gồm đào tạo lại và đào tạo bổ sung mới) cho Việt Nam thông qua các cơ sở như Đại học Điện lực để Việt Nam sẵn sàng nhân lực vận hành nhà máy điện hạt nhân khi dự án hoàn thành.

Nhật Bản là quốc gia phát triển có những công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng, vận hành và xử lý sự cố liên quan đến các nhà máy điện hạt nhân.

Nhật Bản đã phát triển nhiều công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực điện hạt nhân, bao gồm lò phản ứng nước nhẹ (Light Water Reactor - LWR), lò phản ứng nước sôi (Boiling Water Reactor - BWR), và lò phản ứng nước áp lực (Pressurized Water Reactor - PWR).

Ngoài ra, quốc gia này cũng nghiên cứu và phát triển lò phản ứng nhanh, giúp tối ưu hóa việc sử dụng uranium và giảm lượng chất thải phóng xạ,...

Sau thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011, Nhật Bản đã có nhiều cải cách để tăng cường an toàn hạt nhân, bao gồm việc nâng cấp hệ thống an toàn, cải thiện cơ sở hạ tầng, đầu tư vào phát triển công nghệ mới.

Tái khởi động siêu dự án ‘đại sự quốc gia’ sau 8 năm tạm dừng, công nghệ 2 siêu cường nào đang vào tầm ngắm?

Nhà máy điện hạt nhân Takahama (Nhật Bản) - Ảnh: Báo HàNộimới

Ngoài Nhật Bản, Nga cũng là quốc gia sẵn sàng tham gia xây dựng ngành điện hạt nhân tại Việt Nam. Ngày 13/1/2025, tại Trụ sở Chính phủ, tiếp Tổng Giám đốc Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Liên bang Nga (Rosatom) Alexey Likhachev, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn phía Nga, cụ thể là Tập đoàn Rosatom hợp tác, hỗ trợ Việt Nam không chỉ phát triển năng lượng điện hạt nhân mà phát triển ngành khoa học công nghệ hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Tổng Giám đốc Alexey Likhachev cho biết, Rosatom sẵn sàng hợp tác, giúp Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân, xây dựng trung tâm hạt nhân mới, hiện đại; chuyển giao công nghệ; nội địa hóa các sản phẩm hạt nhân cho Việt Nam;...

Nga có nhiều kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Cùng với đó, Tập đoàn Rosatom là một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới về sản xuất nhiên liệu hạt nhân và xây dựng các nhà máy điện hạt nhân thế hệ mới.

Một trong những thành tựu quan trọng của Nga là phát triển công nghệ chu trình nhiên liệu hạt nhân khép kín. Các lò phản ứng thế hệ mới, như BREST-OD-300, có khả năng tái xử lý nhiên liệu đã qua sử dụng tại chỗ, giảm thiểu chất thải và làm cho năng lượng hạt nhân thân thiện hơn với môi trường và tiết kiệm chi phí hơn.

Ngoài ra, hệ thống điều khiển và giám sát tại nhà máy điện hạt nhân được số hóa và tự động hóa, đảm bảo an toàn và hiệu quả. Công nghệ cao cho phép theo dõi và kiểm soát toàn bộ hoạt động của nhà máy từ xa, hỗ trợ giám sát liên tục và phát hiện sớm những bất thường;...

>>Ninh Thuận thu hút hơn 1.210 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài

Chính phủ đề xuất chỉ định thầu với nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Thủ tướng: Xây dựng nhà máy điện hạt nhân là vấn đề 'quốc gia đại sự'

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tai-khoi-dong-sieu-du-an-dai-su-quoc-gia-sau-8-nam-tam-dung-cong-nghe-2-sieu-cuong-nao-dang-vao-tam-ngam-275717.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tái khởi động siêu dự án ‘đại sự quốc gia’ sau 8 năm tạm dừng, công nghệ 2 siêu cường nào đang vào tầm ngắm?
    POWERED BY ONECMS & INTECH