Việt Nam có một nhân vật là 'đại mỹ nhân' từng khiến cả thế giới rơi lệ: Người Việt duy nhất được phong Đệ nhất diễn viên, U90 vẫn đóng phim
Không chọn cuộc sống an nhàn, U90 diễn viên Kiều Chinh vẫn miệt mài cống hiến cho nghệ thuật.
Thập niên 1960, Kiều Chinh không chỉ là một cái tên, mà là một hiện tượng. Từ giai nhân đất Bắc bước vào làng nghệ thuật miền Nam, bà nhanh chóng trở thành biểu tượng nhan sắc và là minh tinh hiếm hoi của Việt Nam ghi dấu tại kinh đô điện ảnh thế giới – Hollywood.

Từ Hà Nội đến Sài Gòn – khởi đầu hành trình nghệ thuật
Nghệ sĩ Kiều Chinh sinh năm 1937 tại Hà Nội, trong một gia đình trí thức. Cha bà là ông Nguyễn Cửu, một viên chức tài chính cao cấp trong chính phủ, mẹ là bà Nguyễn Thị An. Mất mẹ từ khi còn nhỏ, Kiều Chinh được cha chăm sóc chu đáo. Những buổi đi xem phim tại các rạp lớn như Majestic, Philharmonique đã sớm nhen nhóm trong tâm hồn cô bé Hà thành niềm say mê điện ảnh.
Năm 16 tuổi, Kiều Chinh một mình vào Sài Gòn, được gia đình người bạn của cha là ông Nguyễn Đại Độ cưu mang. Một năm sau, bà kết hôn với ông Nguyễn Năng Tế – con trai của ông Độ.

Năm 1957, dấu mốc đầu tiên trong sự nghiệp diễn xuất đến khi đạo diễn Lê Dân và ông Bùi Diễm mời Kiều Chinh đảm nhiệm vai chính trong bộ phim Hồi chuông Thiên Mụ. Vai diễn ni cô Như Ngọc đã đưa tên tuổi bà đến gần hơn với công chúng và giới chuyên môn, đặt nền móng cho sự nghiệp điện ảnh sau này.
Tượng đài nhan sắc và tài năng điện ảnh miền Nam trước 1975
Giai đoạn thập niên 1960 – 1970, Kiều Chinh được xếp vào hàng "Tứ đại mỹ nhân Sài Gòn" bên cạnh các nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương và Thanh Nga. Vẻ đẹp lai Tây độc đáo, thần thái sang trọng và khả năng diễn xuất tự nhiên đã giúp bà chiếm trọn tình cảm khán giả. Vốn tiếng Anh lưu loát cũng là lợi thế đưa Kiều Chinh đến gần với các dự án hợp tác quốc tế.
Trong thời kỳ này, bà góp mặt trong khoảng 22 bộ phim điện ảnh và tham gia các dự án điện ảnh tại nhiều quốc gia như Ấn Độ, Philippines, Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore. Đặc biệt, vai công chúa Kamar Souria trong bộ phim Inside Out (1971) – một vai diễn mà bà vượt qua nhiều minh tinh Ấn Độ để đảm nhận đã từng được xem là hiện tượng tại thị trường điện ảnh nước này.

Năm 1968, Kiều Chinh xuất hiện trong bộ phim Year of the Tiger do Mỹ sản xuất, diễn cùng Marshall Thompson và một số nghệ sĩ Việt như Năm Châu, Kiều Hạnh… Những thành công liên tiếp này đã đưa bà trở thành một trong số ít nghệ sĩ Việt Nam được vinh danh tại Đại hội Điện ảnh châu Á năm 1969 và 1973 với danh hiệu “Đệ nhất diễn viên Việt Nam”.
Dấu ấn Việt trên đất Mỹ
Sau năm 1975, Kiều Chinh sang Mỹ định cư và tiếp tục theo đuổi con đường nghệ thuật. Ngay năm 1976, bà đã được mời tham gia series truyền hình nổi tiếng M*A*S*H, khởi đầu cho hành trình bền bỉ của bà tại Hollywood một thị trường khắt khe và đầy cạnh tranh.
Trong hơn 40 năm làm nghề tại Mỹ, Kiều Chinh đã tham gia hơn 100 phim điện ảnh và truyền hình. Những bộ phim đáng chú ý có thể kể đến như: The Children of An Lac (1980), Hamburger Hill (1987), Welcome Home (1989), Face (2001), Joy Luck Club, Vietnam-Texas, What's Cooking, The Letter...

Với vai diễn trong Joy Luck Club, bà được đánh giá là một trong 50 diễn viên khiến khán giả xúc động nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới. Sự nỗ lực không ngừng nghỉ của bà đã góp phần xây dựng hình ảnh người phụ nữ gốc Á bản lĩnh, nhân hậu trong nền văn hóa đại chúng Mỹ.
Năm 1996, phim tài liệu Kiều Chinh: A Journey Home của đạo diễn Patrick Perez đã được Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Truyền hình Mỹ trao giải Emmy danh giá. Bộ phim là sự ghi nhận xứng đáng cho hành trình nghệ thuật đầy chông gai nhưng không kém phần rực rỡ của một nghệ sĩ Việt trên đất Mỹ.

Trở về quê hương – nối tiếp tình yêu điện ảnh
Năm 1995, sau hơn hai thập kỷ xa quê, Kiều Chinh trở lại Việt Nam lần đầu tiên. Từ đó đến nay, bà đã nhiều lần về nước và tham gia các dự án điện ảnh trong nước. Năm 2012, bà đảm nhận vai diễn trong bộ phim Ngọc Viễn Đông của đạo diễn Cường Ngô, hóa thân thành một nghệ sĩ sân khấu sống trong cô đơn và lặng lẽ sau ánh hào quang.
Năm 2014, bà tham gia bộ phim Đoạt hồn của đạo diễn Hàm Trần một tác phẩm kinh dị thu hút sự chú ý tại thời điểm ra mắt. Cùng năm đó, bà còn tham gia loạt phim truyền hình nổi tiếng NCIS: Los Angeles và làm đồng sản xuất bộ phim Ride the Thunder tại Mỹ.

Dù tuổi đã cao, nghệ sĩ Kiều Chinh vẫn tiếp tục hành trình nghệ thuật. Ở tuổi 88, bà trở lại Việt Nam để tham gia dự án phim Chiếc Kén, đánh dấu chặng đường mới sau 10 năm vắng bóng. Trong buổi chia sẻ với báo giới, bà xúc động nói: “Được đứng ở đây, bên những đồng nghiệp tài năng, cùng kể một câu chuyện rất Việt với tôi là một điều tuyệt vời trong sự nghiệp”.
Không chỉ là một diễn viên xuất sắc, Kiều Chinh còn là một diễn giả chuyên nghiệp, tham gia nhiều hoạt động văn hóa tại Mỹ trong vai trò đại diện cho cộng đồng người Việt. Bà từng là diễn giả của tổ chức The Greater Talent Network, Inc., chia sẻ câu chuyện đời mình tới sinh viên, giới nghiên cứu và công chúng Mỹ.
Năm 2003, bà được trao giải thưởng Thành tựu trọn đời tại Đại hội Điện ảnh Việt Nam Quốc tế và cùng năm đó, nhận giải Diễn xuất Đặc biệt tại Liên hoan phim Phụ nữ ở Torino, Ý. Năm 2021, Liên hoan phim Thế giới Châu Á (AWFF) tổ chức tại Los Angeles tiếp tục vinh danh bà ở giải thưởng Thành tựu trọn đời.

Nhà văn Alison Leslie Gold tác giả cuốn Nhật ký của Anne Frank từng nhận xét về Kiều Chinh: “Một phụ nữ có sắc đẹp cao quý của viện bảo tàng, một nghệ sĩ với tài năng hiếm có”.