Việt Nam có một nhân vật là 'giọng đọc' huyền thoại của Bản tin chiến thắng 30/4/1975: 40 năm gắn bó với ‘Đọc truyện đêm khuya’, từng học ngôi trường chuyên top 3 cả nước, thành thạo 3 ngoại ngữ
Đây là nhân vật đọc bản tin chiến thắng trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 30/4/1975, mang niềm vui và cảm xúc vô bờ cho cả dân tộc.
NSƯT Kim Cúc là một trong những giọng đọc huyền thoại của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), bà đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử phát thanh Việt Nam với việc đọc bản tin chiến thắng vào ngày 30/4/1975. Giọng đọc của bà cũng gắn liền với chương trình “Đọc truyện đêm khuya”, trở thành một phần ký ức không thể thiếu đối với biết bao thế hệ thính giả.
Hành trình sự nghiệp của NSƯT Kim Cúc
NSƯT Kim Cúc, tên thật là Phan Thị Kim Cúc, sinh năm 1945 tại Nam Định. Bà nổi bật bởi với giọng đọc sâu lắng và nền tảng học vấn vững chắc. Bà từng là học sinh của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, đây là một trong những ngôi trường danh tiếng nhất tại Nam Định và nằm trong top 3 trường cấp 3 hàng đầu cả nước. Trường đã đào tạo nhiều nhân vật nổi bật trong các lĩnh vực như: Chính trị, văn hóa, giáo dục và kinh tế - xã hội. Học sinh của trường đã đạt nhiều giải thưởng Olympic quốc tế danh giá và trường cũng nhận được nhiều Huân chương, Bằng khen từ Nhà nước.
Sau khi tốt nghiệp trung học, NSƯT Kim Cúc đã bắt đầu sự nghiệp trong đoàn văn công Lục Ngạn với vai trò là một ca sĩ. Năm 1967, khi đang chuẩn bị biểu diễn phục vụ các chiến sĩ tại Đường 9 Nam Lào, bà nhận được lời mời đọc hộ bản tin chiến thắng cho quân đội tại Đài Tiếng nói Việt Nam.
Chỉ một ngày sau khi lên đài đọc bản tin, bà được yêu cầu bàn giao lại công việc tại đoàn văn công và nhận nhiệm vụ mới tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Cùng với công việc tại đài, bà còn tranh thủ học thêm đại học tại chức và các ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung để có thể phát âm chuẩn xác.
Vang mãi giọng đọc bản tin chiến thắng lịch sử
Vào ngày 30/4/1975, khi xe tăng của Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến vào Dinh Độc Lập, NSƯT Kim Cúc đã đọc bản tin chiến thắng trên sóng phát thanh với cảm xúc hùng hồn: “Mời các bạn nghe tin chiến thắng chúng tôi mới nhận được. Đúng 11 giờ 30 phút, quân ta tiến vào Sài Gòn, đánh chiếm Dinh Độc Lập. Bộ Tổng tham mưu ngụy - Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng”. Chỉ 15 phút sau sự kiện lịch sử, bản tin chiến thắng đầu tiên đã vang lên trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, mang đến cảm xúc hào hùng cho toàn dân tộc.
Đây là một bản tin chiến thắng ngắn gọn, chỉ kéo dài gần 1 phút trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam cách đây gần 50 năm. Mặc dù bản tin chỉ kéo dài gần 1 phút trong hàng nghìn phút của sự nghiệp phát thanh viên, nhưng đối với NSƯT Kim Cúc, đó là một phút lịch sử đầy ý nghĩa trong cuộc đời bà.
Giọng đọc quen thuộc của chương trình "Đọc truyện đêm khuya"
Bắt đầu từ năm 1969, NSƯT Kim Cúc chính thức đảm nhận vai trò dẫn chương trình “Đọc truyện đêm khuya” của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), gắn bó với chương trình này cho đến khi nghỉ hưu. Sau khi nghỉ hưu, bà vẫn tiếp tục cộng tác với chương trình này và tham gia giảng dạy tại Trung tâm Ứng dụng công nghệ (thuộc Đại học Sân khấu Điện ảnh). Lớp học do bà phụ trách thu hút nhiều học viên từ các lĩnh vực khác nhau, bao gồm phát thanh viên, cán bộ trại giam, cán bộ tuyên truyền và thậm chí cả các nhà sư. Nhiều người trước khi thi tuyển vào các đài phát thanh - truyền hình cũng tìm đến bà để học hỏi.
Vào năm 1976, ngay sau khi giải phóng, NSƯT Kim Cúc đã kết hôn với một phát thanh viên tiếng Nhật cùng Đài. Năm 2013, NSƯT Kim Cúc chính thức dừng cộng tác với chương trình "Đọc truyện đêm khuya" để ở nhà chăm sóc chồng bị đột quỵ. Cùng thời điểm đó, sức khỏe của bà cũng đã bắt đầu yếu đi, khép lại một chương trình dài đầy cống hiến của một giọng đọc huyền thoại.
Những năm trước, bà vẫn thường lên đài làm cầu nối gửi những câu chuyện tới thính giả và tham gia dạy khóa học MC cho trường Sân khấu Điện ảnh. Tuy nhiên, căn bệnh tiểu đường biến chứng khiến mắt bà giờ đã mờ. Đến bây giờ, hai ông bà đang sống hạnh phúc cùng với các con và các cháu nội, ngoại của mình.