Việt Nam có quảng trường rộng 32.000m2 với sức chứa ‘khủng’ gấp 5 lần sân Mỹ Đình, là nơi khắc ghi dấu ấn lịch sử của cả dân tộc
Nơi đây được mệnh danh là “trái tim” của dân tộc và là một trong những điểm đến nổi bật, không thể bỏ qua khi du lịch Việt Nam.
Thủ đô Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước mà còn là nơi lưu giữ rất nhiều địa danh và di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng quan trọng. Một trong số đó không thể không nhắc đến quảng trường Ba Đình lịch sử.
Giữa lòng Hà Nội nghìn năm văn hiến, quảng trường Ba Đình như một trang sử sống động. Chính tại nơi đây, vào một ngày mùa thu năm 1945, trước biển người hừng hực khí thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Giờ phút lịch sử ấy đã đi vào tâm khảm của mỗi người dân Việt, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc.
Theo đó, quảng trường Ba Đình trước đây vốn tọa lạc tại khu vực cổng phía Tây của Kinh thành Thăng Long. Vào đầu thế kỷ 20, khu vực này vẫn còn là một khoảng đất trống với bãi hoang và những hồ ao mới được san lấp. Người Pháp đã phát triển nơi đây thành một vườn hoa, đặt tên là Rond Point Puginier, còn được biết đến với tên gọi quảng trường tròn hay vườn hoa Puginier. Xung quanh vườn hoa Puginier, một loạt các công trình công sở và biệt thự đã được xây dựng nên.
Sau đó, quảng trường đã được đổi tên thành quảng trường Ba Đình do bác sĩ Trần Văn Lai, người giữ chức Thị trưởng thành phố từ ngày 20/7 đến 19/8/1945 đặt tên. Được biết, bác sĩ Trần Văn Lai là người dành sự ngưỡng mộ đặc biệt với các anh hùng có công trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam.
Tháng 8 năm 1945, cuộc tổng khởi nghĩa của quân và dân Việt Nam đã thành công rực rỡ. Cách mạng tháng Tám không chỉ đánh dấu sự chấm dứt của hàng nghìn năm chế độ phong kiến mà còn xóa bỏ ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Thời điểm này, nhiều địa điểm đã được cân nhắc để tổ chức Lễ Độc lập. Cuối cùng, Quảng trường Ba Đình đã được chọn làm nơi diễn ra buổi lễ lịch sử này.
Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn dân tộc Việt Nam. Quảng trường Ba Đình đã trở thành nơi chứng kiến Lễ Truy điệu Hồ Chủ tịch, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc.
Để gìn giữ và phát huy giá trị của Khu Di tích Phủ Chủ tịch, Đảng và Nhà nước đã quyết định xây dựng Lăng Bác ngay tại Quảng trường Ba Đình. Lăng được đặt tại vị trí của Kỳ đài năm xưa, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập.
Ngày nay, quảng trường Ba Đình là quảng trường lớn nhất Việt Nam với hơn 32.000m2. Khuôn viên có chiều dài 320m và rộng 100m, đủ sức chứa lên đến 200.000 người. Với con số ‘khủng’ này, sức chứa của quảng trường Ba Đình gấp 5 lần sân Mỹ Đình Việt Nam.
Về thiết kế, quảng trường được tô điểm bởi các ô cỏ lớn luôn xanh tươi bốn mùa, tạo nên một khung cảnh tươi mát và yên bình. Xen kẽ giữa các ô cỏ là những lối đi rộng 1,4m, thuận tiện cho việc di chuyển và tham quan.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, quảng trường Ba Đình vẫn giữ nguyên vẻ đẹp trang nghiêm và ý nghĩa sâu sắc. Nơi đây thường được chọn để tổ chức các buổi mít tinh, sự kiện trọng đại và các lễ kỷ niệm lớn, mang tính chất lịch sử của dân tộc.
Với cảnh quan rộng lớn, không gian trang nghiêm và bầu không khí lịch sử, Quảng trường Ba Đình thực sự là một điểm đến không thể bỏ lỡ trong hành trình khám phá thủ đô Hà Nội.
>> Quảng trường gần 700 tỷ là biểu tượng của thành phố ngàn hoa, có sức chứa gấp 1,5 lần sân Mỹ Đình
'Tiểu Paris' Việt Nam sẽ có thêm đường đi bộ trên cao ngay quảng trường 70.000m2 lớn nhất thành phố?