Việt Nam: Cứ 220 người dùng smartphone thì có 1 người là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến
Báo cáo nghiên cứu, khảo sát an ninh mạng 2024 vừa được Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA) công bố. Khảo sát được thực hiện tại khu vực người dùng cá nhân, từ ngày 28/11 đến ngày 14/12 theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của hơn 59.000 người.
Kết quả của khảo sát cho thấy, số người bị lừa đảo lớn nhưng số nạn nhân có thể lấy lại tiền chiếm rất nhỏ. Cứ 220 người dùng sẽ có 1 người trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, tỷ lệ là 0,45%. Năm 2024, tổng thiệt hại do lừa đảo trực tuyến gây ra ước tính lên tới 18.900 tỷ đồng.
Đặc biệt, khi mắc bẫy lừa đảo, có 88,98% người dùng cho biết họ đã ngay lập tức cảnh báo, trao đổi với bạn bè, người thân. Tuy nhiên, chỉ có 45,69% người được hỏi trả lời có báo cáo với cơ quan chức năng.
Theo NCA, hình thức lừa đảo, tấn công người dùng của các đối tượng rất đa dạng và tinh vi. Trong đó, năm 2024, có 3 hình thức phổ biến nhất là dụ dỗ người dùng tham gia các chiêu trò đầu tư giả, hứa hẹn lợi nhuận cao; giả mạo danh tính của cơ quan, tổ chức và lừa thông báo trúng thưởng, khuyến mãi lớn.
Cụ thể, có đến 70,72% người dùng từng nhận được lời mời đầu tư tài chính vào các sàn giao dịch không rõ nguồn gốc, cam kết không rủi ro và có lợi nhuận cao. Trong khi đó, 62,08% cho biết, họ gặp phải những cuộc gọi mạo danh cơ quan, tổ chức để giục cài đặt phần mềm hoặc đe dọa phải chuyển tiền do những liên quan đến vi phạm pháp luật và phải chứng minh bản thân trong sạch.
Bên cạnh đó, 60,01% cho biết họ nhận được các thông báo trúng thưởng, khuyến mại. Tuy nhiên, thông tin không rõ ràng, rất mập mờ và bất thường. Ngoài những hình thức lừa đảo trên, các đối tượng còn rất đầu tư khi sử dụng nhiều công nghệ hiện đại để thực hiện hành vi của mình như: công nghệ trí tuệ nhân tạo Deepfake để tạo video, giọng nói giả; ứng dụng công cụ tự động (chatbot) để giao tiếp liên tục với nạn nhân;...
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Trong năm 2024, tình hình dữ liệu cá nhân bị lọt ra ngoài ngày càng diễn biến phức tạp. Cụ thể, có đến 66,24% người dùng xác nhận thông tin của họ từng bị sử dụng trái phép.
Có đến 73,99% người dùng cho biết thông tin bị lọt ra ngoài do họ cung cấp thông tin khi mua hàng trực tuyến; 62,13% người dùng nhận định do họ chia sẻ thông tin trên mạng xã hội và 67% người dùng cho rằng thông tin của họ bị lọt ra ngoài trong quá trình sử dụng dịch vụ thiết yếu của nhà hàng, khách sạn, siêu thị.
Bên cạnh đó, có tới 95,54% người dùng đã bị làm phiền bởi các cuộc gọi không mong muốn. Theo thống kê của hệ thống nTrust, giải pháp phòng chống lừa đảo của Hiệp hội An ninh quốc gia, trong 6 tháng cuối năm 2024, có 134.000 báo cáo liên quan đến các số điện thoại lừa đảo. Ngoài ra, hệ thống nTrust cũng đã cập nhật lên tới 296.000 số điện thoại spam, lừa đảo.
Ngoài ra, có đến 23,4% người dùng cho biết bị tấn công bởi mã độc ít nhất 1 lần trong năm. Trong đó, có đến 9,65% người dùng bị tấn công bởi mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền.
Theo dự báo của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, năm 2025 sẽ tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ của các công nghệ mới, kẻ phạm tội sẽ sử dụng AI để tự động hóa các cuộc tấn công,...
Vì vậy, người dùng cá nhân cần trạng bị cho bản thân kiến thức, kỹ năng sử dụng các công cụ bảo mật tiên tiến, cẩn trọng trong việc chia sẻ thông tin trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia của NCA, việc báo cáo cho các cơ quan chức năng khi gặp lừa đảo là điều cần thiết để bảo vệ quyền lợi của bản thân cũng như ngăn chặn những hành vi phạm pháp.
Mỗi vụ lừa đảo được báo cáo sẽ góp phần để xây dựng cơ sở dữ liệu về phương pháp hoạt động, các chiêu trò của đối tượng. Từ đó, có thể đưa ra cảnh báo rộng rãi về các hành vi lừa đảo và có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
>>Nghi ngờ bị lấy cắp thông tin CCCD để vay tiền, người dân kiểm tra ngay bằng 2 cách đơn giản sau
Bộ Công an: Đẩy nhanh tiến độ, sớm kết thúc điều tra các vụ án lớn
Chạy đua cập nhật sinh trắc học trước ‘giờ G’: Cảnh báo những chiêu trò lừa đảo