Việt Nam dẫn đầu nhóm các quốc gia được dự đoán sẽ vượt mặt Trung Quốc về tăng trưởng GDP và vốn FDI
Đông Nam Á đang trở thành một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư toàn cầu nhờ vào tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, dân số trẻ và các chính sách thu hút đầu tư.
Nghiên cứu mới do một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Singapore dẫn đầu cho thấy Đông Nam Á có khả năng vượt Trung Quốc về tăng trưởng kinh tế và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 10 năm tới.
Khu vực này được cho là sẽ hưởng lợi từ sự gia tăng dân số và dịch chuyển trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tăng trưởng kinh tế
Báo cáo Triển vọng Đông Nam Á 2024-2034 đã dự báo GDP của 6 nền kinh tế trong khu vực là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Báo cáo được công bố vào ngày 1/8 bởi tổ chức Hội đồng Angsana, công ty tư vấn Bain & Co của Mỹ và Ngân hàng DBS của Singapore
Theo đó, GDP của 6 nền kinh tế chủ chốt dự kiến sẽ tăng trung bình 5,1% hàng năm cho đến năm 2034, vượt xa mức tăng trưởng dự báo của Trung Quốc là 3,5% - 4,5%.
Xét theo quốc gia, Việt Nam sẽ dẫn đầu với 6,6%, tiếp theo là Philippines (6,1%) trong khi Singapore - quốc gia tăng trưởng chậm nhất trong số 6 nước - dự kiến đạt 2,5%.
Charles Ormiston, đối tác tư vấn tại Bain và Chủ tịch Hội đồng Angsana, cho rằng động lực sẽ đến từ đà tăng trưởng nội địa mạnh mẽ của khu vực và khi các công ty đa dạng hóa sản xuất ngoài Trung Quốc.
Ông nói: "Đầu tư đa quốc gia sẽ có tính cạnh tranh cao giữa các nước, giúp cải thiện kết quả cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng".
Dòng vốn đầu tư từ nước ngoài
Mặc dù báo cáo không dự báo chính xác số liệu FDI, nguồn tài trợ nước ngoài cho Đông Nam Á được dự đoán sẽ duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ. Năm ngoái, 6 nền kinh tế đã thu hút nhiều vốn nước ngoài hơn Trung Quốc - lần đầu tiên sau một thập kỷ. Năm 2023, FDI vào 6 quốc gia đạt tổng cộng 206 tỷ USD còn Trung Quốc đạt 42,7 tỷ USD.
Ngoài việc là đối tác thương mại lớn nhất, báo cáo lưu ý rằng Trung Quốc có khả năng trở thành nhà đầu tư lớn nhất trong khu vực.
Ông Ormiston bình luận: "Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc hiện đang tìm cách chuyển ra nước ngoài, để tránh các hạn chế về thuế quan cũng như lo ngại về an ninh".
Ban thư ký ASEAN tiết lộ, Mỹ là nguồn FDI lớn nhất của khối với 37 tỷ USD vào năm 2022, chiếm 16,5% tổng số. Khoảng 20 tỷ USD trong số đó được đổ vào các lĩnh vực sản xuất và tài chính. Không tính các khoản đầu tư nội khối ASEAN, Nhật Bản đứng thứ 2 với 27 tỷ USD, tiếp theo là Trung Quốc với 15 tỷ USD.
Tuy nhiên, xét về giá trị tuyệt đối, GDP thực tế của Trung Quốc vẫn dẫn trước Đông Nam Á. Báo cáo dự đoán GDP thực của siêu cường châu Á này vào năm 2034 là 154 nghìn tỷ NDT (21 nghìn tỷ USD) - gấp khoảng 5 lần tổng GDP của 6 nền kinh tế Đông Nam Á.
Cơ sở dữ liệu Triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ ra, GDP thực tế của Trung Quốc vào năm 2029 sẽ gấp 4,3 lần so với 10 thành viên ASEAN cộng lại.
Để thúc đẩy tăng trưởng, báo cáo nhấn mạnh, các quốc gia nên ưu tiên đầu tư vào những lĩnh vực mới nổi phù hợp với các cụm ngành, lực lượng lao động và tài nguyên thiên nhiên có sẵn. Thêm vào đó, họ cần phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh mẽ và củng cố thị trường vốn là những lĩnh vực chính để hỗ trợ các công ty mới và tài chính.
Trong số những lĩnh vực tăng trưởng mới, Thái Lan và Indonesia đang nổi lên với tư cách là trung tâm khu vực cho chuỗi cung ứng xe điện.
Malaysia, Singapore và Việt Nam hiện đang mở rộng sản xuất chất bán dẫn trên toàn bộ chuỗi giá trị, trong khi Đông Nam Á được hưởng lợi đáng kể từ sự bùng nổ đầu tư vào trung tâm dữ liệu.
Ngoài ra, Ormiston khẳng định, năng lượng xanh sẵn có và giá rẻ sẽ trở thành "động lực chính" trong những năm tới đối với một số dự án FDI hấp dẫn nhất, khi các công ty toàn cầu thúc đẩy quá trình khử carbon.
Theo báo cáo năm ngoái của McKinsey và Hội đồng Phát triển Kinh tế Singapore, Đông Nam Á từ lâu đã dựa vào khí đốt và than đá để sản xuất điện giá rẻ nhưng lại thu hút mức đầu tư vào năng lượng mặt trời và năng lượng gió thấp nhất trên toàn cầu trong 5 năm qua, chỉ đứng sau khu vực cận Sahara châu Phi.
Theo Nikkei Asia
>> Láng giềng Việt Nam nổi lên như 1 siêu cường hàng hải, sở hữu 7/10 cảng biển lớn nhất thế giới