Theo danh sách các quốc gia có tỷ lệ hộ gia đình sở hữu nhà cao nhất thế giới, Việt Nam chỉ đứng sau Rumani và Trung Quốc.
Mới đây, tập đoàn bất động sản Garrett có trụ sở ở Kentucky, Mỹ đã đưa ra danh sách các quốc gia có tỷ lệ hộ gia đình sở hữu nhà cao nhất thế giới. Đáng chú ý, Việt Nam đứng vị trí thứ 3 trong danh sách này.
Đứng đầu là Rumani. Tại đây, hơn 96% hộ gia đình sở hữu nhà riêng. Có được điều này là nhờ truyền thống thích sở hữu nhà của người dân Rumani, khả năng và cơ hội để mua nhà.
Năm 1990, 70% số khu chung cư ở Rumani thuộc sở hữu của nhà nước. Sau đó, khi Chính phủ bán các bất động sản này, nhiều người Rumani đã mua lại với giá ưu đãi. Mặc dù tỷ lệ sở hữu nhà ở Rumani cao nhưng các báo cáo cho thấy 1/3 số căn nhà ở Rumani có thể đang trong tình trạng hư hỏng nặng nề.
Vị trí thứ hai thuộc về Trung Quốc với tỷ lệ sở hữu nhà ở vào hàng cao nhất thế giới ở mức hơn 90%. Theo quan niệm ở nước này, dù sở hữu chung cư hay nhà riêng, sở hữu nhà cho thấy sự ổn định và giàu có.
Xếp thứ 3 là Việt Nam với tỷ lệ là 90%, sở hữu nhà được coi là mục tiêu quan trọng đặc biệt với những người đến tuổi nghỉ hưu. Báo cáo nhận xét, Chính phủ đã hỗ trợ người dân thông qua các chương trình nhà ở với giá phải chăng.
Sở hữu nhà là mục tiêu quan trọng của nhiều người dân Việt Nam |
Tuy nhiên, giống như nhiều quốc gia khác, tốc độ tăng trưởng nhanh và giá cả tăng cao đã tạo ra thách thức về khả năng mua nhà.
Tiếp theo là Nga (87%), tương tự như nhiều quốc gia khác, việc sở hữu một căn nhà cho thấy sự ổn định và là khoản đầu tư vững chắc. Tuy nhiên, có sự khác biệt về chất lượng giữa nhà ở thành phố và nông thôn. Một trong những kiểu nhà phổ biến ở Nga là Khrushchyovka - chung cư xây thời Liên Xô và nhà gỗ.
Bảng xếp hạng các quốc gia có tỷ lệ hộ gia đình sở hữu nhà cao nhất thế giới |
Vị trí thứ 5 là Sudan với 87%, dù vậy nhiều căn nhà ở đây thường chật chội tự xây bằng gạch hoặc bùn. Tại Sudan, tỷ lệ sở hữu nhà ở nông thôn cao hơn, tỷ lệ sở hữu nhà ở thành thị chỉ khoảng 67%.
Xếp sau là Ba Lan (86,8%). Tỷ lệ sở hữu nhà ở Ba Lan vào hàng cao trên thế giới. Tuy nhiên, gần đây, thị trường nhà ở cho thuê cũng được người trẻ và cư dân ở thành phố lớn quan tâm.
Sở hữu nhà không đơn thuần là một nơi để sống mà còn được xem là biểu tượng của sự ổn định tài chính và khả năng tự lực. Mặc dù giá nhà ở tại một số nơi ở Ba Lan tăng cao khiến việc mua nhà khó khăn hơn, điều đó không làm giảm mục tiêu sở hữu nhà của người dân quốc gia này.
Các quốc gia còn lại trong top 10 danh sách lần lượt là Ấn Độ (86,6%), Pakistan (86,6%), Nhật Bản (80%), Tây Ban Nha (75,8%).
>> Lãi suất tăng, giấc mơ sở hữu nhà của hàng triệu người "tan thành mây khói"