Từ năm ngoái đến nay, lãi suất đã tăng chóng mặt trên toàn thế giới, tạo ra cú sốc càn quét thị trường nhà đất toàn cầu.
Trên toàn thế giới, người mua nhà vừa phải chịu mức chi phí đi vay tăng vọt, vừa phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung khiến giá leo thang. Kết quả là ở rất nhiều khu vực giá nhà đất không còn vừa túi tiền của người mua, trong khi người bán cũng phải đối mặt với áp lực tài chính rất lớn vì đang gánh trên vai những khoản nợ.
Thị trường bất động sản Mỹ - nơi phổ biến nhất là các khoản vay thế chấp kỳ hạn 30 năm – gần như đã bị đóng băng. Chủ nhà không muốn bán vì đang tận hưởng lãi suất thấp đã được chốt trước đó, trong khi người mua cạn tiền. Từ những thị trường từng bùng nổ như New Zealand và Canada cho tới những nơi như Anh và Hàn Quốc, áp lực ngày càng gia tăng.
Lãi suất vay thế chấp 30 năm ở Mỹ hiện vào khoảng 7,4% và được dự báo ở quanh mức 5,5% trong thập kỷ tới – cao gấp đôi so với con số 2,65% ở thời điểm đầu năm 2021.
Ở nhiều nơi, lãi suất thế chấp tăng rất mạnh và lập kỷ lục trong nhiều năm. Nguồn: Bloomberg. |
Làn sóng suy thoái này có thể trở thành lực cản rất lớn kéo kinh tế toàn cầu đi xuống. Sở hữu nhà – điều lâu nay vẫn được coi là một trong những dấu mốc quan trọng nhất trong cuộc đời 1 con người – đang ngày càng trở nên xa tầm với. Ngược lại, bộ phận hưởng lợi nhất lại chính là những người sở hữu nhà lâu năm. Họ vừa được hưởng mức giá tăng, vừa không phải chịu gánh nặng vay thế chấp.
Tương lai kinh tế thế giới đang rất bấp bênh. Cuộc chiến ở Trung Đông và những rắc rối của kinh tế Trung Quốc đe dọa đẩy kinh tế toàn cầu suy thoái sâu hơn nữa. Nếu điều đó xảy ra, lực cầu sẽ giảm rõ rệt và đẩy giá nhà đi xuống. Khủng hoảng bất động sản có thể lan rộng thành khủng hoảng tài chính.
Dù cho lạm phát hạ nhiệt và nhiều nước đang giảm dần mức độ thắt chặt chính sách tiền tệ, người tiêu dùng đang bắt đầu nhận ra chi phí đi vay sẽ không bao giờ quay trở lại mức thấp như thời kỳ 15 năm trước khủng hoảng tài chính.
Ban đầu, sau khi lãi suất bất ngờ tăng vọt, đa số mọi người nghĩ rằng họ có thể gắng gượng trong 1 thời gian hoặc chờ đợi thời gian này qua đi để tái tài trợ ở mức lãi suất thấp hơn. Nhưng giờ đây họ nhận ra lãi suất sẽ cao hơn trong thời gian dài hơn, có thể là nhiều năm.
Thị trường đồng loạt đóng băng
Những căn nhà ở New Zealand. Nguồn: Bloomberg. |
Ở Mỹ, sự kết hợp giữa nhiều yếu tố gồm lượng hàng tồn kho thấp, giá tăng và lãi suất thế chấp lập đỉnh trong nhiều năm đã khiến doanh số bán nhà cũ rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010. Trong báo cáo mới đây, Goldman Sachs dự báo khối lượng giao dịch sẽ rơi xuống mức thấp nhất kể từ đầu những năm 1990.
New Zealand từng là thị trường bùng nổ mạnh nhất thế giới, với giá nhà tăng gần 30% chỉ trong năm 2021. Khoảng 25% khoản vay thế chấp ở thời điểm hiện tại được bắt đầu từ năm đó, và 20% trong số này là những người mua nhà lần đầu.
Lãi suất vay thế chấp ở New Zealand thường được cố định trong 3 năm đầu. Như vậy sang năm, tức đầu năm 2024, sẽ có rất nhiều người gặp khó khăn vì lãi suất tăng.
Aaron Rubin là 1 trường hợp như vậy. Năm 2021, anh vay 1 triệu đôla New Zealand (khoảng 603.000 USD) để mua 1 căn nhà có 4 phòng ngủ. 8 năm trước, hai vợ chồng anh đã quyết định chuyển từ Mỹ sang New Zealand với hi vọng 1 căn nhà ở thành phố ven biển Nelson sẽ mang đến 1 cuộc sống ổn định.
Thời gian đầu, họ chỉ phải trả khoảng 4.000 đôla NZD mỗi tháng. Giờ đây con số đã tăng lên 6.400 NZD. Với gánh nặng mới, gia đình đã phải cắt giảm nhiều khoản, không còn có thể về Mỹ thăm gia đình thường xuyên như trước.
Tuy nhiên Rubin vẫn cảm thấy may mắn vì tình hình của anh chưa đến nỗi quá tệ vì còn xoay xở được. Anh đã chứng kiến nhiều người khác phải chịu áp lực lớn hơn rất nhiều.
Giấc mơ vụn vỡ
Những tòa chung cư ở Hàn Quốc. Ảnh: Bloomberg. |
Cơn sốt bất động sản trong thập kỷ trước đã giúp rất nhiều người ở các quốc gia như New Zealand, Australia và đặc biệt là Canada trở thành triệu phú dù họ chỉ là những nhà đầu tư nghiệp dư. Năm 2020, những người có nhiều hơn 1 căn nhà sở hữu gần 1/3 lượng nhà ở 2 thành phố đông dân nhất Canada.
Lãi suất tăng khiến tình hình đảo ngược trong nháy mắt. Đầu tư vào 1 căn hộ chung cư ở Toronto, nhà đầu tư sẽ thu về lợi suất 3,9% sau khi trừ các chi phí, thấp hơn mức 5% nếu đầu tư vào trái phiếu chính phủ.
Robert Kavcic, chuyên gia kinh tế đang làm việc tại Bank of Montreal, nhận xét: “Bạn sẽ không thể lặp lại câu chuyện của 20 năm trước. Sẽ có cả 1 thế hệ nhà đầu tư học được những bài học đắt giá, thậm chí khá đau khổ”.
Những nhà đầu tư mua theo tiến độ, trả một phần tiền trước khi nhà xây xong, vẫn là bộ phận mang lại nguồn tiền lớn cho các nhà phát triển bất động sản. Do đó, khi lực mua của nhóm này sụt giảm mạnh, hàng chục nghìn căn hộ ở Toronto đã bị tạm ngừng xây dựng vì cạn tiền.
Tình trạng tương tự đang xảy ra ở châu Âu. Tại Đức, số giấy phép cấp cho dự án mới đã giảm hơn 27% trong nửa đầu năm. Ở Pháp ghi nhận mức giảm 28%. Thị trường bất động sản Thụy Điển đang ở trong giai đoạn tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng trong những năm 1990.
Tại châu Á, tình hình không khả quan hơn. Hàn Quốc hiện đang có tỷ lệ nợ hộ gia đình bằng 157% GDP, cao nhất trong nhóm các nước phát triển. Trong đó gần 800 tỷ USD nằm ở “jeonse” – hình thức thuê nhà chỉ có ở xứ sở kim chi.
Theo hình thức này, chủ nhà cho thuê sẽ thu một khoản tiền đặt cọc gọi là jeonse, tương đương 50 - 90% giá trị bất động sản khi bắt đầu cho thuê. Trong thời hạn cho thuê (thường kéo dài trong 2 năm), người thuê nhà không phải trả tiền thuê trong khi chủ nhà thu lợi nhuận bằng cách đầu tư tiền, thường để mua hoặc xây thêm căn hộ mới. Chủ nhà sẽ hoàn trả tiền đặt cọc khi hợp đồng thuê hết hạn.
Khi lãi suất tăng như hiện nay, chính sách này trở nên kém hấp dẫn hơn so với việc trả tiền thuê nhà theo tháng. Cùng với giá nhà giảm, nhiều chủ nhà gặp khó khăn tài chính và không thể trả lại tiền cho người thuê nhà.
Theo dữ liệu từ Tòa án tối cao Hàn Quốc, số vụ kiện do người thuê kiện chủ nhà vì tiền đặt cọc không được trả lại lên tới 19.200 vụ trong nửa đầu năm 2023, tăng 60% so với cả năm 2022.
>> Quá ế ẩm, nhà phát triển bất động sản lớn nhất Hồng Kông giảm giá "kịch sàn", chỉ 35 triệu đồng/m2
VN-Index vùng 1.270-1.280 điểm: Dòng tiền lớn giữ giá để gom hàng?
Novaland (NVL): Hơn 800 kỹ sư, công nhân gấp rút hoàn thiện phân khu tại siêu dự án quy mô 1.000ha