Việt Nam sắp có thêm cửa khẩu kết nối với Campuchia
Cửa khẩu này thuộc xã Ia Đal, tỉnh Quảng Ngãi.
Báo Tuổi Trẻ thông tin, ngày 26/7, đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi do Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thị Quỳnh Vân dẫn đầu đã trực tiếp khảo sát thực địa tại khu vực dự kiến mở cửa khẩu phụ Hồ Le, thuộc xã Ia Đal. Đây được xem là bước đi quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biên mậu và đảm bảo an ninh vùng biên.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Đồn Biên phòng Hồ Le (thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, địa phương có đường biên giới tiếp giáp với Lào và Campuchia. Tuy nhiên, khu vực giáp tỉnh Ratanakiri (Campuchia) hiện vẫn chưa có cửa khẩu chính thức nào được thiết lập. Việc mở cửa khẩu phụ Hồ Le tại khu vực cột mốc số 19 trước đây đã được tỉnh Kon Tum cũ xúc tiến, nhằm phục vụ nhu cầu qua lại, khám chữa bệnh, giao thương hàng hóa của cư dân hai bên biên giới, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng và an ninh.
> > 'Đà Lạt thứ 2' của Tây Nguyên sẽ trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng của cả nước

Khu vực mốc 19 được đánh giá có địa hình bằng phẳng, rộng rãi, thuận tiện cho việc quy hoạch các khu chức năng cửa khẩu. Đặc biệt, cả phía Quảng Ngãi và tỉnh Ratanakiri đều đã có tuyến đường giao thông kết nối trực tiếp đến điểm dự kiến mở cửa khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông, phát triển kinh tế và hợp tác biên giới.
Thiếu tá Cao Viết Hào – Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hồ Le – nhấn mạnh, việc mở cửa khẩu không chỉ nâng cao hiệu quả kiểm soát biên giới, đấu tranh chống buôn lậu, tội phạm xuyên biên giới mà còn thúc đẩy ngoại giao nhân dân, đối ngoại quân sự và kinh tế vùng biên. Đồng thời, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
Theo ông Thái Văn Tưởng – Giám đốc Sở Ngoại vụ Quảng Ngãi – hồ sơ mở cửa khẩu phụ Hồ Le đã được tỉnh Kon Tum (trước khi sáp nhập) trình và được Chính phủ Việt Nam đồng ý, quy hoạch giai đoạn đến năm 2030 là cửa khẩu phụ và đến năm 2050 trở thành cửa khẩu chính. Về thủ tục đối ngoại, phía Việt Nam cũng đã có công hàm đề nghị tỉnh Ratanakiri tiến hành khảo sát song phương, song phía bạn vẫn đang chờ ý kiến chính thức từ Chính phủ Hoàng gia Campuchia.

Qua khảo sát thực địa, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Thị Quỳnh Vân đánh giá cao tiềm năng khu vực mốc 19 – nơi chỉ cách biên giới khoảng 250m. Bà cho biết, vùng biên này hiện là “vựa mì” lớn, nếu mở được cửa khẩu sẽ tạo động lực lớn cho giao thương, phát triển công nghiệp chế biến nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân hai bên.
Để tháo gỡ khó khăn, bà Vân đề nghị Sở Ngoại vụ tỉnh tiếp tục kết nối, chủ động làm việc với Bộ Ngoại giao, đồng thời có văn bản kiến nghị mới gửi Chính phủ, nhằm đề xuất Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia trao đổi trực tiếp với phía bạn, thúc đẩy quá trình khảo sát và phê duyệt mở cửa khẩu.
Trong bối cảnh tỉnh vừa sáp nhập địa giới hành chính, việc mở cửa khẩu phụ Hồ Le được xem là chiến lược then chốt để khai thác tiềm năng vùng biên, phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an ninh quốc phòng lâu dài. Bà Vân khẳng định đây là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách, yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt để sớm hiện thực hóa chủ trương này.
> > Sẽ xây dựng sân bay tại vùng đất được mệnh danh là ‘Đà Lạt thứ 2’ của Tây Nguyên