Việt Nam sắp hình thành vành đai liên kết kinh tế toàn vùng phía Nam
Liên kết của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ có bước đột phá nếu hệ thống vành đai công nghiệp đô thị, dịch vụ, logistic dọc các tuyến đường vành đai, cao tốc được hình thành đồng bộ.
Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP. HCM vừa có văn bản trình UBND thành phố về Đề án hình thành vành đai công nghiệp đô thị, dịch vụ logistics dọc Vành đai 3, Vành đai 4 và các tuyến cao tốc vùng. Các tuyến vành đai, cao tốc hình thành sẽ mở rộng không gian phát triển, tạo động lực phát triển mới và thúc đẩy các vành đai công nghiệp, dịch vụ, logistics quan trọng của vùng Đông Nam Bộ.
Việc khai thác các tiềm năng phát triển của TP. HCM, đặc biệt là trong khu vực công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ, logistics có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Đề án sau khi hoàn thành tại TP. HCM sẽ chuyển giao cho các tỉnh còn lại trong vùng để triển khai hoặc có thể tổ chức một đơn vị tư vấn có năng lực liên kết vùng để xây dựng mở rộng đề án cho toàn bộ vành đai công nghiệp đô thị toàn vùng.
Về vấn đề này, chuyên gia quy hoạch đô thị - KTS Ngô Viết Nam Sơn nhìn nhận tương quan liên kết vùng giữa TP. HCM và các địa phương trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam thì sự kết nối giữa TP. HCM với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu là quan trọng nhất và cần được ưu tiên. Đây là những địa phương đóng góp nhiều nhất cho ngân sách cả nước thế nhưng lâu nay vẫn phát triển theo hướng đơn lẻ, chưa có sự liên kết.
>> 3 trường hợp đất thực tế khác giấy tờ bị thu hồi được Nhà nước bồi thường
Theo vị chuyên gia, nếu xây dựng được hệ thống hành lang kết nối logistics, dịch vụ, công nghiệp giữa 4 địa phương này thì chắc chắn sẽ tạo được bước đột phá thúc đẩy GRDP của từng địa phương cũng như kinh tế của cả nước lên mức cao hơn. Các trợ lực lớn về giao thông là Vành đai 3, Vành đai 4 cùng hệ thống các tuyến cao tốc phía Đông Nam Bộ đang được tập trung thúc đẩy sớm hình thành và tạo điều kiện tốt để siết chặt liên kết, kết nối của vùng trọng điểm.
Vì tầm quan trọng và ý nghĩa của đề án, Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP. HCM cho rằng, việc nghiên cứu xây dựng vành đai công nghiệp đô thị sẽ bao gồm một phạm vi nghiên cứu rất lớn, trải dài và rộng trên địa bàn tất cả các tỉnh vùng Đông Nam Bộ; đòi hỏi phối hợp chặt chẽ giữa UBND các tỉnh thành trong vùng.
TP. HCM đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; trung tâm công nghiệp công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Sản phẩm công nghiệp công nghệ cao chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong cơ cấu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp; phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; chuyển dần sang tự túc sản xuất được nguyên liệu, tự thiết kế, sản xuất. Tầm nhìn đến năm 2050, TP. HCM trở thành thành phố có nền công nghiệp phát triển hiện đại ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực, vươn tầm châu lục.
Dự án đường Vành đai 3 TP. HCM đã được khởi công vào tháng 6/2023, dài 76km, đi qua 4 tỉnh, thành gồm: TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Hiện, các địa phương đang tăng tốc để thông xe phần cao tốc vào năm 2025, hoàn thành toàn bộ dự án vào năm 2026.
Kế hoạch xây dựng Vành đai 4 là cao tốc đô thị đang được triển khai với chiều dài 207km đi qua 5 địa phương (Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP. HCM và Long An). Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 sơ bộ khoảng 127.230 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Các địa phương đang xúc tiến các thủ tục, hồ sơ liên quan nhằm khởi động dự án.