Việt Nam sở hữu 'kho báu dưới đất' mang về hơn 700 triệu đô chỉ sau 7 tháng, 40 tỉnh, thành khắp cả nước đều đang 'cất giữ'
Loại "kho báu" này giúp Việt Nam trở thành "ông trùm" trên thế giới.
Nông sản là một trong những thế mạnh của Việt Nam trên thị trường xuất khẩu, trong đó sắn là một sản phẩm quan trọng. Nhiều quốc gia đã tăng cường nhập khẩu sắn từ Việt Nam do tính ứng dụng cao và sự phổ biến rộng rãi của loại cây này trong đời sống. Không chỉ trong nước, sắn còn được tiêu thụ mạnh mẽ ở nhiều nước trên thế giới, góp phần thúc đẩy xuất khẩu sắn của Việt Nam phát triển.
Sắn được trồng tại 40 tỉnh, thành trên cả nước, tạo nên sản lượng đáng kể. Các vùng trọng điểm trồng sắn bao gồm Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, với diện tích dao động từ 520.000-550.000ha, sản lượng lên đến 10 triệu tấn củ tươi và năng suất đạt khoảng 19-20 tấn/ha.
Hiện nay, giá sắn đang tăng mạnh đạt đến 458 USD/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, riêng trong tháng 7 vừa qua, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đã đạt hơn 218 nghìn tấn, trị giá hơn 105 triệu USD, tăng cả về sản lượng lẫn giá trị so với tháng trước. Trong 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sắn đã đạt 735 triệu USD với hơn 1,6 triệu tấn, mang lại cho Việt Nam số tiền không nhỏ chỉ trong hơn nửa năm.
Cùng với Thái Lan, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia xuất khẩu sắn hàng đầu thế giới, với kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt hơn 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên, xuất khẩu sắn của Việt Nam đang phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Với 1,46 triệu tấn sắn được tiêu thụ, trị giá hơn 668 triệu USD, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu sắn lớn nhất của Việt Nam. Mặc dù lượng xuất khẩu sang Trung Quốc có giảm nhẹ nhưng giá trị xuất khẩu lại tăng đáng kể. Hàn Quốc là thị trường lớn thứ hai nhập khẩu sắn của Việt Nam với hơn 36 nghìn tấn, trị giá hơn 11 triệu USD. Đài Loan (Trung Quốc) cũng nhập khẩu mạnh mẽ mặt hàng này từ nước ta với hơn 32 nghìn tấn, trị giá hơn 17 triệu USD.
Sắn được ví như "kho báu dưới lòng đất" của Việt Nam, không chỉ là nguồn lương thực thực phẩm mà còn là nguyên liệu trong chế biến công nghiệp và thức ăn gia súc. Sắn được nghiền thành bột cũng có nhiều công dụng và được tiêu thụ rộng rãi.
Đây là loại cây mà từ rễ đến ngọn đều có giá trị kinh tế. Thân sắn có thể làm củi, sản xuất nấm và sử dụng trong công nghiệp xenlulo. Lá sắn cũng được dùng làm thức ăn chăn nuôi, như nuôi tằm và cá.
Loại "kho báu" này có khả năng sinh trưởng tốt trên đất bạc màu và hạn hán, góp phần đảm bảo lương thực ở các vùng khó khăn. Việc trồng và chế biến sắn không chỉ tạo ra nhiều việc làm cho người dân mà còn góp phần giảm nghèo, mang lại nguồn thu lớn từ xuất khẩu. Ở nhiều tỉnh thành, đặc biệt là những vùng quê, chúng ta dễ dàng bắt gặp những cánh đồng sắn được người dân chăm sóc, vun trồng.