Vietcombank có hơn 102.000 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối, cổ đông vẫn đang chờ chia cổ tức
Năm 2023, Vietcombank (VCB) đã phát hành 857 triệu cổ phiếu trả cổ tức các năm trước, nhưng ngân hàng vẫn chưa có kế hoạch trả cổ tức cho năm 2024.
Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank, mã: VCB) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2024 với lợi nhuận sau thuế đạt 8.572 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng kết 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Vietcombank đạt 25.283 tỷ đồng, đưa tổng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của ngân hàng lên mức hơn 102.068 tỷ đồng.
Dù đã phát hành gần 857 triệu cổ phiếu trong năm 2023 để trả cổ tức các năm trước, Vietcombank vẫn chưa có kế hoạch chia cổ tức cho năm 2024.
Nhiều lần lên kế hoạch tăng vốn, chờ cơ chế phê duyệt
Vào tháng 2/2024, HĐQT Vietcombank đã phê duyệt kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022, dự kiến sử dụng 21.680 tỷ đồng để phát hành cổ phiếu trả cổ tức tăng vốn điều lệ.
Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023, Vietcombank cũng trình phương án tăng vốn tối đa 27.685 tỷ đồng từ lợi nhuận năm 2021 và các năm trước.
Tuy nhiên, việc tăng vốn của Vietcombank và các ngân hàng thương mại Nhà nước khác vẫn cần sự thông qua của Chính phủ và Quốc hội.
Kết quả kinh doanh của Vietcombank giai đoạn 2019 - 9T2024 |
>> Vietcombank (VCB) có 11.000 tỷ đồng nợ xấu khả năng mất vốn
Đề xuất tăng thêm 27.666 tỷ đồng vốn điều lệ cho Vietcombank
Trong kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XV, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đề xuất tăng vốn điều lệ cho Vietcombank từ nguồn lợi nhuận tích lũy, với số tiền 27.666 tỷ đồng, bao gồm 20.695 tỷ đồng vốn bổ sung của cổ đông Nhà nước. Nếu được thông qua, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng từ 55.891 tỷ đồng lên 83.557 tỷ đồng – đứng đầu hệ thống ngân hàng.
"Việc đầu tư bổ sung vốn giúp cho Vietcombank nâng cao năng lực tài chính để phấn đấu vươn ra khu vực nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực Châu Á; khẳng định vai trò sếu đầu đàn trong ngành tài chính ngân hàng theo định hướng của Đảng, Chính phủ", Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ.
Để đáp ứng yêu cầu về vốn theo tiêu chuẩn Basel III, Vietcombank đặt mục tiêu hệ số an toàn vốn (CAR) đạt 12% vào năm 2024 và 13,5% vào năm 2026, với dự kiến cần mức vốn tự có khoảng 182.635 tỷ đồng vào cuối năm 2026.
Để đảm bảo CAR đạt mục tiêu, Vietcombank đề xuất tăng vốn tự có giai đoạn 2024-2026 thông qua hai nguồn chính: 82.131 tỷ đồng từ lợi nhuận giữ lại sau thuế và 32.689 tỷ đồng từ phát hành cổ phần riêng lẻ.
Tuy nhiên, phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ hiện vẫn chưa khả thi do thị trường còn bất lợi, phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu là giải pháp khả thi nhất để tăng vốn.
Dự kiến ngày 30/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó có quyết định về: Chủ trương đầu tư bổ sung vốn Nhà nước tại Vietcombank.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình trước Quốc hội, nguồn: Internet |
>> 9 hành vi bị cấm khi giao dịch thẻ tại Vietcombank (VCB)
Yêu cầu về cơ chế tăng vốn chủ động cho nhóm Big4
Trong phiên thảo luận tại Quốc hội, đại biểu Phạm Đức Ấn đề xuất cho phép các ngân hàng thương mại nhà nước tăng vốn chủ động từ lợi nhuận giữ lại nhằm ổn định thị trường và thực hiện chính sách tiền tệ mà không cần trình Quốc hội phê duyệt hàng năm.
Đồng tình với quan điểm này, Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng việc cho phép các ngân hàng giữ lại lợi nhuận để tăng vốn điều lệ sẽ giúp hệ số CAR ổn định và không gây áp lực lên ngân sách quốc gia hàng năm.
Ông Cường cũng đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư Vốn Nhà nước vào doanh nghiệp để đơn giản hóa thủ tục hành chính.
“Tiền của doanh nghiệp làm ăn có lãi thì họ quyết định tăng vốn dựa trên Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông. Tới đây, sửa Luật Đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp phải nghiên cứu sửa đổi quy định này”, ông Cường chia sẻ.
>> Bất ngờ với số cổ phiếu MBB mà Vietcombank (VCB) đang sở hữu
Vietcombank (VCB) có 11.000 tỷ đồng nợ xấu khả năng mất vốn
Vietcombank (VCB) báo lãi hơn 31.500 sau 9 tháng, nợ xấu vượt 17.100 tỷ đồng