Từ đầu năm 2021 đến nay, thị trường chứng khoán ghi nhận 41 doanh nghiệp và hai quỹ đầu tư gia nhập thị trường thông qua niêm yết sàn HOSE, HNX hoặc đăng ký giao dịch trên UpCOM.
Kết phiên giao dịch cuối cùng của năm 2021 (31/12), VN-Index đứng ở mức 1.498,28 điểm - tăng 394,41 điểm (35,73%) so với cuối năm trước; HNX-Index tăng đến 133,35% lên 473,99 điểm; UpCOM-Index cũng tăng 51,35% lên 112,68 điểm.
Điểm mặt các bluechip "gồng gánh" thị trường
Các chỉ số chứng khoán chính của Việt Nam tăng trưởng vượt bậc trong năm 2021 nhờ sự đóng góp của một số cổ phiếu lớn như MSN, HPG, THD, CEO, BSR,…
Theo thống kê của Algo Platform, cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan đã giúp VN-Index tăng 2,3% trong năm qua đồng thời đứng đầu toàn thị trường.
Kế đó, mã VPB của VPBank giúp VN-Index có thêm 1,9% trong năm 2021. Bản thân cổ phiếu này cũng tăng trưởng ấn tượng 98%, tất cả đều đến từ nửa đầu năm. Trong 6 tháng cuối năm, VPB cùng với đa số cổ phiếu ngân hàng khác chỉ lình xình đi ngang, không còn hừng hực khí thế phá đỉnh liên tục như nửa đầu.
Tương tự, HPG cũng đóng góp 1,7% vào đà tăng của VN-Index trong năm qua.
Nhóm ngân hàng góp mặt đông đảo trong top 15 mã tác động tích cực nhất VN-Index trong năm qua. Ngoài VPB, còn có TCB của Techcombank, MBB của Ngân hàng Quân Đội, CTG của VietinBank, TPB của TPBank,…
Trong khi nhóm ngân hàng vượt trội trong nửa đầu năm thì cổ phiếu bất động sản lại thể hiện bản lĩnh trong 6 tháng cuối để góp mặt trong top nâng đỡ VN-Index.
VHM của Vinhomes chỉ tăng khiêm tốn 19% trong năm 2021 nhưng vẫn giúp VN-Index tăng tới 1,3%.
Nhóm cổ phiếu "tân binh" biến động ra sao?
Theo thống kê của Vietnambiz.vn, từ đầu năm 2021 đến nay, thị trường chứng khoán ghi nhận 41 doanh nghiệp và hai quỹ đầu tư gia nhập thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua niêm yết sàn HOSE, HNX hoặc đăng ký giao dịch ở thị trường UpCOM.
Tổng khối lượng lên sàn là hơn 5 tỷ đơn vị cổ phiếu và 25,5 triệu chứng chỉ quỹ. Vốn hóa tính theo giá khởi điểm là khoảng 111.000 tỷ đồng.
Thống kê 23 mã cổ phiếu lên sàn trong năm 2021 và có vốn hóa cuối ngày 24/12 trên 600 tỷ đồng cho thấy, chỉ có hai mã suy giảm so với giá tham chiếu ngày chào sàn là SGI của Đầu tư Phát triển Sài Gòn 3 Group (mất 6,3%) và CST của Than Cao Sơn - TKV (giảm 4,7%). Các cổ phiếu còn lại ghi nhận vốn hóa tăng từ 14% đến trên 1.500%.
Mới nhất, trong những ngày cuối năm 2021, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) liên tiếp cấp giấy chứng nhận niêm yết cho 1 quỹ đầu tư và 4 doanh nghiệp chuyển sang từ sàn UpCOM.
Nhận định chứng khoán 22/11: Nhiều CTCK đồng thuận VN-Index lên 1.240 điểm
Kéo trụ ngân hàng, VN-Index bật tăng 12 điểm trong phiên đáo hạn phái sinh