Chứng khoán

Vụ án Trịnh Văn Quyết: Một nhà đầu tư bắt tàu hỏa từ Nam ra Bắc để 'tìm' 14 tỷ đồng

Quốc Trung 22/07/2024 15:36

Trước khi phiên xét xử ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm bắt đầu, tòa án đã triệu tập gần 100.000 người là các bị hại và người liên quan tới phiên tòa.

Một NĐT đi tàu từ Quảng Nam ra Hà Nội để 'tìm' 14 tỷ đồng

Sáng ngày 22/7, phiên tòa xét xử ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC và đồng phạm đã chính thức diễn ra tại TP. Hà Nội.

Trước khi sự kiện bắt đầu, tòa án đã triệu tập gần 100.000 người gồm bị hại là các nhà đầu tư và người liên quan tới phiên tòa. Trong số này, số bị hại trong vụ thổi vốn khống tại FLC Faros đã lên tới hơn 30.400.

Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30 người bị hại có mặt tại phiên xét xử. Mặc dù trước đó, tòa đã cho dựng rạp với hàng ngàn chỗ ngồi để các bị hại theo dõi phiên tòa.

Những 'hàng ghế nhân đạo' trong vụ án ông Trịnh Văn Quyết
Nhà đầu tư Lê Ngọc N, chăm chú theo dõi phiên tòa qua màn hình lớn phía ngoài (Ảnh: SGGP)

>> Trực tiếp: Đang xét xử Trịnh Văn Quyết

Dẫn tin báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP), anh Lê Ngọc N. (46 tuổi, quê ở Quảng Nam) là một trong số ít nhà đầu tư có mặt. Theo anh N., trước khi vụ án xảy ra, anh đã đầu tư 14 tỷ đồng vào 3 mã cổ phiếu của Tập đoàn FLC.

Anh N. cho biết, để có thể dự phiên tòa, anh mất 17 tiếng di chuyển bằng tàu hỏa từ TP. Đà Nẵng ra TP. Hà Nội. Anh không dám đi máy bay vì vé quá đắt.

Về số tiền đầu tư trên, anh N. nói đó là công sức tích góp, tiết kiệm trong gần 30 năm làm lụng, đồng thời vay mượn bạn bè, người thân và ngân hàng. Sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, cổ phiếu bị hủy niêm yết, đình chỉ giao dịch, gia đình anh N. phải vay mượn các nơi để trả lãi ngân hàng. Tới nay, gia đình anh đã phải bán nhà để trả nợ.

Một cá nhân khác là anh Trường G. (27 tuổi, quê Đông Anh, TP. Hà Nội) cho biết, trước đó anh từng đầu tư lướt sóng một số mã cổ phiếu FLC. Sau đó, nhà đầu tư này đầu tư vào 38.000 cổ phiếu ROS thì đúng lúc bị đình chỉ giao dịch nên từ thời gian này gia đình anh lâm vào tình cảnh phá sản.

"Hôm nay tôi đến dự tòa với hy vọng sẽ được giải quyết nhưng thực sự vẫn còn rất hoang mang do không biết nguồn tiền bây giờ đang đi ở đâu để họ trả cho các nhà đầu tư", anh G. chia sẻ.

Con số 3.621 tỷ đồng mà ông Trịnh Văn Quyết đã chiếm đoạt từ việc bán cổ phiếu ROS cho hơn 30.400 nhà đầu tư là rất lớn. Việc cổ phiếu FLC Faros đã bị hủy niêm yết trên sàn HoSE và hiện vẫn chưa được chấp thuận về UPCoM, những lo lắng của anh Trường G., anh Ngọc N. và rất nhiều nhà đầu tư là có cơ sở.

Tương tự, những thiệt hại của nhà đầu tư giao dịch tại 5 mã cổ phiếu nhóm FLC từng bị thao túng giá cũng là vô cùng lớn.

Tuy nhiên, ngay thời điểm trước khi mở phiên tòa, đã có tới 376 văn bản (với tổng cộng 4.280 người ký tên) đề nghị giảm án, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho ông Quyết và các bị cáo.

Trong quá trình tiếp xúc với nhiều cá nhân sinh sống trên địa bàn nơi Tập đoàn FLC, Công ty Faros triển khai dự án, rất nhiều người đã lên tiếng ghi nhận đóng góp của phía công ty nói chung và cá nhân ông Quyết nói riêng đối với sự phát triển của kinh tế địa phương và đề xuất xin giảm nhẹ cho các bị cáo.

Việc rạp hội trường theo dõi phiên xét xử trong vụ án ông Trịnh Văn Quyết và đồng phạm vắng người không đồng nghĩa với mức độ quan tâm giảm đi. Hơn hai năm bị "chôn vốn" sau khi nhóm cổ phiếu FLC giảm mạnh và lần lượt bị hủy niêm yết/đình chỉ giao dịch, đến nay, những thiệt hại của cả chục nghìn nhà đầu tư vẫn còn "nguyên vẹn".

50 bị cáo hầu tòa

Trong số 50 bị can trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán được xét xử ngày 22/7, có 8 bị cáo hầu tòa với cả hai tội danh trên gồm: Ông Trịnh Văn Quyết, bà Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Quyết), bà Trịnh Thị Thúy Nga (kế toán Tập đoàn FLC, thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán BOS), bà Hương Trần Kiều Dung (Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn FLC, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán BOS)…

Những 'hàng ghế nhân đạo' trong vụ án ông Trịnh Văn Quyết
Các bị cáo tại phiên tòa (Ảnh: SGGP)

22 bị cáo bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 13 bị cáo bị truy tố về tội Thao túng thị trường chứng khoán. Một số bị cáo còn lại bị truy tố về tội Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Theo cáo trạng, với mục đích chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư để sử dụng vào mục đích riêng, ông Trịnh Văn Quyết đã sử dụng Công ty Faros làm công cụ, chỉ đạo cấp dưới thực hiện hành vi gian dối tăng khống vốn góp chủ sở hữu tại Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng, sau đó hoàn thiện các thủ tục để niêm yết cổ phiếu tương ứng với giá trị vốn góp khống của Công ty Faros trên sàn chứng khoán; sử dụng sàn giao dịch chứng khoán TP. HCM làm công cụ, phương tiện bán cổ phiếu, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.

Với động cơ, mục đích, thủ đoạn nêu trên, ông Trịnh Văn Quyết đã bán 391 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp nâng khống cho 30.403 nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, chiếm đoạt hơn 3.621 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để xác minh, lấy lời khai bị hại. Kết quả điều tra xác định có 133 bị hại/30.403 bị hại hiện đang sở hữu 627.090 cổ phiếu ban đầu với tổng giá trị khi mua là hơn 2,2 tỷ đồng. Có 95/133 bị hại có yêu cầu bồi thường hơn 1,3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ông Quyết còn bị cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán qua 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART, thu lợi bất chính số tiền 723 tỷ đồng.

Hiện ông Quyết đã khắc phục được 212,5 tỷ đồng.

>> 'Mái tóc' của ông Trịnh Văn Quyết sau 28 tháng chờ xét xử

Xét xử Trịnh Văn Quyết và đồng phạm: Danh sách bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan

Trịnh Văn Quyết đưa 430 triệu cổ phiếu ROS khống lên sàn chứng khoán thế nào?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nhung-hang-ghe-nhan-dao-trong-vu-an-ong-trinh-van-quyet-242774.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Vụ án Trịnh Văn Quyết: Một nhà đầu tư bắt tàu hỏa từ Nam ra Bắc để 'tìm' 14 tỷ đồng
    POWERED BY ONECMS & INTECH