TAND tỉnh Lào Cai quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án, yêu cầu xác minh số tiền thu lợi bất chính của Phốt pho vàng Việt Nam và Hóa chất Đức Giang Lào Cai.
TAND tỉnh Lào Cai vừa quyết định trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung đối với bị can Nguyễn Mạnh Thừa và đồng bọn liên quan đến hợp đồng mua bán quặng Apatit trái phép với Công ty TNHH Xây dựng thương mại Lilama (Công ty Lilama) trong vụ án “Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”; "Rửa tiền" và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại tỉnh Lào Cai.
Vụ khai thác quặng trái phép của Lilama: 1,36 triệu tấn quặng các loại
Kết luận điều tra ghi nhận Công ty Lilama được UBND tỉnh Lào Cai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chứng nhận đầu tư dự án khách sạn và giấy phép xây dựng.
Tuy nhiên, Lilama không xây dựng dự án mà lợi dụng việc được cấp phép để đưa máy móc đến khai thác trái phép hơn 1,36 triệu tấn quặng Apatit các loại trong phạm vi diện tích 5,99ha (trong khi đó, diện tích Lilama được cấp phép là 3,77ha; phần diện tích 2,22ha còn lại do Lilama tự thỏa thuận mua đất của các hộ dân liền kề dự án để khai thác quặng).
Sản phẩm thu được hơn 1,36 triệu tấn quặng các loại được Lilama ký hợp đồng bán cho 3 công ty, trong đó:
- Công ty Apatit Việt Nam hơn 1,23 triệu tấn, tổng số tiền hơn 316,46 tỷ đồng.
- Công ty TNHH Phốt pho vàng Việt Nam 43.506 tấn, tổng số tiền hơn 49 tỷ đồng.
- Công ty Cổ phần Hóa chất Đức Giang Lào Cai 90.923 tấn, tổng số tiền hơn 85,8 tỷ đồng. (CTCP Hóa chất Đức Giang Lào Cai là công ty con của CTCP Bột giặt và Hóa chất Đức Giang - tiền thân của CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang DGC ngày nay).
Ảnh thanhtra.com.vn |
Liên quan vụ án, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lào Cai đã mở rộng điều tra, ra lệnh khởi tố, bắt tạm giam nhiều cán bộ, nguyên lãnh đạo nhiều công ty liên quan. Những người bị khởi tố, bắt tạm giam chủ yếu là lãnh đạo Apatit Việt Nam và nguyên lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai; nguyên lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai; nguyên Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lào Cai.
>> Cựu Bí thư tỉnh Lào Cai nhận 5 tỷ đồng của doanh nghiệp và đã tiêu hết
Sau quá trình làm việc, mới đây TAND quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung. TAND chỉ ra rằng có 3 công ty mua quặng Apatit khai thác trái phép của Lilama, nhưng chỉ có công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam bị xử lý; do vậy TAND đề nghị tiếp tục điều tra và xác minh số tiền thu lợi bất chính của Công ty Phốt pho vàng Việt Nam và Công ty Hóa chất Đức Giang Lào Cai.
Ngoài ra, TAND còn yêu cầu điều tra làm rõ các hành vi của ông Vũ Đình Thủy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai.
Đồng thời, yêu cầu điều tra, làm rõ sự khác nhau về diện tích, số lượng quặng và trị giá quặng khai thác trái phép thuộc khai trường 18 đã được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch quặng Apatit tại Quyết định số 28 ngày 18/8/2008; làm rõ diện tích, số lượng quặng và trị giá quặng khai thác trái phép nằm ngoài khai trường 18 trong tổng diện tích 5,99ha nói chung và trong 3,77ha được UBND tỉnh Lào Cai ký cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Lilama thực hiện dự án khách sạn, nhà hàng nói riêng.
Xác định rõ hành vi “rửa tiền” của bị can Nguyễn Mạnh Thừa thuộc quy định tại điểm nào của Điều 251 Bộ luật Hình sự 1999, được sửa đổi bổ sung năm 2009…
Công trường khai thác quặng Apatit |
Vì sao Hóa chất Đức Giang và Phốt pho Vàng Việt Nam không bị xử lý trước đó?
Dẫn tin từ trang thanhtra.com.vn - cơ quan của Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra - cho biết trước đó Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Lào Cai đã công bố kết luận điều tra vụ án.
Theo đó, ngày 25/6/2014, Ngô Đức Hoàng, chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh Lào Cai có phiếu trình Thường trực UBND tỉnh về việc cho phép Công ty Lilama tiêu thụ 30.000 tấn quặng Apatit cho các nhà máy chế biến sâu trên địa bàn tỉnh để tháo gỡ khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp.... Đây là số quặng thu gom được trong quá trình thi công san gạt mặt bằng thực hiện dự án khách sạn nhà hàng tại thôn 2, xã Đồng Tuyển, TP. Lào Cai.
Sau khi được chấp thuận, Công ty Lilama liên hệ và cung cấp số quặng Apatit (30.000 tấn) trên cho các doanh nghiệp. Theo hợp đồng, Lilama đã thoả thuận, thương thảo và ký hợp đồng bán quặng cho Hoá chất Đức Giang Lào Cai tổng hơn 19.833 tấn, tổng giá trị hơn 23,97 tỷ đồng; tương tự, bán cho Công ty TNHH Phốt pho vàng Việt Nam hơn 23.837 tấn, tổng giá trị gần 33,5 tỷ đồng.
Ảnh Khai trường 18 |
Diễn biến vụ việc, ngày 14/3/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra quyết định trưng cầu giám định về tài chính để xác định số tiền lợi nhuận mà Công ty TNHH Phốt pho vàng Việt Nam và Công ty Cổ phần Hóa chất Đức Giang Lào Cai (nay là Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang Lào Cai) thu được từ việc ký hợp đồng mua bán quặng với Lilama.
Ngày 5/5/2023, Sở Tài chính tỉnh thông báo về việc không đủ cơ sở thực hiện giám định tư pháp về tài chính theo quy định đối với các nội dung trưng cầu.
Căn cứ kết luận giám định, Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Lào Cai đã ra yêu cầu định giá tài sản để xác định trị giá của các loại quặng Apatit có trong diện tích 3,77ha thuộc Khai trường 18 đã cho phép Công ty Lilama khai thác và tiêu thụ trái phép trong quá trình thi công dự án khách sạn, nhà hàng.
Ngày 6/7/2023, Hội đồng Định giá tài sản trong tố tụng hình sự ban hành kết luận, trong đó định giá tài sản số quặng Apatit mà Công ty Lilama đã khai thác là 1.589.035 tấn các loại có trị giá 689,29 tỷ đồng.
Cáo trạng cho biết: Đối với Phốt pho vàng Việt Nam và Hóa chất Đức Giang Lào Cai quá trình điều tra xác định tại thời điểm xảy ra vụ án đều không biết việc Nguyễn Mạnh Thừa, Giám đốc Công ty Lilama khai thác quặng Apatit tại thôn 2, xã Đồng Tuyển, TP. Lào Cai là trái phép nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý.
Khoản "phải trả người bán" trên BCTC năm 2014 của Bột giặt và Hóa chất Đức Giang |
Trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2014 của CTCP Bột giặt và Hóa chất Đức Giang (tiền thân của CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang - mã chứng khoán DGC ngày nay) ghi nhận năm 2014 công ty phát sinh mới khoản “phải trả người bán” tổng 110 tỷ đồng. Trong đó, riêng khoản phải trả cho công ty Lilama hơn 11 tỷ đồng (số đầu kỳ bằng 0).
Khoản này đã “biến mất” trên báo cáo tài chính năm 2015, không ghi rõ đã trả, hay nằm trong nhóm “các nhà cung cấp khác”.
>> Yêu cầu điều tra làm rõ số tiền thu lợi bất chính của công ty trực thuộc DGC