Vụ nhóm cán bộ thông đồng chiếm đoạt 17 tỷ đồng của Sacombank: Tiền được "rút" như thế nào?

15-11-2023 11:12|Linh Nhi

Nhóm cán bộ ngân hàng Sacombank chi nhánh Cam Ranh đã sử dụng thủ đoạn tinh vi để chiếm đoạt hơn 17 tỷ đồng từ cơ quan chủ quản.

Ngày 14/11, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa đã có kết luận điều tra, đề nghị truy tố vụ án “tham ô tài sản và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại phòng giao dịch Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín chi nhánh Cam Ranh (Sacombank Cam Ranh).

Các bị can bị truy tố đều từng công tác tại Sacombank Cam Ranh gồm Võ Việt Luân – nguyên Phó Giám đốc Sacombank Khánh Hòa kiêm Trưởng phòng Sacombank Cam Ranh, Nguyễn Thị Thanh Hà – nguyên Phó phòng giao dịch, Ngô Thị Hồng Nhạn – nguyên thủ quỹ, Nguyễn Trà My, Ngô Nữ Hồng Hải – cùng nguyên giao dịch viên.

Võ Việt Luân bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Các bị can còn lại cùng bị truy tố về tội tham ô tài sản.

Chiếm đoạt tiền Sacombank để trả nợ bên ngoài

Theo kết luận điều tra, năm 2022, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, bị can Luân không tuân thủ quy định trong hoạt động ngân hàng, thông đồng, cấu kết, che giấu và tạo điều kiện cho Nguyễn Thị Thanh Hà làm trái quy định trong hoạt động ngân hàng.

Cụ thể, Hà đã sử dụng thông tin tài khoản thanh toán và tài khoản tiền gửi tiết kiệm của khách hàng tại phòng giao dịch Sacombank Cam Ranh để lập khống hồ sơ, chứng từ rút tiền từ ngân hàng nhằm phục vụ mục đích cá nhân của Luân và Hà;

Chi trả các khoản nợ gốc, lãi phát sinh từ các khoản vay bên ngoài của nhóm 21 khách hàng tại phòng giao dịch (do Hà theo dõi) để phục vụ cho hoạt động kinh doanh và trả nợ vay của nhóm Nhật Tùng (gồm Công ty TNHH Nhật Tùng và các cá nhân có liên quan đến công ty này), gây thiệt hại cho Sacombank hơn 17,3 tỷ đồng.

Kết luận nêu rõ bị can Hà có vai trò xuyên suốt trong vụ án, là người cầm đầu, chỉ đạo các nhân viên dưới quyền làm trái các quy định pháp luật trong hoạt động ngân hàng, lập chứng từ khống, sau đó trực tiếp phê duyệt nhằm chiếm đoạt tiền sử dụng vào mục đích cá nhân, gây thiệt hại cho Sacombank.

Các bị can Nhạn, My và Hải sai phạm vì thực hiện theo chỉ đạo của Hà.

Không đủ cơ sở để xử lý hành vi chiếm đoạt tài sản

Ngoài sai phạm nêu trên, quá trình điều tra còn phát hiện sai phạm của các nhân viên tín dụng trong quá trình cấp tín dụng cho nhóm khách hàng cá nhân liên quan đến Công ty TNHH Nhật Tùng, thể hiện tại kết luận giám định do Thanh tra Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Khánh Hòa giám định.

Tuy nhiên, đến nay Sacombank chưa xác định được thiệt hại cụ thể liên quan đến các hồ sơ tín dụng này, nên chưa đủ căn cứ để xem xét xử lý hình sự về tội "vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".

Do đó, cần xem xét tách ra để tiếp tục điều tra làm rõ, khi nào có đủ căn cứ sẽ xử lý theo quy định pháp luật.

Công an tỉnh Khánh Hòa cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo kiểm tra, thanh tra toàn diện các mặt hoạt động nghiệp vụ của Sacombank chi nhánh Khánh Hòa, có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những thiếu sót, sai phạm (nếu có), không để nhân viên ngân hàng lợi dụng danh nghĩa ngân hàng để làm trái quy định của pháp luật.

Sacombank nói gì về việc cho 9 khách hàng vay gần nửa số vốn tự có để rót vào cùng một dự án?

Sacombank (STB) dự kiến sẽ hoàn thành đề án tái cơ cấu trong nửa đầu năm 2024

Sacombank (STB) nhìn từ khoản lập dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư gần 17.000 tỷ

Nhóm quỹ Dragon Capital quay lại gom cổ phiếu STB, trở thành cổ đông lớn của Sacombank

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vu-nhom-can-bo-thong-dong-chiem-doat-17-ty-dong-cua-sacombank-tien-duoc-rut-nhu-the-nao-210911.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Vụ nhóm cán bộ thông đồng chiếm đoạt 17 tỷ đồng của Sacombank: Tiền được "rút" như thế nào?
POWERED BY ONECMS & INTECH