Xã hội

Vụ nổ khủng khiếp nhất thế giới sức công phá tương đương 800 triệu tấn TNT, mạnh gấp 14 lần bom Sa Hoàng, khiến hơn 82.000 người thiệt mạng

Vĩ Hạ 31/08/2024 12:00

Lớp tro dày từ vụ nổ còn che phủ Mặt Trời, khiến năm 1816 trở thành năm lạnh thứ hai trong lịch sử thế giới.

Vụ phun trào núi lửa lớn nhất được ghi nhận xảy ra tại Indonesia vào năm 1815, khi đỉnh núi lửa Tambora cao 4.000m phát nổ, theo Đài quan sát Trái Đất thuộc NASA. Phép đo nhiệt năng cho thấy Tambora phát nổ với sức mạnh tương đương 800 triệu tấn TNT, nhà núi lửa học Shanaka de Silva tại Đại học Bang Oregon cho biết. Đây được coi là vụ phun trào núi lửa mạnh nhất trong lịch sử hiện đại.

Vào lúc 19h ngày 10/4/1815, núi Tambora phát nổ, phun ra dung nham nóng chảy, khói bụi dày đặc. Tiếng nổ có thể nghe thấy ở đảo Sumatra, cách xa ngọn núi 2.600km, theo Listverse. Trang báo này cho rằng vụ nổ Tambora mạnh gấp 14 lần so với vụ nổ bom Sa Hoàngvũ khí hạt nhân mạnh nhất từng được Liên Xô phát nổ vào năm 1961.

vu-no-lon-nhat.png
Cột khói khổng lồ bốc lên từ vụ nổ cao tới 43km, nghĩa là tới tầng bình lưu. Ảnh minh họa

Theo chỉ số nổ núi lửa, vụ nổ Tambora được xác định có mức thang 7, nghĩa là siêu khổng lồ. Hơn 140 tỷ tấn mắc ma được phun ra. Một cột khói khổng lồ bốc lên cao tới 43km, chạm tới tầng bình lưu. Theo NASA, khói bụi từ vụ nổ bay xa ít nhất 1.300km về phía Tây Bắc.

Vụ nổ còn gây ra sóng thần với chiều cao 4-5m và gây thiệt hại lớn cho đất đai. Toàn bộ làng Tambora bị xóa sổ. Người dân địa phương chết vì mắc ma, dung nham, sóng thần và lốc xoáy sau vụ nổ.

Trước vụ phun trào, núi Tambora cao 4,3km, nhưng sau đó, nó chỉ còn cao 2,85km, theo Listverse. Sau vụ nổ lớn nhất, Tambora tiếp tục phun trào nhưng với cường độ nhỏ hơn trong vài tháng tiếp theo. Theo trang Schoolwork Helper, núi lửa ngừng phun trào vào ngày 15/7/1815, tức là hơn 3 tháng sau vụ nổ đầu tiên.

Đám mây bụi thoát ra từ núi lửa Tambora khiến nhiệt độ toàn cầu giảm từ 0,4-0,7 độ C. Tro bụi của núi lửa bao phủ đất đai, phá hủy cây trồng, giết chết vật nuôi và làm ô nhiễm nguồn nước. Không chỉ thế, lớp tro dày còn che phủ Mặt Trời, khiến năm 1816 trở thành năm lạnh thứ hai trong lịch sử thế giới.

Thậm chí, dòng sông Pennsylvania còn đóng băng giữa tháng 8 mùa hè. Vì thế, năm 1816 được gọi là "năm không có mùa hè". Vụ mùa thất thu và nạn đói xảy ra triền miên khắp châu Âu và Bắc Mỹ. Sau thảm họa, mùa màng và môi trường bị tàn phá, con số người chết vì thiếu lương thực lên tới 82.000 người.

vu-no-1.jpg
Do năm 1816 không có mùa hè nên sản xuất nông nghiệp ở một số nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Sự bất thường về khí hậu này được cho là nguyên nhân gây ra mức độ nghiêm trọng của dịch sốt phát ban ở Đông Nam châu Âu và dọc theo miền Đông từ năm 1816-1819. Sự thay đổi khí hậu đã làm gián đoạn các trận gió mùa ở Ấn Độ, gây ra ba vụ mùa thất bát và nạn đói, đồng thời góp phần vào sự lây lan của một chủng vi khuẩn dịch tả mới bắt nguồn từ Bengal vào năm 1816.

Nhiều gia súc chết ở New England trong mùa đông 1816-1817. Nhiệt độ mát mẻ và mưa lớn dẫn đến mùa màng thất bát ở Anh và Ireland. Các gia đình ở Wales đã phải di chuyển xa để tị nạn, xin ăn. Nạn đói phổ biến ở phía Bắc và Tây Nam Ireland sau sự thất bại của vụ thu hoạch lúa mì, yến mạch và khoai tây. Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Đức khiến giá thực phẩm tăng mạnh, dẫn đến các cuộc biểu tình trước các chợ ngũ cốc và tiệm bánh, sau đó là bạo loạn, đốt phá và cướp bóc tại nhiều thành phố châu Âu. Đây là nạn đói tồi tệ nhất trong thế kỷ XIX.

Ảnh hưởng của "năm không có mùa hè" có thể được thấy trên khắp Bắc bán cầu. Ở Bắc Mỹ, băng giá vào tháng 6, tháng 7 và tháng 8 đã làm chết tất cả cây trồng. Ở Pháp và Đức, các vườn nho và ngô gần như bị xóa sổ hoàn toàn. Ở Trung Quốc, sản lượng gạo giảm mạnh và tuyết mùa hè xuất hiện ở nhiều nơi. Tại Bắc Cực, nhiệt độ bất ngờ tăng lên, khiến băng giá tan chảy, tạo thành lối thông Tây Bắc giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

vu-no-2.jpg
Đỉnh núi Tambora ở Indonesia ngày nay

Năm 1920, nhà khí hậu học người Mỹ William J. Humphreys đã đưa ra lời giải thích chi tiết cho hiện tượng này. Humphreys cho rằng vụ phun trào đã thổi tro bụi vào tầng bình lưu. Tại đây, gió đã phân tán tro bụi ra khắp thế giới. Đám mây bụi này tạo ra một "màn chắn", phản chiếu lại nhiệt lượng từ Mặt Trời. Bằng chứng là tuyết màu nâu đỏ đã rơi ở Hungary và Italy, được cho là do tro núi lửa trong khí quyển.

>> Vụ nổ phi hạt nhân lớn nhất lịch sử: Dùng gần 5.000 tấn thuốc nổ ANFO, có sức công phá tương đương 4.000 tấn thuốc nổ TNT

Bên trong những căn hầm tránh bom được xây bằng bê tông cốt thép, có thể chịu được các vụ nổ và mảnh đạn từ tên lửa

Vụ nổ có sức công phá tương đương 240 tấn thuốc nổ TNT, mạnh ngang động đất 3,5 độ richter với sức tàn phá diện rộng, khiến hơn 4.000 người thương vong

Theo Thị trường Tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/vu-no-khung-khiep-nhat-the-gioi-suc-cong-pha-tuong-duong-800-trieu-tan-tnt-manh-gap-14-lan-bom-sa-hoang-khien-hon-82000-nguoi-thiet-mang-126187.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Vụ nổ khủng khiếp nhất thế giới sức công phá tương đương 800 triệu tấn TNT, mạnh gấp 14 lần bom Sa Hoàng, khiến hơn 82.000 người thiệt mạng
POWERED BY ONECMS & INTECH