Vụ Trịnh Văn Quyết: Khối tài sản 'khủng' của FLC thời điểm khởi tố vụ án gồm những gì?
Ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, ban lãnh đạo FLC liên tục thay đổi và đến nay Tập đoàn vẫn chưa thể công bố BCTC kiểm toán.
Tháng 3/2022, thị trường chứng khoán Việt Nam được một phen “rúng động” khi ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC (mã chứng khoán FLC) bị khởi tố, bắt tạm giam vì tội thao túng thị trường chứng khoán.
Kết quả điều tra xác định, có 51 cá nhân và các pháp nhân liên quan vụ án, trong đó có 1 người đã xuất cảnh ra nước ngoài, đang bị truy nã và sẽ tách ra xét xử riêng.
Danh sách các pháp nhân liên quan gồm CTCP Tập đoàn FLC; CTCP Xây dựng FLC Faros (mã chứng khoán ROS); CTCP Đầu tư tài chính và quản lý tài sản RTS; CTCP Chứng khoán BOS (mã chứng khoán ART); CTCP Đầu tư và Khoáng sản Stone FLC (mã chứng khoán AMD); CTCP Nông dược HAI (HAI); CTCP Đầu tư Khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (mã chứng khoán GAB), ngoài ra còn có nhóm công ty con, công ty thuộc hệ sinh thái của Tập đoàn FLC tham gia góp vốn, nhận ủy thác đầu tư…
>> Vụ Trịnh Văn Quyết: Một kiểm toán viên CPA Hà Nội ‘phản’ lời khai, kiên quyết không nhận tội
Khối tài sản của FLC khi vụ án xảy ra có những gì?
Vụ Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, thượng tầng FLC xáo trộn. Theo thông tin mới nhất, đến nay FLC vẫn chưa thể công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, năm 2022 và năm 2023. Báo cáo tài chính gần nhất của FLC được công bố là BCTC hợp nhất quý III/2022 do công ty tự lập.
Về tình hình kinh doanh, trước thời điểm vụ án bị khởi tố, năm từ năm 2014-2020 lợi nhuận của FLC rất cao, trong đó cao nhất năm 2016 vượt nghìn tỷ đồng. Còn năm 2021 lãi xuống dưới trăm tỷ. Trong khi đó 9 tháng đầu năm 2022 lỗ khủng 1.888 tỷ đồng.
Nhiều nhà đầu tư quan tâm, từ mấy năm nay FLC không ra được BCTC, tài sản còn lại những gì?
Trước khi tìm hiểu xem tài sản FLC còn lại những gì, cùng xem những con số thể hiện trên BCTC gần nhất công ty công bố - quý III/2022 - con số trên BCTC khi vụ án của ông Trịnh Văn Quyết vừa bị khởi tố.
>> Lộ lý do Tập đoàn FLC chưa thể công bố BCTC kiểm toán năm 2023
Tổng tài sản 36.200 tỷ đồng
Tính đến 30/9/2022 tổng tài sản FLC đạt hơn 36.200 tỷ đồng, tăng 7% so với thời điểm đầu năm. Trong đó:
- Tiền và tương đương tiền 249 tỷ đồng
- Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (46 tỷ đồng): FLC mang 174 tỷ đồng đi đầu tư chứng khoán kinh doanh, tập trung chủ yếu vào các mã AMD, HAI và KLF; tạm phải trích lập dự phòng 148 tỷ đồng.
- Các khoản phải thu ngắn hạn hơn 15.700 tỷ đồng, tăng 2.200 tỷ đồng so với đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn bao gồm phải thu ngắn hạn của khách hàng (2.538 tỷ đồng); phải trả trước cho người bán ngắn hạn (4.147 tỷ đồng); phải thu về cho vay ngắn hạn (7.396 tỷ đồng) và phải thu khác (1.916 tỷ đồng)...
Chi tiết các mục chính cho thấy:
+ Tổng tiền phải thu về cho vay ngắn hạn gần 7.400 tỷ đồng, tăng hơn 1.300 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó có những khoản nợ lớn gần 1.200 tỷ đồng của CTCP Đầu tư xây dựng và phát triển Sơn La; 810 tỷ đồng của CTCP Vật tư Thiết bị và Xây dựng Đô Thành Hà Nội; 640 tỷ đồng của CTCP Đầu tư và phát triển Định Tân; 674 tỷ đồng với Công ty TNHH KCN Toàn Cầu và 644 tỷ đồng với Công ty TNHH Đầu tư và phát triển ITH…
+ Phải trả trước cho người bán ngắn hạn 4.147 tỷ đồng, trong đó có đến 2.853 tỷ đồng phải trả trước cho FLC Faros.
>> Bất ngờ số tài sản bị kê biên, ngăn chặn giao dịch của ông Trịnh Văn Quyết
- Hàng tồn kho hơn 1.900 tỷ đồng, trong đó có gần 1.400 tỷ đồng tồn kho bất động sản và gần 500 tỷ đồng là hàng hóa.
- Chi phí xây dựng dở dang hơn 8.700 tỷ đồng, đổ dồn vào nhiều dự án của FLC, trong đó có dự án khu nghỉ dưỡng Quảng Bình (gần 1.900 tỷ đồng); dự án FLC Premier Park (1.134 tỷ đồng); dự án Bình Định Giai đoạn 2 (987 tỷ đồng)…
- Đầu tư tài chính dài hạn 4.177 tỷ đồng, bao gồm 2.789 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên doanh liên kết và 1.393 tỷ đồng đầu tư góp vốn vào đơn vị khác.
Báo cáo ghi nhận trong số các khoản đầu tư vào liên doanh liên kết, số tiền “rót” vào Bamboo Airways là 4.062 tỷ đồng (21,7%). Số đầu tư vào Bamboo Airways tạm lỗ 1.272 tỷ đồng, còn lại giá trị hợp lý 2.789 tỷ đồng.
>> Vụ Trịnh Văn Quyết: Lộ diện 2 ngân hàng trong ‘vòng quay’ nâng vốn điều lệ của Faros
Nợ phải trả 28.272 tỷ đồng
Tổng nợ phải trả 28.272 tỷ đồng, tăng 4.200 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó vay nợ thuê tài chính ngắn hạn gần 3.200 tỷ đồng và vay nợ thuê tài chính dài hạn hơn 1.800 tỷ đồng.
- Vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 3.200 tỷ đồng. Các chủ nợ gồm những bên nào?
+ Chủ nợ Lê Thái Sâm - 621 tỷ đồng. Báo cáo ghi nhận, trong năm 2021 FLC phát sinh khoản vay 870 tỷ đồng từ cá nhân ông Lê Thái Sâm, tuy vậy trong năm tập đoàn đã trả bớt 249 tỷ đồng, còn dư nợ 621 tỷ đồng. Ông Lê Thái Sâm, sau thời gian vụ án Trịnh Văn Quyết bị khởi tố, đã được bầu vào thành viên HĐQT của cả Bamboo Airways và FLC. Ông Sâm cũng là người đang mang rất nhiều cổ phần Bamboo Airways thế chấp tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và Sacombank (STB).
>> Lộ diện 2 ngân hàng đang ‘ôm’ 367 triệu cổ phần Bamboo Airways do một 'đại gia' thế chấp
+ Chủ nợ Ngân hàng TMCP Quốc dân 581 tỷ đồng.
+ Chủ nợ Tập đoàn Homeliday 185 tỷ đồng.
+ Chủ nợ Agribank gần 80 tỷ đồng cộng với 51 tỷ đồng vay dài hạn đến hạn trả.
+ Chủ nợ BIDV (BID) - vay dài hạn đến hạn trả 333 tỷ đồng.
+ Nợ trái phiếu 1.242 tỷ đồng.
- Vay nợ thuê tài chính dài hạn hơn 1.800 tỷ đồng, chủ nợ gồm những đơn vị nào?
+ Chủ nợ BIDV (BID) tổng cộng 1.172 tỷ đồng.
+ Vay trái phiếu gần 578 tỷ đồng.
+ Các bên khác hơn 69 tỷ đồng.
Tài sản thế chấp cho những khoản vay có gì đáng chú ý?
Những khoản vay của FLC tại các ngân hàng, tài sản thế chấp chủ yếu là quyền sử dụng đất và cổ phần Bamboo Airways. Ngoài ra cũng có những khoản vay tín chấp, ví dụ khoản vay với ông Lê Thái Sâm.
Một số các khoản vay có tài sản thế chấp là tài sản hình thành từ vốn vay.
Vụ Trịnh Văn Quyết: Một kiểm toán viên CPA Hà Nội ‘phản’ lời khai, kiên quyết không nhận tội
Vụ Trịnh Văn Quyết: Danh sách 50 bị can bị truy tố, chỉ có 27 người đang bị tạm giam