Hôm nay (ngày 11/4), chủ tọa phiên tòa vụ án Vạn Thịnh Phát, SCB sẽ tuyên án đối với các bị cáo. Việc bà Trương Mỹ Lan có phải nhận mức án tử hình hay không sẽ dựa vào 3 điểm mấu chốt.
Quá trình xét hỏi và tranh luận, 80/86 bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội (5 người trốn truy nã bị xét xử vắng mặt). VKS đề nghị giảm án cho 22 bị cáo (không bao gồm Chủ tịch Vạn Thịnh Phát). Phía bà Trương Mỹ Lan và các luật sư còn nhiều nội dung không cùng quan điểm truy tố của VKS về tội Tham ô, Đưa hối lộ, định giá tài sản và số tiền thiệt hại.
Trong vụ án này, bị cáo Trương Mỹ Lan bị đề nghị tử hình với tội danh tham ô và 20 năm tù đối với mỗi tội danh còn lại là "Đưa hối lộ", và "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của ngân hàng".
Hôm nay (ngày 11/4), chủ tọa phiên tòa vụ án Vạn Thịnh Phát, SCB sẽ tuyên án bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm vào cuối ngày. Việc bà Trương Mỹ Lan có phải nhận mức án tử hình hay không sẽ dựa vào:
Quan điểm về tội Tham ô tài sản
Sau nhiều vòng tranh luận, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm xác định bà Lan đã lợi dụng chính sách của Nhà nước trong đề án tái cơ cấu SCB, thâu tóm nhà băng này trong suốt 10 năm (2012-2022) như một công cụ tài chính để huy động vốn, rút tiền, chiếm đoạt, phục vụ kinh doanh cá nhân và hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát
Theo VKS, bị cáo phạm tội nhiều lần trong thời gian dài, có tổ chức, thủ đoạn tinh vi, không thành khẩn, khai báo quanh co, đổ lỗi cho cấp dưới: gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Ngược lại, các luật sư cho rằng bà Lan không phạm tội Tham ô tài sản vì bị cáo không phải là người có chức vụ, quyền hạn tại SCB. Hơn nữa, hành vi phạm tội của thân chủ diễn ra trong suốt 10 năm là cùng phương thức và đã thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Việc VKS truy tố bà Lan thêm tội Tham ô tài sản như một tội danh độc lập là chưa thỏa đáng, "làm nặng thêm tình trạng của bị cáo".
Trước quan điểm này, đại diện VKS viện dẫn điều luật, khẳng định gay gắt chủ thể tội danh này là "người nào có chức vụ, quyền hạn" chứ không phải có "chức vụ và quyền hạn" như cách tiếp cận của các luật sư. Bà Lan sở hữu đến 91,5% cổ phần tại SCB, nên nắm quyền cao nhất trong Đại hội đồng cổ đông, chi phối điều hành các bị cáo có chức vụ khác trong HĐQT, ban Giám đốc... của SCB.
Về phía bà Trương Mỹ Lan, trong quá trình tranh luận và khi nói lời sau cùng đã nhiều lần "tha thiết mong HĐXX xem xét lại tội danh và cung cấp bằng chứng về tội Tham ô tài sản và Đưa hối lộ".
Định giá tài sản
Xuyên suốt phiên xử, bà Lan và luật sư cho rằng Công ty Hoàng Quân định giá 726/1.166 tài sản được thế chấp vay tiền SCB là "quá thấp", chỉ có 295.000 tỷ đồng. Khi SCB định giả lại còn thấp hơn (179.000 tỷ đồng) - làm giảm đi so với giá trị thực tế khoảng 116.000 tỷ. Việc này là không hợp lý, gây bất lợi cho bà Lan; còn hàng trăm mà tài sản chưa được định giá.
Với vấn đề này VKS cho rằng phần lớn những mà tài sản Công ty Hoàng Quân không định giá được là do không đầy đủ thông tin hoặc hồ sơ pháp lý. Ví dụ: bắt động sản tại 152 Trần Phú (quận 5:) 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1)... đã bị kiến nghị thu hồi nên không thể định giá. Ngoài ra, một số mà tài sản là cổ phần hoặc phần vốn góp của doanh nghiệp mà SCB nhận thế chấp bổ sung, nhưng thực tế doanh nghiệp này chỉ sở hữu duy nhất một dự án, mà quyền sử dụng đất của dự án này cũng thế chấp cho SCB, thì Công ty Hoàng Quân chỉ định giả phần bất động sản; không định giá cổ phần vốn góp, để tránh định giá hai lần đối với cùng tài sản.
Sau khi Công ty Hoàng Quân đã định giá tại thời điểm ngày 30/9/2022, thì ngoài việc căn cứ trên giả công ty này đã định, SCB còn phải căn cứ trên từng hồ sơ thế chấp, hồ sơ cầm cố tài sản cho từng khoản vay để tính số tiền dự phòng cụ thể (số tiền dự phòng của SCB không lấy từ giá trị tài sản được định giá). Hồ sơ thế chấp, cầm cố tài sản được SCB chấp nhận là các hồ sơ phải có đủ các điều kiện: SCB có quyền xử lý tài sản bảo đảm theo hợp đồng, quy định của pháp luật khi khách hàng không thực hiện nghĩa vụ của mình; tài sản ảo đảm phải được công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm đúng theo cách thức mà pháp luật yêu cầu khi thế chấp. Khi tài sản nào không đáp ứng cả hai tiêu chí trên thì giá trị của tài sản bảo đảm đó phải coi bằng 0.
Luật sư của bà Lan vẫn không đồng tình, cho rằng điều này khiến trách nhiệm của bà Lan "trở nên nặng nề hơn".
Luật sư của bà Lan cho biết kết quả thẩm định giá của 3 doanh nghiệp đối với dự án Mũi Đèn Đỏ (dự án "đắp chiếu" 7 năm - tài sản bảo đảm cho 137 khoản vay SCB) đều gấp 6-9 lần giá trị thẩm định của Công ty Hoàng Quân (17.597 tỷ đồng).
“Vậy tính pháp lý của chứng thư nào có giá trị cao hơn?", luật sư nêu vấn đề, cho rằng bà Lan đang "phải gánh chịu nhiều quy kết nặng nề quyết định sinh mạng" trong khi giá trị tài sản đảm bảo bị định giá thấp đi, sự chênh lệch này "sẽ đưa bà Lan vào cửa tử".
Xác định thiệt hại của SCB
Theo VKS, giai đoạn 2012-2022, bà Lan với nhiều phương thức thủ đoạn đã chỉ đạo lập khống hồ sơ, cho vay, giải ngân 2.527 khoản với tổng số tiền là 1.066.608 tỷ đồng. Đến ngày khởi tố vụ án (17/10/2022) nhóm bà Lan còn 1.284 khoản vay với dư nợ 677.286 tỷ đồng. Hành vi phạm tội của bà Lan diễn ra trong thời gian dài, sử dụng SCB như một công cụ tài chính để huy động tiển cho hoạt động kinh doanh và mục đích cá nhân. Bất cứ khi nào cần tiền, bà Lan chỉ đạo nhóm nhân viên thân tín và cán bộ chủ chốt của SCB lập hồ sơ khống, giải ngân...
Phản bác quan điểm trên, luật sư của bà Lan cho rằng việc quy kết số tiền thiệt hại bị cáo phải chịu trách nhiệm như trên là không đúng. Hiện, không có một báo cáo nào đưa ra con số này cũng như chưa được cơ quan trưng cầu giám định trong tố tụng kết luận làm căn cứ. Tuy nhiên, VKS khẳng định, bằng nhiều biện pháp thu thập chứng cứ, cơ quan tố tụng đã xác định được con số thiệt hại trong vụ án, nên không cần thiết phải trưng cầu Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng hình sự.
Với cả hai tư cách bị hại và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, SCB đề nghị HĐXX xác định bà Trương Mỹ Lan và các bị cáo phải bồi thường cho SCB số tiền thiệt hại tính đến ngày 5/3 (xử sơ thẩm) là hơn 760.000 tỷ đồng (hơn 482.000 nợ gốc, 277.830 tỷ đồng lãi) và lãi phát sinh cho đến khi nào SCB thực nhận được tiền.
Dù không đồng tình với một số cáo buộc, nhưng quá trình xét xử, bà Lan nhận trách nhiệm trong một số sai phạm của SCB, và xin chịu trách nhiệm cùng với các lãnh đạo của ngân hàng. Đồng thời, bà bày tỏ mong muốn được Nhà nước tạo điều kiện để xử lý tài sản nhằm khắc phục hậu quả của vụ án.
Điểm c, Khoản 3, Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về loại hình phạt “Tử hình” quy định rất rõ điều kiện về số tiền mà người bị kết án tử hình về tội "Tham ô tài sản", tội "Nhận hối lộ”, cần nộp để giảm án, để không bị thi hành hình phạt tử hình.
Theo đó, người bị kết án phải chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội. Như vậy, việc xác định bà Lan đã tham ô, gây thiệt hại bao nhiêu và định giá các tài sản hiện tại của bị cáo này là vô cùng quan trọng để đưa ra bản án phù hợp.
‘Nhà’ Chủ tịch Bùi Thành Nhơn chi hàng nghìn tỷ đồng giúp Novaland (NVL) thoát khỏi khủng hoảng
Cần cơ chế đặc biệt trong việc thu hồi tài sản vụ Vạn Thịnh Phát