Vượt Anh - Pháp, một quốc gia Đông Nam Á lọt top 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới
Indonesia đã đạt một cột mốc ấn tượng vào năm 2024 khi xếp thứ 8 trong danh sách các nền kinh tế lớn nhất thế giới theo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được điều chỉnh theo Sức mua tương đương (PPP).
Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Indonesia đã vượt qua hai nền kinh tế phát triển là Pháp và Vương quốc Anh, củng cố vị thế của mình trên bản đồ kinh tế toàn cầu.
![z6299187905302_35d1c6795e470c32d6682838cb95e4cf.jpg](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/08/z6299187905302_35d1c6795e470c32d6682838cb95e4cf.jpg)
Trên phạm vi toàn cầu, Trung Quốc vẫn giữ vị trí dẫn đầu với GDP đạt 37,07 nghìn tỷ USD, tiếp theo là Hoa Kỳ và Ấn Độ ở vị trí thứ hai và thứ ba. Nga và Nhật Bản lần lượt xếp thứ tư và thứ năm, trong khi Đức và Brazil chiếm vị trí thứ sáu và thứ bảy.
Indonesia đứng thứ 8 với GDP đạt 4,66 nghìn tỷ USD, vượt qua Pháp (4,36 nghìn tỷ USD) và Vương quốc Anh (4,28 nghìn tỷ USD).
IMF dự báo nền kinh tế Indonesia sẽ tiếp tục tăng trưởng 5,1% trong năm 2025, cao hơn mức dự báo tăng trưởng toàn cầu 3,3%. Dự báo này được giữ nguyên so với đánh giá hồi tháng 10/2024 và theo kế hoạch, Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia (BPS) sẽ công bố báo cáo chính thức vào đầu tháng 2/2025.
Thành tựu này cho thấy Indonesia duy trì được sự tăng trưởng kinh tế ổn định bất chấp những thách thức toàn cầu như đại dịch và bất ổn kinh tế.
Thành công của Indonesia được thúc đẩy bởi sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất, xuất khẩu hàng hóa chủ lực và dòng vốn đầu tư nước ngoài ngày càng tăng. Chính sách hỗ trợ của chính phủ, đặc biệt là đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các ưu đãi thu hút đầu tư, cũng đóng vai trò quan trọng.
GS. Didin S. Damanhuri, Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia tại ASPRINDO, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý ngân sách hiệu quả và phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Ông cũng đề cập đến tiềm năng thu ngân sách từ quản lý tài nguyên thiên nhiên, có thể đạt khoảng 1.000 nghìn tỷ IDR. Trong đó, riêng dầu cọ có thể đóng góp khoảng 300 nghìn tỷ IDR, còn ngành than có thể mang lại tới 600 nghìn tỷ IDR. Nếu được quản lý tốt, các ngành công nghiệp này có thể nâng cao đáng kể GDP của Indonesia.
Về triển vọng kinh tế toàn cầu, IMF dự báo tăng trưởng GDP sẽ đạt 3,3% trong năm 2025 và 2026, thấp hơn mức trung bình 3,7% giai đoạn 2000-2019. Trong khi đó, lạm phát toàn cầu dự kiến giảm xuống 4,2% vào năm 2025 và tiếp tục xuống 3,5% vào năm 2026, tiệm cận mức trước đại dịch.
Tại châu Á, tăng trưởng kinh tế dự kiến cải thiện nhưng thấp hơn dự báo trước đó. Châu Âu đang phục hồi từ từ trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị, trong khi kinh tế Mỹ được dự báo tăng trưởng vượt kỳ vọng nhờ nhu cầu tiêu dùng mạnh và thị trường lao động ổn định.
IMF nhấn mạnh sự cần thiết của các biện pháp chính sách tập trung nhằm cân bằng lạm phát với hoạt động của khu vực thực, xây dựng lại nguồn lực kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng trung hạn thông qua cải cách cơ cấu và hợp tác đa phương.
Mặc dù triển vọng kinh tế giữa các quốc gia có sự khác biệt, bức tranh chung của nền kinh tế toàn cầu vẫn cho thấy sự ổn định. Theo Báo cáo WEO tháng 10/2024, tăng trưởng GDP toàn cầu trong quý 3/2024 thấp hơn một chút so với dự đoán, bị ảnh hưởng bởi hiệu suất yếu hơn mong đợi tại một số khu vực ở châu Á và châu Âu.
>> Quốc gia Đông Nam Á chi hơn 10 tỷ USD cho dự án đường sắt cao tốc 357km nối với Trung Quốc