Website cơ quan nhà nước bị chèn nội dung độc hại, cáp quang biển gặp sự cố

01-10-2023 07:12|Hải Phong

Vẫn tồn tại website cơ quan nhà nước bị chèn nội dung độc hại; Tuyến cáp quang biển AAE-1 gặp sự cố mới;... là những thông tin công nghệ trong nước nổi bật tuần qua.

Vẫn tồn tại website cơ quan nhà nước bị chèn nội dung độc hại

Liên tục từ cuối năm ngoái đến nay, Bộ TT&TT, Cục An toàn thông tin đã phát hành cảnh báo diện rộng, yêu cầu các các cơ quan, tổ chức rà soát nội dung không phù hợp trên các website tên miền .gov.vn của cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT tiếp tục ghi nhận có 15 đơn vị, gồm 10 tỉnh, thành phố và 5 bộ, ngành còn tồn tại các website của đơn vị bị lợi dụng để tải lên số lượng lớn tệp tin có nội dung độc hại.

Vẫn tồn tại website cơ quan nhà nước bị lợi dụng để tải lên số lượng lớn tệp tin có nội dung độc hại. Ảnh minh hoạ.

Cục An toàn thông tin đã tập hợp danh sách các bộ, tỉnh còn tình trạng website .gov.vn bị chứa nội dung quảng cáo không phù hợp và cảnh báo các đơn vị khẩn trương xử lý.

Trước đó, theo thống kê của Công ty Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam NCS, trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng website của các cơ quan nhà nước có tên miền .gov.vn và các tổ chức giáo dục có tên miền .edu.vn bị hacker tấn công, xâm nhập, chèn mã quảng cáo cờ bạc, cá độ đã lên tới gần 400 website. Đây là con số tương đối báo động. 

Tuyến cáp quang biển AAE-1 gặp sự cố mới

Chia sẻ với phóng viên VietNamNet ngày 28/9, đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết, tuyến cáp quang biển quốc tế Asia Africa Europe 1 (AAE-1) đã gặp sự cố vào sáng 27/9.

Sơ đồ tuyến cáp quang biển Asia Africa Europe 1 (AAE-1). Ảnh: Telecomreviewasia

Hiện nguyên nhân sự cố mới xảy ra với tuyến cáp biển AAE-1 chưa được xác định. Các ISP tại Việt Nam cũng chưa nhận được thông báo của đối tác quản lý tuyến cáp về dự kiến kế hoạch sửa chữa, khắc phục sự cố.

Đáng chú ý, cho đến thời điểm hiện tại vẫn còn 1 tuyến cáp quang biển quốc tế khác là Asia Pacific Gateway – APG cũng đang gặp sự cố, gây gián đoạn dịch vụ trên tuyến.

Trao đổi với phóng viên VietNamNet, một chuyên gia nhận định rằng, việc 2 tuyến cáp biển APG và AAE-1 đang gặp sự cố không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động cung cấp dịch vụ Internet quốc tế của các nhà mạng tới người dùng. Tỷ lệ dung lượng kết nối bị mất do 2 tuyến cáp biển này bị lỗi trên các cáp nhánh hướng Singapore chỉ khoảng 10 – 12%.

Kết nối Việt Nam với hệ sinh thái bán dẫn Đông Nam Á

Với chủ đề “Kết nối Việt Nam với hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn khu vực Đông Nam Á”, Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam, do Bộ KH&ĐT, Bộ TT&TT chủ trì, đã diễn ra tại Hà Nội, ngày 29/9.

Theo các chuyên gia, Việt Nam có đủ điều kiện và yếu tố cần thiết để phát triển công nghiệp bán dẫn. (Ảnh minh họa: Internet).

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định Việt Nam có đủ điều kiện xây dựng hệ sinh thái bán dẫn trong nước.

“Việt Nam cam kết đóng góp  tích cực vào hệ sinh thái bán dẫn Đông Nam Á. Trong tương lai, hy vọng Việt Nam sẽ trở thành một đối tác tin cậy trong chuỗi cung ứng sản xuất bán dẫn toàn cầu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Còn theo bà Linda Tan, chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA), sự phát triển của ngành bán dẫn ở Việt Nam sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng của ngành bán dẫn ở khu vực Đông Nam Á. Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghiệp bán dẫn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2035 đang được xây dựng, Bộ TT&TT và Bộ KH&ĐT sẽ sớm gửi chiến lược để xin ý kiến rộng rãi.

Theo Thứ trưởng, chiến lược sẽ đề ra tầm nhìn, khẳng định quyết tâm, mục tiêu, lộ trình, các nhiệm vụ giải pháp cũng như các chính sách ưu đãi đặc biệt của Việt Nam nhằm phát triển công nghiệp điện tử nói chung và công nghiệp bán dẫn nói riêng.

Tại hội nghị, các chuyên gia trong và ngoài nước cũng đã chia sẻ về về các nội dung liên quan đến phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn tại khu vực và Việt Nam.

UBND TP.HCM ra mắt hệ thống quản trị số

Ngày 28/9, UBND TP.HCM đã chính thức ra mắt Hệ thống quản trị thực thi TP.HCM trên nền tảng số (giai đoạn 1). 

Hệ thống quản trị thực thi TP.HCM trên nền tảng số chính thức ra mắt ngày 28/9/2023.

Chức năng nổi bật nhất của hệ thống quản trị thực thi TP.HCM trên nền tảng số, chính là quản trị, thực thi. 

Lãnh đạo thành phố có thể điều hành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, theo dõi tiến độ thực hiện nghị quyết 98, nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM và các chỉ tiêu điều hành quan trọng trong tháng.

Hệ thống cũng sẽ giúp lãnh đạo thành phố có thể nhìn thấy được thời gian thực sự tương tác của người dân với chính quyền, giúp lãnh đạo có thể giám sát được kết quả xử lý việc tiếp nhận, ý kiến của người dân của từng đơn vị,...

Theo Sở TT&TT thành phố, sau khi hệ thống đưa vào vận hành, thành phố sẽ có đủ dữ liệu để dự báo tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở quản trị trên nền tảng số, thành phố tiết kiệm chi phí, có nhiều thời gian tập trung giải quyết vấn đề lớn để thúc đẩy phát triển. 

Việt Nam có CLB bảo vệ trẻ em trên không gian mạng

Lễ ra mắt Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng (VCSC) được Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam – VNISA tổ chức ngày 27/9 tại Hà Nội.

Chủ tịch VNISA Nguyễn Thành Hưng và Phó Cục trưởng phụ trách Cục An toàn thông tin Trần Đăng Khoa trao chứng nhận thành viên ban đầu cho đại diện 11 doanh nghiệp, tổ chức. 

Theo Chủ tịch VNISA Nguyễn Thành Hưng, chăm sóc và bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có trách nhiệm của các hiệp hội, tổ chức và doanh nghiệp.

Theo đại diện VNISA, Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng sẽ có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất để Hiệp hội tham gia đóng góp ý kiến xây dựng các chính sách, văn bản pháp luật của nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em trên mạng; Phối hợp với các cơ quan nhà nước tuyền truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo vệ trẻ em trên không gian mạng một cách rộng rãi, mang lại hiệu quả thiết thực; thúc đẩy xây dựng các nội dung hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh trên không gian mạng dưới nhiều hình thức...

Các đơn vị thành viên ban đầu của Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng gồm 8 doanh nghiệp VNPT, FPT, Bkav, CyRadar, SCS, NCS, Lancs Việt Nam, Sconnect Việt Nam; cùng 3 tổ chức World Vision Việt Nam, Plan International Việt Nam và Childfund Việt Nam.

(Tổng hợp)

2 tuyến cáp quang biển quốc tế AAE-1, APG đang cùng gặp sự cố

Meta chi 10 tỷ USD xây dựng ‘đường cao tốc’ Internet dưới biển dài nhất thế giới

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/website-co-quan-nha-nuoc-bi-chen-noi-dung-doc-hai-cap-quang-bien-gap-su-co-2196341.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Website cơ quan nhà nước bị chèn nội dung độc hại, cáp quang biển gặp sự cố
    POWERED BY ONECMS & INTECH