World Bank: Kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ có thể là mối nguy cho châu Á
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ giữ ổn định ở mức gần 3%. Tuy nhiên, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ có thể gây ảnh hưởng đến khu vực châu Á.
Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giữ ổn định ở mức 2,6% vào năm 2024 sau 3 năm suy giảm liên tiếp, được cho là có khả năng tiến tới “hạ cánh mềm".
Tuy nhiên, những rủi ro tổng thể mà nền kinh tế thế giới phải đối mặt đang nghiêng về hướng tiêu cực.
Mặc dù ổn định, mức tăng trưởng dự kiến vẫn thấp hơn đáng kể so với thập kỷ trước đại dịch và "không đủ" để đạt được các mục tiêu phát triển toàn cầu quan trọng, WB nhận xét.
Thêm vào đó, tại Mỹ, cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 có khả năng làm leo thang căng thẳng địa chính trị, chia rẽ thương mại và cản trở các nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.
Đáng chú ý, các chính sách thương mại bảo hộ của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể là một vấn đề cần lưu ý nếu ông giành chiến thắng trong cuộc tranh cử.
Tốc độ tăng trưởng trong khu vực Đông Á và Thái Bình Dương – bao gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, các quốc gia ASEAN và các quốc đảo Thái Bình Dương – dự kiến tụt xuống 4% trong năm nay từ mức 4,2%. Trong đó, Trung Quốc được dự đoán sẽ giảm từ 5,2% xuống 4,8%.
Tình trạng trì trệ của lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc, doanh số bán lẻ yếu và tâm lý kinh doanh kém đang gây tổn hại cho hoạt động đầu tư khi sự không chắc chắn về chính sách cả trong nước và quốc tế khiến các nhà đầu tư lo ngại.
Đà suy thoái tệ hơn dự kiến ở Trung Quốc có thể lan sang biến động giá cả hàng hóa toàn cầu nếu nhu cầu năng lượng và các mặt hàng khác của nước này suy yếu. Những nền kinh tế có quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc đặc biệt dễ bị tổn thương hơn.
Ngược lại, Ấn Độ - mặc dù được dự đoán sẽ giảm tốc trong năm nay - nhưng vẫn tiếp tục là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Quốc gia đông dân nhất thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm nay, giảm từ mức 8,2% vào năm 2023, nhờ nhu cầu trong nước mạnh mẽ và đầu tư tăng vọt.
Trong báo cáo công bố hôm 11/6, WB cho biết sự tăng trưởng của Ấn Độ đang đưa Nam Á trở thành khu vực tăng trưởng nhanh nhất.
Trong khi đó báo cáo nhận định Indonesia và Việt Nam sẽ là điểm sáng trong số các nền kinh tế lớn của khu vực với dự báo tăng trưởng lần lượt là 5% và 5,5%.
Trong số các nền kinh tế tiên tiến, dự báo về mức tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản vào năm 2024 là 0,7%, thấp hơn so với 1,9% năm ngoái do tiêu dùng giảm, xuất khẩu chậm lại và sự ổn định của ngành du lịch.