Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú yêu cầu tập trung kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm trong các vụ: FLC, AIC, Vạn Thịnh Phát.
Ngày 10/7, phát biểu tại hội nghị toàn quốc sơ kết công tác kiểm tra, giám sát 6 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú khái quát lại một số kết quả nổi bật trong nửa năm qua.
Nhận diện rõ hơn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống
Trong đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chủ động tham mưu ban hành và tổ chức thực hiện chương trình kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2023; tiếp tục hoàn thiện các quy định, quy trình, hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ trong tổ chức thực hiện.
Ủy ban Kiểm tra các cấp đã tích cực, chủ động, thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Nhiều vụ việc tồn đọng, phức tạp được kiểm tra, xử lý dứt điểm (như các vụ việc ở Lào Cai, Thanh Hóa, Đồng Nai). Những vụ việc mới phát sinh được phát hiện, kiểm tra, xử lý kịp thời (như các vụ việc trong kê khai tài sản, thu nhập).
Trong 6 tháng đầu năm, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và nhiều Ủy ban Kiểm tra cấp dưới đã chủ động tiến hành kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập theo nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực về việc kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm trong những vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Điển hình như các vi phạm liên quan đến Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
“Qua kiểm tra, xử lý tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, chúng ta nhận diện ngày càng rõ hơn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương của một bộ phận cán bộ, đảng viên”, ông Trần Cẩm Tú nhấn mạnh.
Cũng qua kiểm tra, giám sát, nhận thức của nhiều tổ chức đảng, đảng viên được nâng lên, trong đó nhiều tổ chức đảng, đảng viên được kiểm tra, giám sát đã rất cầu thị, nghiêm túc nhìn nhận vi phạm, khuyết điểm, chủ động khắc phục kịp thời hậu quả gây ra.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đây cũng là mục tiêu chính của công tác kiểm tra, giám sát; là chỉ đạo, mong muốn của Tổng Bí thư rằng “kiểm tra, giám sát để cán bộ, đảng viên nhìn nhận thấy vi phạm, khuyết điểm và khắc phục, không mắc phải những sai lầm, khuyết điểm nữa chứ không phải để xử lý, không ai thích thú gì việc phải xử lý đồng chí của mình, vì sự nghiệp và sự tồn vong của Đảng, của chế độ mà phải xử lý”.
Từ kết quả kiểm tra, giám sát đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện kịp thời những quy định, cơ chế, chính sách bất cập, chồng chéo, không còn phù hợp.
Hoàn thiện quy định xin lỗi và phục hồi quyền lợi với đảng viên bị kỷ luật oan
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng lưu ý, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng còn một số hạn chế.
Ông Trần Cẩm Tú đề nghị toàn ngành cần nhận thức sâu sắc hơn nữa những thuận lợi, khó khăn, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kiểm tra, giám sát năm 2023.
Trong đó tập trung tiếp tục tham mưu giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp thực hiện có hiệu quả chương trình kiểm tra năm 2023; xây dựng, hoàn thiện thể chế về công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo khoa học, chặt chẽ, đồng bộ, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Trước mắt, tập trung hoàn thiện, tham mưu ban hành: Quy định xin lỗi và phục hồi quyền lợi đối với đảng viên bị kỷ luật oan; Quy định về kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong công tác thanh tra, kiểm toán.
Đồng thời hoàn thiện các đề án: Quy trình kiểm tra, xem xét, thi hành kỷ luật của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Quy định về bảo vệ người tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; Cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý…
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu đẩy mạnh thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng, trọng tâm là kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vi phạm những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương.
Trong đó, chú ý đến những lĩnh vực, địa bàn dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực; những nơi có nhiều vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm phải kịp thời kiểm tra, kết luận và xử lý nghiêm minh.
Ông Trần Cẩm Tú yêu cầu thực hiện nghiêm túc các kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, tập trung kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm trong những vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo như các vụ việc liên quan đến vi phạm của Tập đoàn FLC, Công ty AIC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Bên cạnh đó, ông Trần Cẩm Tú cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ kiểm tra sang công tác ở các ngành, các cấp; luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp về làm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng...