Xu thế giảm phụ thuộc vào USD của khối BRICS tác động đến Việt Nam ra sao?
Khối BRICS đang hướng tới giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, thúc đẩy thanh toán bằng nội tệ trong giao thương quốc tế. Xu hướng này có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam theo nhiều chiều hướng từ xuất nhập khẩu, tỷ giá cho đến dòng vốn đầu tư.
Khối BRICS (bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi), cùng các thành viên mới như Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả-rập Xê-út và UAE, đang ngày càng củng cố vị thế trong nền kinh tế toàn cầu.
Theo báo cáo phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán DSC, xu hướng giảm phụ thuộc vào đồng USD của BRICS, thông qua các giải pháp giao thương bằng nội tệ hoặc thiết lập hệ thống thanh toán BRICS-Clear, không chỉ nhằm tăng cường tính tự chủ tài chính mà còn giảm thiểu rủi ro từ các biến động tỷ giá và lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Tác động lên tỷ giá và xuất nhập khẩu của Việt Nam
Việt Nam hiện là đối tác thương mại của BRICS với mức tăng trưởng thương mại đáng kể. Nếu BRICS triển khai giao thương hoàn toàn bằng đồng nội tệ, theo DSC, áp lực giảm giá dài hạn sẽ ảnh hưởng đến USD, từ đó gây áp lực mất giá nhẹ lên VND/USD. Điều này có thể làm giảm lợi thế cạnh tranh xuất khẩu của Việt Nam, tuy nhiên, trong ngắn hạn, sức mạnh của USD vẫn được duy trì, khiến xu hướng phi USD của BRICS chưa thật sự rõ rệt.
Diễn biến thương mại hai chiều giữa Việt Nam và nhóm BRICS từ năm 2009 đến 2023. Nguồn: DSC tổng hợp từ Bộ Công thương. |
Ngoài ra, Việt Nam có khả năng thu hút các nguồn đầu tư trực tiếp (FDI) từ BRICS, đặc biệt là từ các thành viên mới như UAE trong lĩnh vực năng lượng. DSC dự báo dòng vốn FDI từ BRICS có thể là cơ hội phát triển các ngành công nghệ và cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đa dạng hóa nền kinh tế.
Tác động đến lạm phát và chính sách tiền tệ của Việt Nam
Theo DSC, việc BRICS giảm phụ thuộc vào USD có thể gây ra áp lực gia tăng lạm phát ở Việt Nam, nhất là khi giao dịch hàng hóa nhập khẩu từ BRICS bằng đồng nội tệ. Điều này đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh chính sách tiền tệ linh hoạt để duy trì kiểm soát lạm phát. Lạm phát tại Việt Nam hiện vẫn nằm trong tầm kiểm soát nhờ vào các chính sách điều tiết của NHNN, với mức trung bình 10 tháng đầu năm 2024 đạt 3,78% YoY, dưới ngưỡng mục tiêu 4-4,5%.
Dự báo dài hạn cho thấy, nếu tỷ giá tiếp tục biến động mạnh, lạm phát có thể bị áp lực gia tăng. Tuy nhiên, DSC cho rằng chính sách tiền tệ linh hoạt của Việt Nam, cùng với các công cụ tài chính như tín phiếu và thị trường mở (OMO), sẽ giúp giảm thiểu rủi ro này.
Khả năng duy trì vị thế xuất siêu của Việt Nam
Năm 2024, Việt Nam duy trì trạng thái xuất siêu với thặng dư thương mại đạt 23,3 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm. Với BRICS, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu các sản phẩm điện tử, máy tính và thiết bị máy móc. DSC nhận định rằng xu hướng phi USD của BRICS có thể giúp Việt Nam giảm chi phí giao dịch và nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa trên thị trường quốc tế.
Việc duy trì trạng thái xuất siêu phụ thuộc vào khả năng Việt Nam thúc đẩy sản xuất và cải thiện chuỗi cung ứng. Nếu đạt được các điều kiện này, Việt Nam có thể hưởng lợi trong thương mại và đầu tư từ BRICS.
Xu hướng giảm phụ thuộc vào USD của BRICS là một cơ hội để Việt Nam cải thiện cán cân thương mại, tiếp cận dòng vốn FDI, và ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi ích, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng, điều chỉnh chính sách tiền tệ linh hoạt và theo dõi chặt chẽ diễn biến kinh tế toàn cầu.
>> Giá dầu và than giảm sâu: Ngành phân bón hưởng lợi từ chi phí đến biên lợi nhuận