Xuất hiện tỉnh đạt và vượt kế hoạch toàn bộ chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024
Mới đây, UBND tỉnh đã tổ chức họp thông qua báo cáo ước thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và kế hoạch năm 2025.
Nam Định là tỉnh nằm ở phía Nam đồng bằng Bắc Bộ, có diện tích lớn thứ 52 trong 63 tỉnh, thành của Việt Nam. Năm 2023, Nam Định có hơn 1,8 triệu dân, đứng thứ 13 cả nước và tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 10,23%, đứng thứ 9 cả nước.
Trong năm 2024, Nam Định phải thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện khó khăn, gặp nhiều thách thức. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo sát sao, kịp thời của các cấp chính quyền, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã ghi nhận những chuyển biến tích cực, toàn diện hơn so với năm trước khi đạt và vượt kế hoạch 14/14 chỉ tiêu.
Trong đó, một số tiêu chí nổi bật như Tổng sản phẩm GRDP ước tăng 10,3%; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 14,5%; giá trị hàng xuất khẩu tăng 30,8%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước tăng 18%; thu ngân sách Nhà nước ước tăng 35% so với năm 2023; tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước tăng 11,2%; nợ tín dụng ước tăng 15,6% so với đầu năm…
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục ghi nhận những chuyển biến tích cực trong kinh tế nông nghiệp, nông thôn khi tiếp tục chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, trình độ, hiệu quả cao hơn. Ngoài ra, tỉnh đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ gắn với truy xuất nguồn gốc chất lượng nông sản.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu cũng như công tác xúc tiến, thu hút đầu tư tiếp tục được quan tâm và tổ chức thực hiện, đạt được những kết quả ấn tượng.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Trong năm 2025, Nam Định sẽ tiếp tục phấn đấu và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Nghị quyết HĐND tỉnh đã đề ra.
Dự kiến mức tăng các chỉ tiêu kinh tế - xã hội như sau: Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP (giá so sánh) tăng từ 10,0-11,0%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 15% cơ cấu kinh tế; công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 85% cơ cấu kinh tế; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng từ 14,5% trở lên; giá trị xuất khẩu đạt từ 4.100 triệu USD trở lên; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ 18,0% trở lên; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 15.500 tỷ đồng.
Để đạt được những kết quả ấn tượng trên, Nam Định đã không ngừng nỗ lực, tập trung thực hiện hiệu quả, quyết liệt các nhiệm vụ đề ra. Tỉnh đã dành sự quan tâm đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hệ thống đường giao thông, các cụm công nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung chỉ đạo đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm; đồng thời, công tác giải phóng mặt bằng cũng được tăng cường chỉ đạo để đảm bảo tiến độ triển khai các dự án.
Đặc biệt, Nam Định là tỉnh đầu tiên trên cả nước hoàn thiện hồ sơ đề án và được Bộ Nội vụ thẩm định Đề án sáp nhập huyện Mỹ Lộc và thành phố Nam Định, thành lập và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Nam Định và Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Nam Định giai đoạn 2023-2025 trình cấp có thẩm quyền theo quy định.
Như vậy, có thể thấy dù bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động cũng như tác động tiêu cực từ bão lũ, thiên tai ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhưng tỉnh Nam Định không ngừng nỗ lực và đạt được những kết quả vượt trội.
Dòng vốn ODA từ Nhật Bản - Lực đẩy cho nhiều dự án hạ tầng quan trọng của giao thông Việt Nam
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam phải thẳng nhất có thể, vậy tại sao lại ‘vòng’ qua Nam Định?