Vùng đất 'quê vua, đất chúa' đứng thứ 2 cả nước về tốc độ tăng trưởng GRDP
Vùng đất được ngợi ca có nhiều nhân tài, là cái nôi sản sinh ra nhiều vị vua, chúa nhất Việt Nam đã trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế 9 tháng năm 2024.
Điểm sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2024 là hai tỉnh Bắc Giang và Thanh Hóa khi dẫn đầu cả nước về chỉ số tăng trưởng GRDP.
Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và ghi nhận những chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực trong 9 tháng đầu năm 2024.
Cụ thể, theo báo cáo của Cục thống kê tỉnh Thanh Hóa, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt 12,46%, xếp thứ 2 cả nước, sau tỉnh đứng đầu là Bắc Giang.
Bên cạnh đó, trong 9 tháng đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn ghi nhận sự tăng trưởng mạnh dù còn nhiều khó khăn, thách thức. Đồng thời, trong thời gian này, tỉnh có nhiều khởi sắc trong hoạt động đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp mới đi vào hoạt động đã giúp tỉnh nâng cao năng lực sản xuất và các sản phẩm công nghiệp cũng được đa dạng hóa.
So với cùng kỳ năm trước, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 20,2%. Đặc biệt, đa phần các sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ. Một số sản phẩm tăng mạnh như: thép các loại (tăng khoảng 210%), sáp parafin (tăng khoảng 99,5%), đường kết tinh (tăng khoảng 81%)...
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Bên cạnh đó, trong 9 tháng đầu năm 2024, thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng là một điểm sáng nổi bật khi dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ và thuộc top 10 địa phương trên cả nước có số thu cao nhất. Cụ thể, thu NSNN 9 tháng năm 2024 đạt 42.700 tỷ đồng, tăng 44,7% so với cùng kỳ và vượt 20% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt gần 26.200 tỷ đồng, tăng 45,7% so với cùng kỳ và vượt 19% dự toán; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 16.501 tỷ đồng, tăng 43,1%, vượt 21,8% dự toán.
Bên cạnh đó, Thanh Hóa cũng dành sự quan tâm lớn trong công tác phát triển doanh nghiệp; tích cực giải quyết các vướng mắc và kiến nghị của doanh nghiệp. Trong 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã thành lập mới 2.411 doanh nghiệp, tăng 22,5% so với cùng kỳ, bằng 80,4% kế hoạch, dẫn đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và xếp thứ 8 cả nước với vốn điều lệ đăng ký đạt 18.417 tỷ đồng, ghi nhận tăng 43,5%.
Dù có những tín hiệu phát triển tích cực nhưng Thanh Hóa vẫn tồn tại những khó khăn, hạn chế như tiến độ thực hiện nhiều dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn tỉnh còn chậm trễ, công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 tại một số địa phương chưa quyết liệt, sát sao, vẫn tồn tại một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn so với bình quân chung của tỉnh...
Để khắc phục những khó khăn trên và tiếp tục khẳng định vị thế của địa phương trên bản đồ kinh tế quốc gia, Thanh Hóa thường xuyên theo dõi tình hình trong tỉnh, trong nước và quốc tế để có những giải pháp kịp thời với các vấn đề phát sinh. Đồng thời, sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư.
Ngoài ra, với tinh thần “vướng ở đâu gỡ ở đó, vướng cái gì gỡ cái đó”, tỉnh sẽ tập trung giải quyết những điểm nghẽn về cơ chế, thể chế đúng với quy định pháp luật và phù hợp với thực tiễn, đạt hiệu quả tối đa.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP - Gross Regional Domestic Product) là giá trị sản phẩm vật chất và dịch vụ cuối cùng được tạo ra trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong một khoảng thời gian nhất định. Đây là một chỉ số kinh tế vĩ mô quan trọng đánh giá mức độ phát triển kinh tế của một khu vực trong một khoảng thời gian nhất định.