Xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ đối mặt với thách thức nào khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng?
Rủi ro áp thuế từ Mỹ đang gia tăng, đe dọa hàng loạt mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, từ gỗ, dệt may đến thiết bị điện tử, trong bối cảnh thặng dư thương mại kỷ lục.
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, mã: TCB) vừa công bố báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 11/2024, nhấn mạnh nguy cơ gia tăng rủi ro thương mại đối với các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Mỹ.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống đắc cử Donald Trump, thị trường toàn cầu đang dự báo nhiều biến động, đặc biệt là trong mối quan hệ thương mại Mỹ - Việt Nam.
Áp lực từ chính sách thương mại mới
Việt Nam hiện là đối tác thương mại quan trọng của cả Mỹ và Trung Quốc. Trong 10 tháng đầu năm 2024 (10M24), Việt Nam xuất siêu sang Mỹ 86,1 tỷ USD, nhưng cũng nhập siêu từ Trung Quốc tới 66,9 tỷ USD.
Việc ông Trump từng cam kết giảm thâm hụt thương mại Mỹ khiến nhiều chuyên gia lo ngại khả năng áp thuế cao lên các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng như thiết bị điện tử, máy móc, may mặc và sản phẩm gỗ.
Theo dự báo của Techcombank, các biện pháp bảo hộ, bao gồm thuế nhập khẩu và chống bán phá giá, có thể tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng này sẽ cần thời gian để triển khai, dự kiến từ 8-14 tháng.
“Dù vậy, chúng tôi kỳ vọng sự tác động và mức thuế quan của chính sách này có thể được giảm bớt thông qua các cuộc đàm phán giữa Việt Nam – Mỹ và khi hoạt động thương mại giữa hai quốc gia được cân bằng hơn”, Techcombank cho biết.
Nguồn: Techcombank |
Trước đó, nghiên cứu từ ACBS chỉ ra rằng việc áp đặt các mức thuế quan mạnh mẽ - bao gồm thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và thuế 10%-20% đối với tất cả hàng nhập khẩu - sẽ làm cho hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, có khả năng làm giảm nhu cầu tiêu dùng của Mỹ, từ đó làm giảm sản lượng và giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ.
Ngoài ra, việc Việt Nam bị xếp là nền kinh tế phi thị trường càng làm tăng khả năng chịu thuế chống bán phá giá, đặc biệt đối với các ngành xuất khẩu lớn như gỗ, thủy sản và dệt may. Nhu cầu giảm từ Mỹ có thể khiến hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào các thị trường khác, gây thêm sức ép cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước.
Cơ hội từ sự thay thế thương mại
Dù đối mặt với thách thức, theo ACBS, Việt Nam vẫn có cơ hội hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng khi Mỹ giảm nhập khẩu từ Trung Quốc. Các ngành bất động sản khu công nghiệp, xuất khẩu có chứng minh nguồn gốc và logistics được dự báo sẽ tăng trưởng nhờ dòng dịch chuyển thương mại này.
Bên cạnh đó, các mặt hàng nội thất, điện tử và quần áo, vốn ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu hai con số trong 10 tháng đầu năm 2024, có thể tiếp tục duy trì đà phục hồi nếu Việt Nam tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do và cải thiện quan hệ với Mỹ.
Techcombank nhận định trong dài hạn, hoạt động thương mại của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào các biện pháp cụ thể mà ông Trump ban hành đối với Việt Nam. Theo đó, Techcombank cho biết, sẽ cần theo dõi chặt chẽ để có những đánh giá cụ thể.
>> Báo ngoại: Techcombank (TCB) sẵn sàng bán 15% cổ phần cho đối tác phù hợp