Xuống cấp nghiêm trọng, cây cầu 100 tuổi ở miền Bắc VN sẽ bị phá dỡ sau khi cầu mới trị giá 1.800 tỷ hoàn thiện
Cầu Đuống cũ sẽ bị tháo dỡ sau khi cầu mới hoàn thành vào giai đoạn 2025–2026.
Cầu Đuống được xây dựng từ năm 1902, là tuyến huyết mạch nối quận Long Biên với huyện Gia Lâm (Hà Nội). Sau hơn một thế kỷ hoạt động và dù được duy tu thường xuyên, cây cầu vẫn rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng do phải gánh lượng phương tiện vượt xa thiết kế ban đầu.

Hiện cầu đảm nhận cả hai vai trò: Đường sắt và đường bộ. Riêng phần đường bộ thường xuyên quá tải, đặc biệt vào giờ cao điểm, dẫn đến tình trạng ùn tắc kéo dài và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Thời gian và áp lực vận hành khiến mặt cầu xuất hiện nhiều điểm hư hỏng, thậm chí thủng lớn. Đơn vị quản lý buộc phải sử dụng các tấm thép tạm thời che chắn để đảm bảo giao thông không bị gián đoạn.

Không chỉ mặt cầu, các trụ bên dưới cũng đang bị nước sông xói mòn mạnh, nhiều vị trí lộ cả lõi thép. Đáng lo ngại nhất là phần móng trụ chính gần như không còn lớp bê tông bảo vệ, chỉ còn trơ lại lưới thép.


Bên cạnh đó, cầu Đuống có độ tĩnh không thấp, gây cản trở lớn cho vận tải thủy. Nhiều tàu thuyền trọng tải lớn không thể di chuyển qua cầu, làm gián đoạn dòng chảy hàng hóa trên sông Đuống.

Trước tình hình này, Bộ Xây dựng (trước đây là Bộ GTVT) đã quyết định đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng từ ngân sách để xây dựng cầu Đuống mới. Công trình sẽ được thi công cách cầu hiện tại hơn 100 mét về phía hạ lưu, nhằm bảo đảm lưu thông an toàn và thông suốt hơn.
Theo thông tin từ Báo Tiền Phong, về cầu Đuống cũ, đại diện Bộ Xây dựng cho biết dù cây cầu mang giá trị lịch sử hơn 100 năm, nhưng do đã xuống cấp nặng và hạn chế nghiêm trọng khả năng thông thuyền, nên phương án tháo dỡ sẽ được triển khai sau khi cầu mới hoàn thành, dự kiến trong giai đoạn 2025–2026.