Xuyên Tết 'nối dài' hơn những tuyến đường cao tốc
Với mục tiêu đến năm 2025 cả nước có khoảng 3.000km đường cao tốc, ngay những ngày đầu tiên năm 2024, trên nhiều công trình các nhà thầu thi công vẫn miệt mài làm việc xuyên Tết để đẩy nhanh tiến độ.
Nhìn lại sự phát triển đường cao tốc trong những năm gần đây, đặc biệt là giai đoạn "nước rút" vừa qua, một trong những bài học kinh nghiệm được chỉ ra, đó là sự quyết liệt, tích cực, làm việc liên tục “3 ca, 4 kíp”, nhiều dự án thi công xây dựng cả trong các ngày thứ bảy, chủ nhật, lễ, tết.
Nhờ đó, năm 2023 đã hoàn thành, đưa vào khai thác 20 dự án; trong đó, có 9 dự án đường bộ cao tốc dài 475km, nâng tổng số cao tốc đưa vào khai thác từ đầu nhiệm kỳ đến nay là 729km và nâng tổng số cao tốc của cả nước lên gần 1.900km.
Với mục tiêu cả nước đến năm 2025 có khoảng 3.000km đường bộ cao tốc, cần tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “chỉ bàn tiến, không bàn lùi”, quyết tâm cao nhất để đưa các công trình về đích trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, giai đoạn 2021-2025 đã tập trung tối đa nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, gấp 3 lần so với giai đoạn 2016-2020.
Chỉ tính riêng trong năm 2023, ngành đã hoàn thành, đưa vào khai thác 20 dự án, trong đó, có 9 dự án đường bộ cao tốc với 475km. Như vậy, tổng số cao tốc đưa vào khai thác từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã đạt 729km, nâng tổng số cao tốc của cả nước lên gần 1.900km.
Để có được kết quả trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, đó là nỗ lực của Bộ GTVT và lãnh đạo các địa phương. Theo đó, nhiều công trình đã làm việc liên tục "3 ca, 4 kíp", thi công xuyên lễ, tết, ngày nghỉ.
Thậm chí, ngay trong những ngày nghỉ Tết Dương lịch 2024, trên các công trình giao thông trọng điểm khắp mọi miền đất nước, các nhà thầu thi công vẫn miệt mài làm việc với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương",... để đẩy nhanh tiến độ công trình, dự án.
Là nhà thầu thi công cao tốc Bãi Vọt- Hàm Nghi, trao đổi với PV VietNamNet chiều 2/1, đại diện Tổng Công ty 319 (Bộ Quốc phòng) cho biết, ngày 5/1, đơn vị sẽ tổ chức phát động đợt thi đua cao điểm nhằm đưa dự án về đích vào tháng 5 tới.
Đợt cao điểm sẽ được Tổng Công ty chia thành 2 giai đoạn, mỗi giai đoạn 2 tháng. Đơn vị sẽ huy động các nguồn lực cho thi công liên tục 3 ca/ngày nhằm hoàn thành và vượt các nội dung mục tiêu, chỉ tiêu thi đua đã xác định, với tinh thần về đích sớm nhất.
“Giai đoạn 1 đúng vào dịp nghỉ Tết cổ truyền của dân tộc, nhu cầu đi lại nhiều, chắc chắn sẽ tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động thi công trên công trường. Nhưng với quyết tâm cao, chúng tôi tin tưởng sẽ hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra”, đại diện Tổng Công ty 319 cho hay.
Động lực để “nối dài” hơn những tuyến đường cao tốc
Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại là một trong ba khâu đột phá chiến lược, trong đó phát triển hạ tầng giao thông là trụ cột quan trọng, tạo không gian phát triển mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định mục tiêu cả nước đến năm 2025 có khoảng 3.000km đường bộ cao tốc và đến năm 2030 có khoảng 5.000km.
Với việc “thần tốc” triển khai và đưa vào hàng trăm km đường cao tốc trong thời gian qua đã giúp các địa phương “xích lại” gần nhau hơn, kích cầu du lịch, phát triển kinh tế- xã hội.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vận tải tỉnh Thái Nguyên, Giám đốc công ty du lịch Hà Lan nhìn nhận, những năm gần đây hạ tầng giao thông ở nước ta phát triển vượt bậc. Trong đó, chỉ tính riêng trong năm 2023, cả nước đưa vào khai thác gần 500km đường cao tốc là “điều tuyệt vời”.
“Nó giúp rút ngắn thời gian di chuyển, khoảng cách giữa các địa phương mang lại hiệu quả cao đối với việc giao thương hàng hoá, thuận tiện đối với người dân từ đó phát triển KT- XH đất nước.
Chẳng hạn như từ khi tuyến cao tốc Hải Phòng- Móng Cái đưa vào khai thác thì việc đến Móng Cái - địa đầu của Tổ quốc không còn cảm giác “xa lắc, xa lơ”.
Hay hệ thống giao thông ở các tỉnh phía Bắc như Hoà Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Hà Giang với nhiều tuyến đường, trong đó có các tuyến cao tốc mới mở khiến các doanh nghiệp vận tải cũng như người dân thấy thuận tiện hơn rất nhiều”, ông Hà thông tin.
Nói về việc triển khai các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng trong năm 2024, đại diện Bộ GTVT cho biết, Bộ đang nỗ lực hoàn thành thủ tục khởi công 19 dự án, trong đó sẽ phối hợp, hỗ trợ các địa phương hoàn thiện hồ sơ để khởi công 11 dự án đường bộ cao tốc do địa phương được giao là cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, trong năm này Bộ sẽ ưu tiên bố trí vốn các dự án quan trọng quốc gia, đồng thời chỉ đạo quyết liệt các nhà thầu, tư vấn bố trí đầy đủ nhân lực, máy móc, tài chính tập trung thi công theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng.
“Mục tiêu trong năm 2024 hoàn thành, đưa vào khai thác 23 dự án trong đó có 2 dự án thành phần cao tốc Diễn Châu- Bãi Vọt, Cam Lâm- Vĩnh Hảo trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 1”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.
Cục Đường cao tốc Việt Nam kêu gọi đầu tư 8 trạm dừng nghỉ thuộc 7 tuyến cao tốc Bắc - Nam
Bộ GTVT thông tin mới nhất về lộ trình đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam