Các cổ phiếu tăng giá mạnh nửa đầu năm 2023 phần lớn đều có thanh khoản nhỏ giọt và nằm ngoài túi tiền nhà đầu tư; trừ một số cổ phiếu penny nổi bật.
Kết thúc 6 tháng đầu năm, thị trường chứng khoán hồi phục tích cực; VN-Index tăng 112,3 điểm (+11,1%) lên mức 1.120,18 điểm; HNX-Index tăng 10,7% lên 227.32 điểm; UPCoM-Index thậm chí tăng 20% lên mức 86 điểm.
Giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường đạt 13.725 tỷ đồng/phiên.
Sự đi lên của thị trường có đóng góp không nhỏ của các nhóm cổ phiếu trụ cột. Song song, hàng chục mã chứng khoán có câu chuyện riêng cũng tăng mạnh giúp cổ đông x2, x3 danh mục đầu tư.
Đáng kể nhất trong số này là chuỗi tăng trần hơn 30 phiên liên tiếp của cổ phiếu XDC (Công ty TNHH MTV Xây dựng Công trình Tân Cảng - sàn UPCoM) kéo giá tăng từ 13.x lên mức 999.x đồng/cp và trở thành mã chứng khoán đắt nhất thị trường. Sau nhịp tăng này, cổ phiếu XDC đã tắt thanh khoản.
Cổ phiếu XDC bắt đầu giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 1/12/2022 với khối lượng lưu hành là 8.200 cổ phiếu. Vốn điều lệ của công ty là 90 tỷ đồng - tương ứng với 9 triệu cổ phần.
Theo báo cáo kiểm toán năm 2022 mới công bố, doanh thu của Công trình Tân Cảng ở mức 279 tỷ đồng - giảm 15% so với năm trước (99% nguồn thu đến từ hoạt động xây lắp); lợi nhuận sau thuế giảm 19% còn 7,6 tỷ đồng.
Trong Top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất thị trường, chỉ có TMT, CET, DTD, VC7 và ST8 là các mã ghi nhận thanh khoản tương đối, ST8 là đại diện duy nhất của sàn HOSE được ghi danh.
Từ dưới mệnh giá, thông tin toàn bộ cổ đông sáng lập thoái vốn đã kéo cổ phiếu ST8 của CTCP Siêu Thanh (tên cũ) tăng 235% lên mức 25.600 đồng/cp chỉ sau 6 tháng đầu 2023. Thậm chí mã có thời điểm chạm mức lịch sử 31.500 đồng trong phiên 26/6 vừa qua.
Trước khi nhịp tăng bắt đầu, ST8 hoàn toàn là một gương mặt xa lạ với thanh khoản "mini" và cơ cấu cổ đông cô đặc. Nhịp tăng chỉ thực sự xuất hiện khi toàn bộ cổ đông sáng lập - tức gia đình cựu Chủ tịch Yung Cam Meng - thoái sạch vốn và ST8 về tay chủ mới.
CTCP Đầu tư Phát triển ST8 tiền thân là Công ty TNHH TM & DV Siêu Thanh được thành lập vào năm 1994 tại TP. HCM với vốn điều lệ ban đầu chỉ 300 triệu đồng. Ban đầu, ngành nghề kinh doanh chính của công ty phân phối các thiết bị văn phòng như máy in, máy photocopy, máy fax, máy chiếu...
Tháng 12/2007, công ty chính thức niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) với mã ST8.
Về tình hình kinh doanh, năm 2022, nhờ nguồn thu từ hoạt động thoái vốn tại Honda Kim Thanh, CTCP Thiết bị Văn phòng Siêu Thanh, CTCP Nam Thanh Sài Gòn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại Vũng Tàu và lô 161F Dạ Nam tại quận 8 TP. HCM, ST8 bất ngờ báo lãi ròng đạt kỷ lục 204 tỷ đồng - gấp 12,2 lần năm 2022 và gần bằng tổng lãi của 7 năm liền trước cộng lại.
Kết thúc nửa đầu năm, cổ phiếu VC7 của Tập đoàn BGI tăng 173% lên mức 18.300 đồng/cp. Đáng nói, đà tăng mạnh chỉ thực sự bắt đầu khi dòng tiền tạo lập xuất hiện từ đầu tháng 5.
Sau nhịp điều chỉnh, cổ phiếu VC7 tiếp tục tăng mạnh và kết phiên sáng 12/7 ở mức 22.500 đồng/cp - tăng 239% từ đầu năm |
Tại ĐHCĐ thường niên 2023 mới đây, Tập đoàn BGI đã thông qua kế hoạch doanh thu tăng lên 417 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế ở mức 87 tỷ đồng (gấp 6,7 lần cùng kỳ). Quý 1/2023, Tập đoàn BGI đạt gần 43 tỷ đồng doanh thu; lãi sau thuế chưa đầy 500 triệu đồng.
CTCP Tập đoàn BGI là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và vật liệu có vốn điều lệ 480 triệu đồng. Ông Hoàng Trọng Đức (Chủ tịch HĐQT), Nguyễn Ngọc Tài và Nguyễn Đức Hùng (Phó Tổng Giám đốc) đang là các cổ đông lớn nắm giữ lần lượt 40,2%, 9,3% và 6,7% vốn góp tại công ty.
Lên sàn từ tháng 12/2007 với giá tham chiếu 7.870 đồng (đã điều chỉnh), tình hình kinh doanh của Tập đoàn BGI 16 năm qua khá thất thường dù doanh nghiệp chưa một lần báo lỗ.
Năm nay, VC7 có kế hoạch chào bán 48 triệu cổ phiếu tăng vốn tỷ lệ 1/1 với giá phát hành 10.000 đồng/cp. Toàn bộ số tiền huy động được sẽ góp vốn đầu tư dự án Khu đô thị phía Đông đường Thủy Dương - Thuận An (thuộc Khu E - Khu đô thị An Vân Dương) thông qua hình thức hợp tác đầu tư với Tập đoàn IUC.
Trước khi nhịp điều chỉnh xuất hiện từ đầu tháng 7, cổ phiếu CET của CTCP HTC Holding cũng tăng cũng lọt Top 10 mã chứng khoán tăng mạnh nhất thị trường với mức tăng gần 170% lên 8.600 đồng/cp. Thậm chí phiên 23/6, mã từng đóng cửa ở mức 10.600 đồng.
Giống ST8, nhịp tăng của CET chỉ xuất hiện khi một số cổ đông thực hiện bán ra lượng lớn cổ phiếu nắm giữ hồi đầu tháng 6.
CTCP HTC Holding là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu các loại tinh dầu tự nhiên trong đó sản phẩm chủ đạo là tinh dầu quế với quy mô vốn điều lệ chỉ hơn 60 tỷ đồng.
Năm 2022, dù doanh thu ghi nhận mức đột biến gần 98 tỷ đồng song lãi sau thuế của CET chỉ chưa đầy 1 tỷ. Quý 1/2023, công ty đạt doanh thu gần 24 tỷ đồng, lãi sau thuế 0,2 tỷ.
Không tăng gấp gáp như CET, VC7, cổ phiếu TMT của CTCP Ô tô TMT ghi nhận các nhịp tăng - tích lũy - tăng giá đan xen từ mức 9.380 đồng/cp hồi đầu năm. Mã kết tháng 6 tại mức 24.350 đồng/cp - tăng 160% sau nửa năm giao dịch.
Thông tin được cho là hỗ trợ đà tăng giá của cổ phiếu TMT có lẽ đến từ việc đầu năm 2023, Ô tô TMT cho biết sẽ sản xuất, lắp ráp và phân phối độc quyền ô tô điện Wuling HongGuang MiniEV tại Việt Nam. Theo thống kê của JATO, đây là mẫu xe đã có 3 năm liên tiếp giành top 1 xe điện mini bán chạy trên thị trường thế giới. Tính riêng trong năm 2022, mẫu xe này đạt doanh số 554.067 chiếc tại thị trường Trung Quốc.
Theo kế hoạch, Wuling HongGuang MiniEV sẽ được lắp ráp tại nhà máy ô tô của TMT tại Hưng Yên với công suất 30.000 xe/năm.
Về phần mình, TMT hiện là doanh nghiệp chuyên về sản xuất, lắp ráp ô tô lớn nhất trên sàn chứng khoán, chuyên về xe tải. Báo cáo thường niên của công ty cho biết năm 2023 công ty đặt mục tiêu tiêu thụ 5.525 xe điện.
Trước đó năm 2022, doanh thu công ty tăng 20% so với cùng kỳ lên mức 3.043 tỷ đồng; lãi ròng tăng 9 tỷ so với năm 2021 - đạt 50,3 tỷ; đây đều là các mức cao nhất kể từ năm 2016.
Xem thêm: Ông Nguyễn Đỗ Lăng: Chứng khoán đem tới quá nhiều đau khổ
Cổ phiếu từng sắp 'cán' mức giá 1 triệu đồng chính thức hủy đăng ký chứng khoán
Công trình Tân Cảng 'thanh minh' việc cổ phiếu XDC tăng trần 5 phiên liên tiếp