3 rủi ro đang đe dọa ngành ngân hàng Mỹ

12-04-2023 11:22|Anh Khang

Theo CNN, bất động sản thương mại, các khoản lỗ chưa thực hiện và ngân hàng ngầm là những rủi ro đang đè nặng lên ngành ngân hàng Mỹ .

Theo tờ CNN, đã một tháng trôi qua kể từ khi Ngân hàng Silicon Valley sụp đổ gây chấn động tài chính toàn cầu. Đến nay, tâm lý nhà đầu tư đã ổn định phần nào nhờ các động thái hỗ trợ quyết liệt từ các cơ quan chức trách, nhưng rủi ro vẫn chưa biến mất.

Chia sẻ với CNN, Mike Mayo, nhà phân tích ngân hàng cấp cao của Wells Fargo cho rằng: “Chúng ta đang đi từ đèn đỏ nhấp nháy sang đèn vàng nhấp nháy. Tôi nghĩ đã đến lúc phải tăng cường nhận thức và cảnh giác với bất kỳ điều gì có thể làm suy yếu niềm tin".

Các cơ quan điều hành và nhà đầu tư đều đang cảnh giác cao độ sau sự sụp đổ của SVB và họ không phải tìm đâu xa bởi các rủi ro đe dọa sự sụp đổ của ngành ngân hàng đang hiện hữu trong tầm mắt bao gồm bất động sản thương mại, các khoản lỗ chưa thực hiện và ngân hàng ngầm (shadow banks).

Kỷ nguyên làm việc tại nhà lên ngôi

Bất động sản thương mại - văn phòng, khu chung cư, nhà kho và trung tâm thương mại đã phải chịu áp lực lớn trong bối cảnh hiện nay. Theo Rich Hill, Trưởng bộ phận chiến lược bất động sản tại Cohen & Steers, định giá của bất động sản thương mại có thể giảm 20%-25% trong năm 2023. Với phân khúc văn phòng, mức giảm còn có thể mạnh hơn ở mức 30%.

Bất động sản văn phòng là loại hình phải chịu áp lực tương đối lớn bởi theo dữ liệu từ Kastle, tỷ lệ lấp đầy trung bình ở các văn phòng tại Mỹ hiện vẫn thấp hơn 50% so với mức đỉnh tháng 3/2020.

Khoảng 270 tỷ USD khoản nợ bất động sản thương mại ở các ngân hàng sẽ đến hạn trong năm 2023. Gần 1/3 các khoản này (80 tỷ USD) nằm ở phân khúc bất động sản văn phòng.

Tín hiệu căng thẳng ngày càng nóng. Theo Trepp, một công ty cung cấp dữ liệu về bất động sản thương mại, tỷ lệ người vay chậm thanh toán các khoản nợ có thế chấp văn phòng thương mại đang tăng lên và các vụ vỡ nợ có thể là lời cảnh báo rõ ràng nhất. Đầu năm nay, một doanh nghiệp thuộc sở hữu của công ty quản lý tài sản PIMCO đã vỡ nợ gần 2 tỷ USD cho bảy tòa nhà văn phòng ở San Francisco; New York; Boston và New Jersey.

Đây có thể là rắc rối tiềm tàng của các ngân hàng khi xét tới tỷ lệ cho vay tương đối lớn của họ với lĩnh vực này. Goldman Sachs ước tính, 55% khoản vay mua bất động sản văn phòng tại Mỹ nằm trong bảng cân đối kế toán của các ngân hàng. Các ngân hàng địa phương và cộng đồng vốn đã chịu áp lực từ sự sụp đổ của Silicon Valley Bank và Signature Bank – chiếm 23% các khoản vay này.

“Tôi cảm thấy lo ngại hơn so với trước đây”, Matt Anderson, Giám đốc tại Trepp nhận định.

Các khoản lỗ trên giấy

Trở lại thời điểm lãi suất gần bằng 0, các ngân hàng Mỹ gom rất nhiều trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn dài và chứng khoán đảm bảo bằng khoản thế chấp.

Tuy nhiên, khi Fed và các ngân hàng trung ương khác nâng lãi suất quyết liệt, giá trị của các loại trái phiếu này đã giảm mạnh.

Kết quả là các ngân hàng Mỹ ghi nhận khoảng 620 tỷ USD khoản lỗ chưa thực hiện trên bảng cân đối kế toán. Trong các cuộc khủng hoảng (chẳng hạn như bị rút tiền tại SVB), các ngân hàng sẽ buộc phải bán những khoản lỗ này.

Theo các chuyên gia, 620 tỷ USD là một ước tính khá thận trọng và vẫn chưa rõ những khoản lỗ chưa thực hiện đó sẽ xuất hiện ở đâu, liệu chúng có lan rộng ra toàn ngành hay tập trung vào một số ngân hàng nhất định.

Ngân hàng ngầm

Ngân hàng ngầm ý muốn nói tới các định chế tài chính cho vay tiền (như ngân hàng), nhưng không nhận tiền gửi từ khách hàng. Họ là một nhóm lớn và đa dạng bao gồm các ngân hàng đầu tư, quỹ phòng hộ, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư tư nhân và tất cả những "người chơi" có quyền lực tại Phố Wall.

Với các định chế thuộc ngân hàng ngầm, họ không chịu các quy định nghiêm ngặt như các ngân hàng, điều này có nghĩa họ có thể chấp nhận rủi ro nhiều hơn. Cùng với đó, họ cũng không nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ nếu khủng hoảng xảy ra.

CNN cho rằng, khi có khủng hoảng xảy ra, việc các ngân hàng và tổ chức phi ngân hàng chồng chéo lên nhau có thể khiến hoảng loạn bị lan rộng ra trong hệ thống.

Niềm tin - tài sản quan trọng nhất của ngân hàng

Theo CNN, sự sụp đổ của SVB là lời nhắc nhở rằng, các ngân hàng là tổ chức vận hành nhiều mảng khác nhau và rất lớn, do con người điều hành và phục vụ những con người khác. Không ai trong số họ hoàn toàn lý trí. Điều này nghe vẻ đơn giản, nhưng lại phù hợp với một ngành phụ thuộc nhiều vào niềm tin như ngân hàng.

“Đây không phải là ngành không có khuyết điểm”, Mayo cho biết. “Đây là ngành công nghiệp cố gắng giảm thiểu thiệt hại từ những sai lầm giống như các ngành công nghiệp khác. Thực tế là sẽ có sai lầm thôi. Đây là lúc các ngân hàng có thể củng cố lại tài sản quan trọng nhất của họ, đó là niềm tin”.

VNDirect: Áp lực tỷ giá lên VND giảm nhờ chu kỳ tăng lãi suất của Fed sắp kết thúc

First Republic bên bờ vực phá sản, giới chức Mỹ đề nghị 2 “đại gia” JPMorgan, PNC mua lại

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/3-rui-ro-dang-de-doa-nganh-ngan-hang-my-178154.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    3 rủi ro đang đe dọa ngành ngân hàng Mỹ
    POWERED BY ONECMS & INTECH