Trước khi trở thành tỷ phú giàu hàng đầu thế giới, Warren Buffett từng có thời gian gặp khó khăn và cuộc đời ông đã rẽ hướng nhờ những bài học đắt giá.
Khi được hỏi, ở độ tuổi 20-30 cần phải trau dồi thói quen gì để có được nền tảng vững chắc để thành công, tỷ phú Warren Buffett khẳng định đó chính là kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống. Thế nhưng ít ai ngờ được, vị tỷ phú này từng rất sợ phải nói trước công chúng, đến mức mỗi khi đứng trước đám đông là ông lại cảm thấy nôn nao, bồn chồn và lo lắng.
"Bạn sẽ không thể tưởng tượng nổi trông tôi sẽ như nào khi buộc phải nói trước đám đông. Có thể tôi sẽ nôn mửa", ông viết trong cuốn tiểu sử "Quả cầu tuyết: Warren Buffett và cuộc sống kinh doanh".
Thời điểm đó, “nhà tiên tri Omaha” mới 19 tuổi nhưng đã quyết tâm phải vượt qua nỗi sợ hãi này bằng mọi giá. Vì thế, ông đã quyết định tham gia khóa học thuyết trình trước công chúng được giảng dạy tại tổ chức đào tạo và phát triển kỹ năng nghề nghiệp Dale Carnegie.
Tại đây, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Dale Carnegie - Joe Hart - đã chia sẻ về 4 bài học quan trọng nhất để trở thành người giao tiếp tốt hơn. Đây cũng là những bài học đã thay đổi cuộc đời Buffett.
Không ngừng học tập
Dale Carnegie cho biết một trong những điều tuyệt vời ở Buffett là ông tích cực học hỏi. "Đó là điều khiến ông ấy rất thành công". Vì luôn học hỏi, Buffett liên tục xây dựng bộ sưu tập thông tin các chủ đề mà ông có thể nói một cách rành mạch, chi tiết.
Charlie Munger, Phó chủ tịch Tập đoàn Berkshire Hathaway cũng đã từng nói về người đồng nghiệp huyền thoại như sau: "Warren Buffett đã trở thành nhà đầu tư giỏi hơn rất nhiều kể từ ngày tôi gặp ông ấy và tôi cũng vậy. Nếu chúng tôi bị đóng băng ở giai đoạn nào đó với kiến thức chúng tôi có thì kết quả có thể sẽ tồi tệ hơn nhiều. Vì vậy, cuộc chơi là tiếp tục học tập, và tôi không nghĩ mọi người sẽ tiếp tục học theo người không thích quá trình học tập."
Nói về kinh nghiệm cá nhân
Theo Chủ tịch Dale Carnegie, thêm thắt tính liên hệ đến cá nhân là con đường ngắn nhất để thuyết phục mọi người. Buffett thường áp dụng bài học này trong những phần thuyết trình. Ông chia sẻ về các câu chuyện từ cuộc đời đến sự nghiệp, khiến bài phát biểu trở nên thuyết phục và nổi bật hơn.
Ông gợi ý: "Hãy mang theo bên mình giấy ghi chú trong vài tuần. Bạn hãy viết ra tất cả chủ đề chuẩn bị nói bằng kinh nghiệm của bản thân. Những chủ đề này có thể là sự hối tiếc, tham vọng hay tại sao bạn thích/không thích vấn đề nào đó".
Ghi chú nhanh, không ghi nháp
Nếu từng xem Buffett phát biểu, bạn sẽ nhận ra ông hiếm khi nhìn vào tờ giấy. Đó là bởi một trong những nguyên tắc cốt lõi tại Dale Carnegie là bài phát biểu hay không bao giờ được đánh máy trước.
Thay vào đó, mọi người nên tham khảo các ghi chú ngắn gọn, thay vì đọc từ bản ghi có thể khiến bạn xao nhãng. "Khi đứng lên phát biểu, bạn có thể rơi vào tình trạng cố gắng nhớ lại những gì bạn viết. Điều này khiến bạn nói không lưu loát và tự nhiên".
Có hứng thú với chủ đề
Những người có năng lượng tích cực và tâm thái tự tin sẽ tạo nên sự khác biệt lớn. Sự thật đã chứng minh, tỷ phú Warren Buffett vốn đam mê đầu tư và kiếm tiền, nhanh chóng đạt được thành công từ khi còn rất trẻ. Những bài phát biểu cũng như phỏng vấn của ông đã thể hiện rõ sự nhiệt tình vô cùng bền bỉ này.
Điều đáng nói, ngay cả những người có khả năng thuyết trình trung bình đều có thể tạo ra một cuộc nói chuyện hấp dẫn trong trường hợp họ bàn luận về một vấn đề nào đó gây xúc động sâu sắc. Ngay sau khi tham gia khóa học, Warren Buffett đã nhanh chóng có được tự tin để nói chuyện trước đám đông. Điều đáng nói, ông còn trở thành một trong những diễn giả thường xuyên được trích dẫn nhất trên thế giới. Bản thân vị tỷ phú này đã mang đến một bài học vô giá về lòng dũng cảm, được gói gọn trong vỏn vẹn 6 chữ: “Đối mặt với nỗi sợ hãi”.
Vị tỷ phú nổi tiếng thế giới cũng khuyên mọi người rằng, không nên để nỗi sợ hãi lấn lướt, trở thành rào cản bản thân trên con đường đến thành công. Để rèn luyện trí não vượt qua nỗi sợ hãi, bạn cần phải thực hiện được 3 điều quan trọng, bao gồm: Đầu tiên, nên nhớ nỗi sợ hãi không phải là mối đe dọa thực sự; thứ hai, nỗi sợ hãi không dựa trên thực tế và cuối cùng, nỗi sợ hãi là những gì bạn cần trải nghiệm.
Muốn vượt qua nỗi sợ hãi bạn cần phải mạnh mẽ đương đầu với nó. Đừng ngại ngần dấn thân vào những điều mà bản thân sợ hãi trong khoảng ba tháng. Thông qua cách tiếp xúc này, bạn sẽ cảm thấy mọi chuyện trở nên bình thường và không còn sợ hãi nữa. Thậm chí, điểm yếu trước kia sẽ bất ngờ trở thành thế mạnh của bạn, giúp ích trên con đường thăng tiến trong tương lai.