5.000 tỷ USD ‘bốc hơi’ với tốc độ chưa từng thấy khỏi Phố Wall sau tuyên bố áp thuế của ông Trump, siêu cường số 1 thế giới lao đao
Thị trường tài chính toàn cầu chao đảo trong tuần đầu nhiệm kỳ hai của ông Trump, khi loạt thuế quan mới đẩy nhà đầu tư vào tâm lý hoảng loạn.
Cú sốc thuế quan lịch sử
Chứng khoán Mỹ vừa khép lại một trong những tuần lễ tồi tệ nhất kể từ đại dịch Covid-19, khi những tuyên bố cứng rắn về thương mại của Tổng thống Donald Trump tiếp tục gây chấn động thị trường toàn cầu.
Chỉ trong vòng 48 giờ sau khi ông Trump ký ban hành gói thuế quan cao nhất trong hơn một thế kỷ – một động thái mà Nhà Trắng gọi là “Ngày Giải phóng kinh tế” – Trung Quốc đã tuyên bố áp mức thuế trả đũa lên tới 34% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới nhanh chóng leo thang, khiến giới đầu tư lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, trong bài phát biểu cùng ngày, đã không phát tín hiệu cắt giảm lãi suất như kỳ vọng của thị trường, mà thay vào đó cảnh báo về những "rủi ro gia tăng" đối với tăng trưởng và lạm phát. Thái độ thận trọng của Fed càng khiến Phố Wall thêm hỗn loạn.
Chỉ số S&P 500 đã giảm tới 6% chỉ trong hai ngày, tương đương hơn 5.000 tỷ USD vốn hóa thị trường bị “thổi bay”. Tính từ đầu nhiệm kỳ hai của ông Trump (20/1/2025), tổng giá trị mất mát trên thị trường chứng khoán Mỹ đã lên gần 8.000 tỷ USD.
Trong bối cảnh niềm tin lao dốc, thị trường đang đặt cược rằng Fed sẽ buộc phải hành động. Theo thị trường hợp đồng tương lai, bốn đợt cắt giảm lãi suất đã được định giá hoàn toàn cho năm 2025, bắt đầu ngay trong kỳ họp tháng 6. Tuy nhiên, với mức độ bán tháo dữ dội hiện nay, không loại trừ khả năng Fed có thể cắt giảm ngay trong phiên họp ngày 6–7/5 tới, thậm chí là một động thái khẩn cấp trước đó.
![]() |
Chứng khoán Mỹ vừa khép lại một trong những tuần lễ tồi tệ nhất kể từ đại dịch Covid-19. (Ảnh: The Economic Times) |
Cơn địa chấn vượt ra ngoài nước Mỹ
Khác với cú sốc do dịch bệnh năm 2020 hay khủng hoảng tài chính năm 2008, đợt sụt giảm lần này đến từ những lựa chọn chính sách có tính toán của chính quyền – điều khiến nhiều nhà phân tích cho rằng hậu quả hiện tại đã được lường trước.
JP Morgan nhận định, mức thuế mới tương đương với đợt tăng thuế lớn nhất tại Mỹ kể từ năm 1968. Trong khi đó, Barclays dự báo lạm phát Mỹ năm 2025 có thể vượt ngưỡng 4%, và GDP sẽ suy giảm trong quý IV – kịch bản phù hợp với một cuộc suy thoái.
Tác động lan rộng ra toàn cầu: Citi ước tính tăng trưởng của khu vực đồng euro sẽ giảm khoảng 1 điểm phần trăm trong năm nay, đẩy nền kinh tế khu vực đến bờ vực suy thoái. Tăng trưởng của Trung Quốc, vốn đã chậm lại dưới 5%, cũng có thể tiếp tục bị tổn thương nặng nề.
Giá dầu thế giới lao dốc trong hai phiên liên tiếp, mất hơn 12% tổng cộng. Hợp đồng dầu Brent kỳ hạn rơi xuống mức thấp nhất trong bốn năm, gần 62 USD/thùng – giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngay cả thị trường trái phiếu an toàn như Thụy Sĩ cũng phản ứng mạnh: lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn hai năm bất ngờ rơi xuống dưới 0%. Một tín hiệu rõ ràng cho thấy các nhà đầu tư đang tìm đến nơi trú ẩn trong cơn bão bất định.
S&P 500, Nasdaq, Dow Jones và Russell 2000 ghi nhận tuần tồi tệ nhất kể từ năm 2020. Các chỉ số tại Nhật Bản và châu Âu cũng lao dốc mạnh.
Nasdaq chính thức bước vào thị trường giá xuống, khi giảm hơn 20% so với đỉnh tháng 12.
Quỹ ETF “Magnificent Seven” sụt 10% – tuần giảm mạnh nhất lịch sử, kéo dài chuỗi giảm giá sang tuần thứ bảy liên tiếp.
Chênh lệch lợi suất trái phiếu doanh nghiệp có độ rủi ro cao (high-yield) tại Mỹ vượt 400 điểm cơ bản – mức chưa từng thấy kể từ cuối năm 2023.
Chỉ số VIX đo lường mức độ biến động của Phố Wall tăng vọt, tiệm cận đỉnh của năm năm qua, chỉ sau một ngày đột biến hồi tháng 8/2024.
Dù thị trường sẽ đóng cửa vào cuối tuần, nhưng các cuộc họp khẩn cấp giữa chính phủ các nước và ngân hàng trung ương nhiều khả năng vẫn diễn ra nhằm tìm cách hạ nhiệt căng thẳng. Nhà đầu tư đang chờ đợi những thông điệp ổn định từ giới chức tài chính trong ngày đầu tuần tới. Tuy nhiên, nếu không có bất ngờ tích cực, một phiên “thứ Hai đen tối” là điều hoàn toàn có thể lặp lại.