5 'lão bà' doanh nhân đình đám Việt Nam: Đều là 'nữ tướng' lẫy lừng, có người 85 tuổi vẫn còn chinh chiến
Đây đều là những 'nữ cường nhân' tài giỏi và thành công trong lĩnh vực kinh doanh.
Bà Trần Thị Thái - 'Lão bà' mía đường lớn tuổi nhất sàn chứng khoán
Trong danh sách các lão gia trên thương trường, người ta nhắc tới bà Trần Thị Thái như một nữ doanh nhân lão làng trong ngành mía đường. Sinh năm 1939, bà là một doanh nhân tuổi Mão, năm nay bước sang tuổi 85, cũng là người lớn tuổi nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
Theo hồ sơ, từ năm 1976-1995, bà Thái kinh doanh lương thực thực phẩm, từ 1995-2003 là chủ doanh nghiệp tư nhân và từ 2003 là Giám đốc Công ty TNHH Kim Hà Việt.
Bà Thái và Kim Hà Việt cũng đang dần mở rộng tầm ảnh hưởng thông qua việc mua cổ phần của nhiều doanh nghiệp khác.
Bà Thái là người nắm cổ phẩn nhiều nhất của Mía Đường Sơn La |
“Bộ sưu tập” của lão bà này hiện có Mía đường Kon Tum, Cần Thơ, Sóc Trăng, Sơn La, Bến Tre… Với tư cách cá nhân, bà Thái đang nắm giữ 27,4% cổ phần của Mía đường Sơn La, 10% Mía đường Sóc Trăng, 6% Mía đường Cần Thơ và 2% mía đường Kon Tum. Trong đó Mía đường Sơn La là được chú ý nhất khi còn có cả những người trong gia đình bà Thái nắm quyền lớn.
Theo đó, bà là cổ đông lớn nhất của Mía đường Sơn La, theo sau thứ 2 là em gái của bà - bà Trần Thị Liên, đại diện pháp luật của Công ty TNHH Thái Liên và cuối cùng là Chủ tịch công ty Mía đường Sơn La, cũng là con trai bà, ông Đặng Việt Anh.
Bà Thái cùng Kim Hà Việt cũng là cổ đông của nhiều doanh nghiệp mía đường chưa niêm yết như Mía đường Bình Dương, Mía đường 333, Mía đường Cần Thơ, Mía đường Sóc Trăng, Tổng công ty Mía đường I, Mía đường Tây Nam…
Cố doanh nhân Tư Hường - bà chủ của nhiều 'đế chế', tuổi 80 vẫn đứng đầu gia tộc giàu có bậc nhất Việt Nam
Bà Tư Hường tên khai sinh là Trần Thị Hường, sinh năm 1936, quê gốc tại huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Kể về quá trình dựng nghiệp gian nan, bà cho hay bản thân đã từng đi ở, học may, nhuộm quần áo… Bà chỉ mới học hết lớp 5. Khi lấy chồng, bà bắt đầu làm công nghiệp và lao vào lĩnh vực bất động sản.
Cố doanh nhân Tư Hường. Ảnh: Internet |
Bà được biết đến là người đứng đầu một "đế chế" bất động sản mang tầm quốc tế cùng với sự điều hành của Ngân hàng Nam Á (NamABank), và tài sản của bà có thể lên đến hàng trăm triệu đô la Mỹ.
Bà cũng là một doanh nhân đáng kinh ngạc với sức lực làm việc phi thường. Suốt một thập kỷ ở tuổi "xưa nay hiếm" của bà, bà Trần Thị Hường tiếp tục hoạt động sáng tạo, thậm chí đưa cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ về Việt Nam và mời Lady Gaga biểu diễn. Bên cạnh sự kiện Hoa hậu Hoàn vũ, bà còn góp phần vào việc xây dựng khu resort nổi tiếng Diamond Bay ở Nha Trang.
Ở tuổi U80, bà Tư Hường vẫn tập trung đặc biệt vào lĩnh vực kinh doanh và tạo nên mạng lưới "Hoàn Cầu" trải dài trên toàn quốc. Các con cái của bà, bất kể là con trai hay con gái, cũng như con dâu rể, đều đảm nhận vai trò quan trọng trong hệ thống doanh nghiệp được bà xây dựng.
Cố doanh nhân Tư Hường. Ảnh: Internet |
Thế nhưng thật tiếc thay, vào ngày 13/5/2017, một người thân với gia đình bà Tư Hường xác nhận, do bệnh tật tuổi già, nữ doanh nhân này đã qua đời, hưởng thọ 82 tuổi.
Bà Nguyễn Thị Sơn - 'Lão phật gia' của Sơn Kim Group, trên 70 tuổi vẫn có sức ảnh hưởng tới mọi quyết định trong gia tộc
Bà Nguyễn Thị Sơn sinh năm 1950, tại làng quan họ Bắc Ninh. Bà xuất thân trong một gia đình có truyền thống về may mặc và đã từng là nhà quản lý doanh nghiệp may mặc quốc doanh Legamex, Hiệu trưởng trường Cán bộ quản lý doanh nghiệp, viện trưởng Viện Khoa học pháp lý và kinh doanh quốc tế và nhiều chức danh khác, nên Sơn Kim Group (tên cũ là Đại Thành) có thế mạnh rất lớn trong ngành dệt may, thời trang cao cấp và nắm trong tay nhiều dự án bất động sản nghìn tỷ ở vị trí đắc địa.
Bà Nguyễn Thị Sơn. Ảnh: Internet |
Tập đoàn Sơn Kim – Một trong những gia tộc kín tiếng bậc nhất Sài Gòn, cũng là một tập đoàn kinh doanh đa lĩnh vực khởi nghiệp từ những năm 1950, đến thế hệ thứ ba của nhà Sơn Kim, hoạt động kinh doanh của công ty này được mở rộng sang bất động sản, bán lẻ, cho đến dược phẩm, nội thất….
Ở tuổi “thất thập” bà 'trùm' Sơn Kim vẫn có sức ảnh hưởng nhất định ở những lĩnh vực khác nhau của tập đoàn, gồm bất động sản và kinh doanh thương mại, dịch vụ, ăn uống, nhà hàng, thiết kế nội thất, trà – cà phê, sản xuất hàng thời trang, bán hàng online, kênh truyền hình và gần đây nhất là lĩnh vực giáo dục.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - 'Nội tướng' xây dựng nền móng cho tập đoàn ẩm thực thượng lưu Lý Quí
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga là vợ của cố nhà báo Chánh Trinh và cũng là một doanh nhân có kinh nghiệm, là chủ sở hữu của nhà hàng Thanh Niên - một nhà hàng cơm Việt Nam lâu đời nhất tại Sài Gòn, đã tồn tại từ năm 1989. Trong suốt 33 năm, đây vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu cho những bữa cơm gia đình của nhiều thế hệ người Sài Gòn.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga. Ảnh: Internet |
Bà còn sở hữu nhiều thương hiệu cafe nổi tiếng tại TP.HCM như Ciao, Terrace, Ibox, Goody, Paris Deli, Fly Cupcake Garden, Maxims Nam An, An, An Viên, Thanh Niên, Gloria Jeans... Gia tộc Lý Quí nổi tiếng là một tập đoàn về ẩm thực và nghệ thuật gia đình, cùng với nhiều cơ ngơi trên khắp Việt Nam.
Phải đến đời doanh nhân Lý Quí Trung (thuộc thế hệ thứ 2) và sau này có người cháu trai – NTK “hoàng tử bé” Lý Quý Khánh, cơ ngơi của nhà Lý Quí mới thực sự bành trướng. Nhưng ít người biết, chủ nhân thực sự, người đặt nền móng và xây dựng tiếng tăm cho thương hiệu “gia tộc ẩm thực, nghệ thuật hàng đầu” lại chính là bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga.
Bà và cháu nội Lý Quý Khánh. Ảnh: Internet |
Gia tộc Lý Quí sở hữu rất nhiều khối bất động sản sang trọng, đắt đỏ ở trung tâm thành phố, mỗi thành viên trong gia đình đều sống ở những căn penthouses, biệt thự bề thế. Căn nhà bà nội Lý Quí Khánh thường xuyên ở được cho rằng là một biệt phủ siêu rộng ở Bình Dương và vô cùng kín đáo.
Bà Mai Kiều Liên - CEO 70 tuổi đưa Vinamilk thành doanh nghiệp tỷ đô
Doanh nhân Mai Kiều Liên sinh năm 1953 tại Paris, Pháp. Tuy sinh ra tại nước ngoài nhưng nguyên quán của bà Liên là ở thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang. Bà sinh ra trong một gia đình trí thức với cả bố và mẹ đều là bác sĩ. Năm 1957, cả gia đình bà đã quyết định trở về Việt Nam sinh sống và cống hiến cho quê hương.
Bà Mai Kiều Liên. Ảnh: Internet |
Ngày nhỏ bà theo học tại trường tiểu học Trưng Vương thành phố Hà Nội. Vào thời điểm đó, miền Bắc đang trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, bởi vậy bà phải sơ tán về khu vực nông thôn và tiếp tục đi học trong điều kiện thiếu thốn. Lúc này, Mai Kiều Liên đã từng chứng kiến cảnh thiếu thốn dinh dưỡng của trẻ em ở miền Bắc, điều này chính là nguồn cảm hứng để bà xây dựng Vinamilk với ước muốn mang đến nguồn sữa tươi giàu dinh dưỡng cho trẻ em Việt Nam.
CEO đưa Vinamilk thành tập đoàn tỷ đô. Ảnh: Internet |
Xuất phát điểm không mấy dễ dàng, nhưng đó là câu chuyện của 20 năm về trước. Hiện nay, Vinamilk là một trong những thương hiệu có lợi nhuận cao nhất trên thị trường. Không những vậy, cổ phiếu của Vinamilk tăng trưởng ổn định kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2005.