Thế giới

57% nguồn cung phụ thuộc vào một quốc gia nhỏ bé ở Đông Nam Á, Trung Quốc lộ điểm yếu chiến lược trước Mỹ

Thanh Lê 02/07/2025 - 06:43

Trong bối cảnh Bắc Kinh siết chặt kiểm soát xuất khẩu đất hiếm nhằm bảo vệ chuỗi giá trị trong nước và gia tăng ảnh hưởng chiến lược, một nghịch lý ngày càng bộc lộ: chính Trung Quốc cũng đang phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung đất hiếm từ Myanmar – một quốc gia nhỏ đang chìm trong nội chiến.

Theo CNBC dẫn lời bà Gracelin Baskaran – Giám đốc Chương trình An ninh Khoáng sản tại Trung tâm CSIS (Washington), khoảng 57% lượng đất hiếm mà Trung Quốc nhập khẩu trong năm ngoái đến từ Myanmar, trong đó chủ yếu là đất hiếm nặng – những nguyên tố quý hiếm có vai trò thiết yếu trong sản xuất công nghệ cao như vũ khí, vệ tinh, tuabin gió hay xe điện.

57% nguồn cung phụ thuộc vào một quốc gia nhỏ bé ở Đông Nam Á, Trung Quốc lộ điểm yếu chiến lược trước Mỹ - ảnh 1

Số liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, kim ngạch nhập khẩu đất hiếm từ Myanmar tăng vọt kể từ năm 2018, đạt đỉnh gần 42.000 tấn vào năm 2023.

Đáng chú ý, Myanmar sở hữu các mỏ đất sét hấp phụ ion (IAC) – loại mỏ chứa hàm lượng đất hiếm nặng cao, nhưng cũng đi kèm với chi phí môi trường cực lớn do quy trình khai thác dùng hóa chất thẩm thấu trực tiếp vào đất.

Myanmar bắt đầu nổi lên như một "cứ điểm khai thác thay thế" kể từ giữa những năm 2010, khi Bắc Kinh siết chặt các tiêu chuẩn môi trường trong nước và buộc nhiều dự án khai thác đất hiếm tại miền Nam Trung Quốc phải đóng cửa.

57% nguồn cung phụ thuộc vào một quốc gia nhỏ bé ở Đông Nam Á, Trung Quốc lộ điểm yếu chiến lược trước Mỹ - ảnh 2
Sản lượng của Myanmar đã củng cố đáng kể vị thế thống lĩnh của Trung Quốc

Với địa chất tương tự vùng mỏ IAC của Trung Quốc, miền Bắc Myanmar nhanh chóng trở thành nơi thu hút các doanh nghiệp Trung Quốc đổ về phát triển dự án, theo ông David Merriman – Giám đốc nghiên cứu tại Project Blue (Anh).

Chuỗi cung ứng mới nhanh chóng hình thành: đất hiếm được khai thác tại Myanmar, sau đó vận chuyển sang Trung Quốc dưới dạng "oxit đất hiếm" để tinh luyện và chế biến thành sản phẩm giá trị cao. Sự liên kết này đã giúp Trung Quốc củng cố vị thế độc quyền trong chuỗi cung ứng toàn cầu về đất hiếm nặng.

Tuy nhiên, chính điều đó cũng đẩy Trung Quốc vào thế rủi ro khi môi trường chính trị tại Myanmar ngày càng bất ổn. Sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021, nhiều vùng lãnh thổ – đặc biệt là bang Kachin giáp biên giới Trung Quốc – rơi vào tay các nhóm vũ trang đối lập.

Đầu năm 2024, Quân đội Độc lập Kachin (KIA) đã chiếm giữ nhiều khu mỏ lớn, kiểm soát tới một nửa sản lượng đất hiếm nặng toàn cầu theo ước tính của CSIS. Hành động này không chỉ làm gián đoạn nguồn cung, mà còn khiến giá đất hiếm tăng đột biến trong thời gian ngắn. Theo Reuters, KIA đang tận dụng nguồn tài nguyên này như một đòn bẩy để đàm phán với Bắc Kinh.

Bắc Kinh tìm lối thoát, nhưng không dễ

Dữ liệu mới nhất cho thấy nhập khẩu oxit đất hiếm từ Myanmar vào Trung Quốc đã giảm hơn 1/3 trong 5 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm ngoái – tín hiệu rõ ràng cho thấy sự gián đoạn. Nếu Myanmar ngừng xuất khẩu hoàn toàn, Trung Quốc sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc đáp ứng nhu cầu nội địa về đất hiếm nặng, theo chuyên gia Merriman.

Để ứng phó, Bắc Kinh đang gấp rút tìm cách đa dạng hóa nguồn cung, hướng đến các mỏ IAC tại Malaysia và Lào, nơi một số dự án đã bắt đầu triển khai với sự tham gia của doanh nghiệp Trung Quốc. Tuy nhiên, các quốc gia này áp dụng tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt hơn, đặt ra thách thức lớn về chi phí và quy mô khai thác.

57% nguồn cung phụ thuộc vào một quốc gia nhỏ bé ở Đông Nam Á, Trung Quốc lộ điểm yếu chiến lược trước Mỹ - ảnh 3
Trung Quốc nhập khẩu oxit đất hiếm từ Myanmar

Thực tế, quyết định hạn chế khai thác đất hiếm trong nước của Trung Quốc trước đây – vì ô nhiễm môi trường – đang phản tác dụng. Một báo cáo của Caixin năm 2022 cho biết, nhiều vùng khai thác IAC ở miền nam Trung Quốc từng khiến đất đai và nguồn nước bị nhiễm độc, gây thiệt hại cho nông dân và cư dân địa phương.

Một mặt, Trung Quốc vẫn kiểm soát khâu chế biến và xuất khẩu đất hiếm ra toàn cầu. Nhưng mặt khác, sự phụ thuộc ngày càng lớn vào nguyên liệu thô từ Myanmar lại khiến chuỗi cung ứng này dễ tổn thương trước biến động địa chính trị.

Giới chuyên gia nhận định, bài toán đất hiếm sẽ tiếp tục trở thành một chiến địa chiến lược, nơi không chỉ Trung Quốc, mà cả các cường quốc công nghệ phương Tây buộc phải tính đến những kịch bản thay thế – dù với chi phí không hề thấp.

Theo CNBC

>> Láng giềng Việt Nam đưa siêu trung tâm dữ liệu lên núi cao gần 5.000m: Công suất đủ xử lý hàng triệu phép tính trong vài giây, tiết kiệm 320 triệu kWh điện

Trung Quốc siết đất hiếm, Ford buộc phải tạm dừng hàng loạt nhà máy tại Mỹ

Mỹ và phương Tây 'phản công', Trung Quốc lo bị soán ngôi siêu cường số 1 thế giới về đất hiếm ngay trong 10 năm tới

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/57-nguon-cung-phu-thuoc-vao-mot-quoc-gia-nho-be-o-dong-nam-a-trung-quoc-lo-diem-yeu-chien-luoc-truoc-my-145851.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    57% nguồn cung phụ thuộc vào một quốc gia nhỏ bé ở Đông Nam Á, Trung Quốc lộ điểm yếu chiến lược trước Mỹ
    POWERED BY ONECMS & INTECH