7-Eleven đóng cửa hơn 400 địa điểm, đứng trước nguy cơ bị thâu tóm: Chuyện gì đang xảy ra?
444 địa điểm của 7-Eleven sẽ đóng cửa vì nhiều vấn đề giữa lúc “gã khổng lồ bán lẻ” Nhật Bản vẫn đang liên tục bị Couche-Tard, chủ sở hữu Circle-K chèo kéo sáp nhập.
Chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven thông báo rằng hàng trăm cửa hàng 7-Eleven “hoạt động kém hiệu quả” trên khắp Bắc Mỹ sẽ đóng cửa.
Seven & I Holdings, công ty mẹ có trụ sở tại Nhật Bản của chuỗi cửa hàng này, đã tiết lộ trong báo cáo tài chính hôm thứ Năm (10/10) rằng 444 địa điểm của 7-Eleven sẽ đóng cửa vì nhiều vấn đề, bao gồm doanh số bán hàng chậm lại, lượng khách giảm, áp lực lạm phát và lượng mua thuốc lá giảm.
Danh sách cụ thể các địa điểm đóng cửa chưa được 7-Eleven công bố ngay lập tức. Chuỗi cửa hàng này có hơn 13.000 cửa hàng trên khắp Hoa Kỳ, Canada và Mexico, do đó số lượng cửa hàng đóng cửa chiếm 3% danh mục đầu tư của họ.
Trong bản báo cáo tài chính mới công bố, Seven & I cho biết mặc dù nền kinh tế Bắc Mỹ “nhìn chung vẫn mạnh mẽ” nhưng công ty nhận thấy “cách tiếp cận thận trọng hơn đối với tiêu dùng” từ những người có thu nhập trung bình và thấp do lạm phát dai dẳng, lãi suất cao và môi trường việc làm “xấu đi”.
Sự kết hợp của những yếu tố đó đã khiến lượng khách của chuỗi này giảm 7,3% trong tháng 8/2024, đánh dấu chuỗi 6 tháng sụt giảm liên tiếp.
Chuỗi cửa hàng này cũng chỉ ra rằng doanh số bán thuốc lá, vốn từng là mặt hàng bán chạy nhất tại các cửa hàng tiện lợi, đã giảm 26% kể từ năm 2019. Sự thay đổi đáng kể trong doanh số bán hàng sang các sản phẩm nicotine khác, như Zyn, cũng không bù đắp được sự chênh lệch này.
7-Eleven chia sẻ với hãng tin CNN trong một tuyên bố rằng họ “liên tục phải xem xét, tối ưu hóa danh mục đầu tư của mình” và các cửa hàng bị đóng cửa là một phần trong chiến lược tăng trưởng của họ. Đồng thời, “gã khổng lồ bán lẻ Nhật Bản” nói thêm rằng chuỗi cửa hàng này tiếp tục “mở các cửa hàng ở những khu vực mà khách hàng đang tìm kiếm sự tiện lợi hơn”.
>> Ông chủ Circle K muốn thâu tóm chuỗi 7-Eleven với giá 33 tỷ USD
Theo Neil Saunders, nhà phân tích ngành bán lẻ và Giám đốc điều hành của GlobalData Retail, việc đóng cửa 444 cửa hàng là “một đợt cắt giảm nhẹ nhàng chuỗi cửa hàng để duy trì tính hiệu quả và lợi nhuận”.
“Các địa điểm đóng cửa có thể chứng kiến lượng khách sụt mạnh khi người tiêu dùng phải vật lộn với giá thực phẩm tăng cao và phải cắt giảm số lượng hàng hóa mua sắm”, ông Saunders nói với CNN. “Ở một số khu vực, sự cạnh tranh gia tăng từ các cửa hàng trực tuyến và giá trị hàng hóa cũng sẽ chịu thiệt hại khi người tiêu dùng tìm kiếm mức giá thấp hơn”.
Trong khi đó, 7-Eleven cho biết họ sẽ tiếp tục đầu tư vào thực phẩm tại Mỹ vì đây hiện là danh mục bán chạy nhất và là điểm thu hút khách hàng hàng đầu. Các đối thủ cạnh tranh như Wawa và Sheetz đang được khách hàng đánh giá cao hơn cho các dịch vụ tổng thể của họ, trong khi 7-Eleven xếp hạng thấp hơn nhiều, theo một cuộc khảo sát gần đây.
Kết quả báo cáo tài chính mới nhất của công ty được công bố trong bối cảnh Couche-Tard, chủ sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi Circle-K, vừa đưa ra lời đề nghị mua lại 7-Eleven khi tăng giá thầu thêm 8 tỷ USD, lên mức 47,2 tỷ USD trong tuần này nhằm thâu tóm đối thủ.
Nếu tình hình kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới, không loại trừ việc chuỗi cửa hàng tiện lợi nổi tiếng đến từ Nhật Bản có thể phải “sang tên, đổi chủ”.
Theo CNN
>> 7-Eleven từ chối đề nghị mua lại của Circle K, cho rằng mức giá 39 tỷ USD là quá thấp
Nguyên nhân khiến chuỗi cửa hàng tiện lợi 'quốc dân' 7-Eleven bất ngờ đóng cửa hơn 400 cơ sở
Chuỗi bán lẻ hiện đại lớn nhất Việt Nam được định giá lên tới 2,8 tỷ USD