9 năm và cuộc chơi giữa Novaland và kiểm toán PwC Việt Nam
Sau 9 năm hợp tác với PwC Việt Nam, Novaland (NVL) ghi nhận 87.700 tỷ đồng doanh thu và hàng chục nghìn tỷ lợi nhuận sau thuế.
Kết thúc một thập kỷ với kiểm toán PwC
Ngày 20/11, Tập đoàn Novaland (Mã NVL - HoSE) thông báo chấm dứt hợp đồng kiểm toán với Công ty TNHH PwC Việt Nam sau gần một thập kỷ hợp tác. Đồng thời, tập đoàn ký hợp đồng với Công ty TNHH Kiểm toán và Dịch vụ Tin học Moore AISC để kiểm toán báo cáo tài chính năm 2024.
PwC Việt Nam đã đảm nhận vai trò kiểm toán cho Novaland từ năm 2015, góp phần minh bạch hóa tài chính trong giai đoạn phát triển quan trọng. Tuy nhiên, những vấn đề nảy sinh gần đây đã làm thay đổi mối quan hệ này. PwC từng nêu ý kiến nhấn mạnh về sáu giả định hoạt động liên tục trong báo cáo tài chính hợp nhất 2022 và 2023.
Đầu năm nay, Novaland chậm công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên, giải thích do khối lượng giao dịch và hồ sơ chứng từ tăng cao. Tập đoàn cũng nhận xét rằng dịch vụ kiểm toán của PwC không đáp ứng được yêu cầu tiến độ, dẫn đến việc Novaland chậm công bố thông tin, bị HoSE cảnh báo và cắt margin.
Việc lựa chọn Moore AISC làm công ty kiểm toán mới được Novaland đánh giá dựa trên tiêu chí uy tín, năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản. Moore AISC là thành viên của Moore Global Network Limited, một trong những mạng lưới kế toán – kiểm toán hàng đầu thế giới, với trụ sở chính tại London.
Động thái này đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong chiến lược kiểm toán của Novaland, kỳ vọng cải thiện hiệu quả và tuân thủ quy định công bố thông tin trong thời gian tới.
Có gì sau 10 năm?
Đến cuối năm 2023, Novaland - doanh nghiệp được điều hành bởi Chủ tịch Bùi Thành Nhơn và nhóm cổ đông liên quan - có quy mô tài sản 241.500 tỷ đồng, đứng Top 3 trong nhóm doanh nghiệp bất động sản trên sàn chứng khoán, sau Vinhomes (VHM) và Vingroup (VIC).
>> Novaland (NVL) sẽ cấp hơn 7.000 sổ hồng thuộc các dự án đắc địa tại trung tâm TP. HCM
Trước đó, ghi nhận tại thời điểm báo cáo tài chính của doanh nghiệp bắt đầu được kiểm toán bởi PwC Việt Nam (năm 2015), quy mô Novaland khi đó chỉ gần 26.600 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau 9 năm, tổng tài sản của tập đoàn đã tăng hơn 9 lần.
Đây cũng là giai đoạn doanh nghiệp hóa người khổng lồ. Bên cạnh các thông số về tài sản, lượng tiền mặt, hàng tồn kho và giá trị các khoản phải thu của Novaland đều tăng mạnh. Chiều ngược lại trên bảng cân đối kế toán, vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu và nợ phải trả của tập đoàn cũng tăng bằng lần.
Số liệu cập nhật tại báo cáo tài chính hợp nhất cuối quý III/2024, Novaland ghi nhận nợ phải trả giảm nhẹ xuống 191.400 tỷ đồng, trong đó dư nợ vay tài chính tăng nhẹ lên mức 60.000 tỷ đồng, với tỷ lệ nợ phải trả và nợ vay trên vốn chủ sở hữu lần lượt ở mức 4,7 lần và 1,5 lần. Được biết, chỉ trong 6 tháng đầu năm, tập đoàn đã vốn hóa gần 3.000 tỷ đồng chi phí lãi vay.
Trước đó, giai đoạn 2020-2022, báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Novaland thể hiện việc tập đoàn vay rất nhiều để tăng đòn bẩy tài chính, với các khoản vay lần lượt là 30.263 tỷ đồng, 20.460 tỷ đồng và 30.149 tỷ đồng (tổng cộng vay 81.000 tỷ đồng), vượt xa mức chi trả nợ gốc. Đó cũng là thời kỳ Novaland tích cực huy động vốn và mở rộng tài sản.
>> Bài học đầu tư từ Top 3 cổ phiếu có EPS âm nặng nhất nhóm BĐS: NVL, LDG, LEC
Hiện tại, khả năng tiếp cận nguồn vốn mới của Novaland gặp nhiều khó khăn do kinh doanh sa sút và một số dự án lớn gặp vướng mắc pháp lý. Giá cổ phiếu NVL giảm từ mức 80.000 đồng về khoảng 10.000 đồng, ảnh hưởng đến giá trị tài sản thế chấp của công ty.
Bên cạnh đó, 212.000 tỷ đồng trong tổng số 232.000 tỷ đồng tài sản của Novaland bị mắc kẹt trong tồn kho và các khoản phải thu, phản ánh sự mất cân đối trong phân bổ tài sản. Đây cũng là hậu quả trực tiếp của giai đoạn tăng trưởng thiếu kiểm soát trước đó.
9 năm, gần 21.000 tỷ đồng lợi nhuận và một đợt chia cổ tức
Xét về thành tích kinh doanh, tập đoàn được điều hành bởi ông Bùi Thành Nhơn ghi nhận chuỗi tăng doanh thu 2015-2018 từ 6.700 tỷ đồng lên mức đỉnh 15.600 tỷ đồng. Đến năm 2020, doanh thu chia ba còn hơn 5.200 tỷ đồng trước khi tăng đột biến trở lại gần 15.000 tỷ đồng trong năm 2021 khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh.
Kịch bản kinh doanh lặp lại trong giai đoạn 2022, 2023 khi biến cố trái phiếu và thị trường chứng khoán điều chỉnh mạnh, thị trường địa ốc đóng băng, trong khi nhiều dự án gặp vướng mắc pháp lý khiến doanh số Novaland giảm sâu, kết năm 2023 chỉ đạt gần 4.800 tỷ đồng.
9 tháng năm 2024, dù ghi nhận tín hiệu phục hồi khả quan so với cùng kỳ, doanh thu thuần của Novaland cũng chỉ ở mức 4.300 tỷ đồng. Đi kèm với đó là khoản lỗ sau thuế gần 4.400 tỷ đồng, điều chưa từng có trong lịch sử kể từ khi thành lập doanh nghiệp.
Sau 9 năm hợp tác với PwC Việt Nam trong việc soát xét, kiểm toán các báo cáo tài chính (2015-2023), Novaland tạo ra 87.700 tỷ đồng doanh thu, lãi sau thuế hơn 20.800 tỷ đồng, biên lãi ròng đạt 23,8%. Đỉnh cao lợi nhuận của tập đoàn là mức hơn 3.900 tỷ đạt được trong năm 2020.
Với việc dồn lực cho việc mở rộng quy mô, trong giai đoạn kể trên, Novaland chỉ có một lần trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông với tỷ lệ 31%, thực hiện cuối tháng 12/2021.
>> Novaland (NVL) 'vỗ béo' tài sản bằng 81.000 tỷ đồng đi vay, giờ phải bán tài sản để trả nợ