90 ngày đình chiến: Nhà máy Trung Quốc ‘chạy đua từng phút’, cước tàu lập đỉnh
Một thỏa thuận đình chiến thương mại tạm thời giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã ngay lập tức tạo ra làn sóng sôi động tại các cảng biển và nhà máy Trung Quốc.
Trong tuần bắt đầu từ ngày 12/5, khi Mỹ và Trung Quốc nhất trí giảm mạnh thuế quan trong vòng 90 ngày, lượng đặt chỗ trên các tàu hàng từ Trung Quốc sang Mỹ đã tăng vọt hơn gấp đôi so với tuần trước, đạt khoảng 228.000 TEU (đơn vị tương đương container 20 feet), theo dữ liệu từ nền tảng theo dõi container Vizion và nhà cung cấp dữ liệu Dun & Bradstreet.
Không chỉ tăng về lượng, giá cước vận chuyển cũng leo thang. Cước tàu hàng tuyến Thượng Hải – Los Angeles tăng 16%, mức tăng mạnh nhất trong năm nay, lên 3.136 USD cho mỗi container 40 feet trong tuần kết thúc vào ngày 15/5, theo Chỉ số container thế giới Drewry. Chỉ số giá cước vận chuyển tổng hợp toàn cầu cũng ghi nhận mức tăng cao nhất kể từ đầu năm.

Nhu cầu tăng mạnh không chỉ giới hạn ở đường biển. Số chuyến bay chở hàng quốc tế cũng tăng gần 18%, theo số liệu từ Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc.
Theo ông Jayendu Krishna, Giám đốc tại Drewry Maritime Services, đợt tăng đột biến này là kết quả của làn sóng “chạy trước” nhằm tránh đợt áp thuế mới từ Mỹ, tận dụng khoảng trống 90 ngày đình chiến. Đây cũng là giai đoạn quan trọng để chuẩn bị hàng cho mùa mua sắm cuối năm – hàng hóa thường mất khoảng một tháng để cập bến Mỹ, trong khi các nhà bán lẻ đang cạn dần lượng tồn kho vì bất ổn thương mại kéo dài.
“Sự gia tăng đơn hàng hiện nay có thể khiến chuỗi cung ứng gián đoạn trong vòng hai đến ba tháng tới, trừ khi ông Trump lại bất ngờ tung ra đòn thuế mới,” ông Krishna nhận định.
Tại Quảng Đông, nhà máy nơi ông Trần Lỗi (Chen Lei) làm việc – chuyên sản xuất các thiết bị gia dụng như máy pha cà phê, lò nướng, bàn ủi, máy tạo độ ẩm – đang nhận được loạt đơn đặt hàng từ Mỹ vốn từng bị hoãn hồi tháng 4. Doanh nghiệp này là nhà cung cấp cho những cái tên lớn như Royal Philips NV và Walmart.
“Máy móc trong nhà máy đang vận hành suốt ngày đêm. 90 ngày là quá ngắn – sản xuất, vận chuyển, không thể chậm phút nào”, ông Trần nói.

Tập đoàn vận tải biển A.P. Moller-Maersk A/S – một trong những hãng tàu lớn nhất hoạt động trên tuyến xuyên Thái Bình Dương – cũng thông báo tăng thêm công suất ngay sau khi thỏa thuận đình chiến được công bố.

Tuy nhiên, bất chấp sự phục hồi gần đây, tổng khối lượng vận chuyển vẫn tương đương cùng kỳ năm ngoái, cho thấy nhiều nhà bán lẻ vẫn còn do dự hoặc đã dự trữ hàng hóa từ trước.
Theo dữ liệu từ HSBC và Flexport, các hãng tàu cũng đang khôi phục lại công suất từng bị cắt giảm, với tỷ lệ chuyến bị hủy (voided sailings) giảm còn 13% tính đến ngày 26/5, từ mức 25% chỉ một tuần trước đó.
Một loạt số liệu thương mại vừa được công bố từ khắp châu Á càng cho thấy tác động sâu rộng từ chính sách thương mại khó lường của chính quyền Trump.

Tại Hàn Quốc, giá trị xuất khẩu trong 20 ngày đầu tháng 5 giảm 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu sang Mỹ giảm khoảng 15%. Tại Nhật Bản, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 4 chỉ tăng 2% – mức tăng yếu nhất trong vòng 7 tháng, theo số liệu công bố hôm thứ Tư.