AI thúc đẩy “đại dịch” lừa đảo tài chính trực tuyến
Ken Gamble, nhà đồng sáng lập đơn vị điều tra tội phạm mạng IFW Global, cho biết trí tuệ nhân tạo (AI) đang khiến các vụ lừa đảo trở nên tinh vi hơn và khó ngăn chặn hơn.
Các chuyên gia an ninh mạng cảnh báotrí tuệ nhân tạo (AI) đang thúc đẩy nạn lừa đảo tài chính trực tuyến đến mức không thể kiểm soát.
Đánh giá này đi kèm với cuộc điều tra AAP FactCheck về các vụ lừa đảo tiền điện tử nhắm vào các nước thuộc quần đảo Thái Bình Dương.
AAP FactCheck đã phân tích hơn 100 tài khoản Facebook tự mô tả là các nhà giao dịch tiền điện tử, quảng bá bản thân tới cư dân của các quốc gia như Papua New Guinea, Fiji và quần đảo Solomon.
Một loạt cuộc kiểm tra thực tế đã vạch trần các phương pháp lừa đảo, bao gồm việc sử dụng hình đại diện giả danh, thông báo ngân hàng giả mạo và tuyên bố sai sự thật về việc đang làm việc cho các tổ chức tài chính hàng đầu.
Các chuyên gia cho rằng các quốc đảo Thái Bình Dương trở thành mục tiêu do trình độ hiểu biết về tài chính và truyền thông kém, cộng với việc cơ quan thực thi pháp luật được trang bị yếu kém, nhưng vấn đề không dừng lại trong phạm vi đó, mà đây là một vấn đề toàn cầu.
Năm 2022, người Australia đã mất hơn 3 tỷ AUD (gần 2 tỷ USD) vì các vụ lừa đảo, trong đó có 377 triệu AUD (246 triệu USD) liên quan đến các kế hoạch đầu tư gian lận.
Ken Gamble, nhà đồng sáng lập đơn vị điều tra tội phạm mạng IFW Global, cho biết trí tuệ nhân tạo (AI) đang khiến các vụ lừa đảo trở nên tinh vi hơn và khó ngăn chặn hơn.
Theo ông, hiện có một “đại dịch” lừa đảo trên thế giới và AI đang bắt đầu được dùng trong các trò lừa đảo này, đẩy nhanh cách thức tiếp thị những trò gian lận này trên mạng xã hội.
Kết quả là các trò lừa đảo đó có thể được tạo ra nhanh hơn tốc độ chúng có thể bị dập tắt và theo đó rất khó kiểm soát.
Ông Gamble cho biết những đối tượng lừa đảo cũng đang tận dụng AI để nắm bắt ngôn ngữ địa phương, giúp chúng tiếp cận được mọi quốc gia trên Trái Đất.
Theo ông, quần đảo Thái Bình Dương là mục tiêu đặc biệt hấp dẫn vì những kẻ lừa đảo biết rằng những quốc gia này có cơ chế thực thi pháp luật hạn chế, không có thời gian, không có đào tạo chuyên môn và nguồn lực để điều tra.
Ông Dan Halpin - chuyên gia thuộc Cybertrace, một công ty điều tra lừa đảo qua mạng có trụ sở tại Sydney - cho rằng một phản ứng phối hợp toàn cầu là điều cần thiết để giải quyết vấn đề.
Điều này không chỉ bao gồm các cơ quan thực thi pháp luật như cảnh sát địa phương và các cơ quan quốc tế như Interpol mà còn liên quan đến việc nâng cao nhận thức của công chúng, tăng cường khuôn khổ pháp lý và thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia.
Theo ông, việc nâng cao trình độ hiểu biết về mạng Internet trong vùng cũng rất cần thiết.
Nếu những vấn đề này không được coi là ưu tiên hàng đầu, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn, và những tiến bộ vượt bậc trong AI càng làm cho vấn nạn lừa đảo nghiêm trọng hơn.