Tài chính Ngân hàng

Bancassurance: Sau mùa trăng mật, đến ngày chia tay

Lệ Giang 10/10/2024 - 10:30

Bancassurance – hình thức hợp tác giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm đã từng là một trong những mô hình phân phối bảo hiểm phổ biến nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển mạnh mẽ, mối quan hệ này đang trải qua những thay đổi lớn khi ngày càng nhiều ngân hàng và công ty bảo hiểm lựa chọn "chia tay".

Bancassurance- ngọt ngào và man trá

Bancassurance (bán bảo hiểm qua ngân hàng) là hình thức hợp tác nở rộ từ năm 2017, với loạt thương vụ ký kết độc quyền dài hạn (15 - 20 năm) giữa ngân hàng và các hãng bảo hiểm nhân thọ. Nhiều hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền lớn đã được các ngân hàng và công ty bảo hiểm ký kết. Nhiều cuộc “hôn nhân” giá trị lớn giữa 2 bên đã gieo “quả ngọt” trong nhiều năm như Vietcombank ký hợp đồng hợp tác với FWD có giá trị 1 tỷ USD, hợp đồng bảo hiểm độc quyền 15 năm giữa MSB và Prudential, ACB kết hợp với Sunlife, VietinBank và Manulife…

Hoạt động bancassurance cũng trở một nguồn thu quan trọng đối với các ngân hàng và DN bảo hiểm. Tuy nhiên, sau thời gian tăng trưởng nóng, nhiều vấn đề của kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm này đã phát sinh. Tại nhiều cuộc Họp báo thường kỳ, bà Phạm Thu Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), cho biết Cục đã hoàn thành việc thanh tra doanh nghiệp bảo hiểm năm vừa qua.

Theo đó, các sai phạm chủ yếu liên quan đến việc ban hành quy chế, quy trình giám sát đại lý bảo hiểm chưa tuân thủ đúng quy định, công tác quản lý và sử dụng đại lý bảo hiểm còn sai phạm và hạch toán, kế toán nhiều sơ suất.

Các hành vi sai phạm đã được Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm rà soát kỹ và xử phạt vi phạm hành chính. Với những sai phạm liên quan đến xử lý thuế, Cục phối hợp với cơ quan thuế để yêu cầu doanh nghiệp thực hiện và xử phạt các sai phạm theo quy định của pháp luật.

Trước đó, ngày 30/6/2023, Bộ Tài chính công bố kết quả thanh tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đối với 4 công ty bảo hiểm là: Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife. Theo kết luận thanh tra, Bộ Tài chính yêu cầu 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ gồm Prudential, Sun Life, BIDV Metlife, MB Ageas bổ sung hàng trăm tỷ đồng vào doanh thu để tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Số tiền này do doanh nghiệp hạch toán chi phí chưa đúng quy định.

Đơn cử, Kết luận thanh tra về việc thanh tra chuyên đề tại Công ty TNHH BHNT Prudential Việt Nam đã chỉ ra hàng loạt sai phạm, trong đó có sai phạm liên quan đến việc bán bảo hiểm đã được chỉ ra. Theo kết quả thanh tra, về các trường hợp đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng không thực hiện đúng quy định trong quá trình triển khai bán bảo hiểm. Qua thanh tra chọn mẫu, phát hiện 39 trường hợp đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định trong quá trình triển khai bán bảo hiểm.

Cụ thể, có 4 đại lý bảo hiểm cá nhân, 13 nhân viên ngân hàng chưa triển khai đúng trình tự, thủ tục, các bước thực hiện bán sản phẩm bảo hiểm do Công ty Prudential Việt Nam quy định. Có 3 đại lý bảo hiểm cá nhân, 3 nhân viên ngân hàng chưa thực hiện đúng quy định về quản lý thu phí bảo hiểm. Có 3 đại lý bảo hiểm cá nhân, 3 nhân viên ngân hàng chưa bảo đảm chất lượng tư vấn về sản phẩm bảo hiểm, chưa thu thập chính xác thông tin của khách hàng trong quá trình tư vấn sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng theo quy định của Công ty Prudential Việt Nam.

Những cuộc chia tay

Có thể thấy, với bancassurance, các ngân hàng và công ty bảo hiểm hợp tác để tận dụng lợi thế của nhau. Ngân hàng cung cấp mạng lưới khách hàng rộng lớn và hệ thống chi nhánh trải dài, trong khi các công ty bảo hiểm mang đến sản phẩm tài chính bổ sung. Sự kết hợp này nhanh chóng trở thành kênh phân phối chính của nhiều công ty bảo hiểm lớn, thúc đẩy doanh thu cho cả hai bên.

Tuy nhiên hiện nay, nhiều dấu hiệu cho thấy mô hình này đang dần qua thời hoàng kim, đến giai đoạn tan rã. Theo các chuyên gia, sự tan rã này không chỉ vì hợp đồng hết hạn mà còn do những yếu tố phức tạp khác. "Có nhiều nguyên nhân, có thể bất đồng về lợi nhuận, hiệu quả kinh doanh không đạt kỳ vọng, quy định mới trong ngành, cho đến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các ngân hàng và công ty bảo hiểm," chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận xét.

Ngoài các yếu tố kinh tế, một số vụ việc pháp lý, tranh chấp giữa khách hàng và công ty bảo hiểm, hay lùm xùm về tính minh bạch của sản phẩm đã làm mất lòng tin của ngân hàng. Điều này thúc đẩy họ suy nghĩ lại về việc duy trì hợp tác bancassurance.

Bancassurance: Sau mùa trăng mật, đến ngày chia tay - ảnh 1
Mối quan hệ giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm đang trải qua những thay đổi lớn

Mới đây, Manulife Việt Nam và Techcombank đã quyết định ngừng mối quan hệ đối tác phân phối bảo hiểm độc quyền, kể từ ngày 14/10/2024 sau nhiều thảo luận, cân nhắc kỹ lưỡn. Nguyên nhân đưa ra là do bối cảnh thị trường và chiến lược hai bên có nhiều thay đổi cùng với những yêu cầu mới của Luật kinh doanh bảo hiểm, trong thời gian qua, Manulife Việt Nam và Techcombank đã có những buổi thảo luận về các điều khoản hợp tác nhằm thích ứng với nhu cầu của cả hai bên và đảm bảo lợi ích lâu dài cho khách hàng.

Không chỉ Techcombank, nhiều ngân hàng lớn khác cũng đang cân nhắc việc rút lui khỏi các thỏa thuận hợp tác với các công ty bảo hiểm bởi họ đánh giá lợi ích từ bancassurance không còn lớn như trước, đặc biệt trong bối cảnh các kênh phân phối khác đang phát triển mạnh mẽ.

Thách thức lớn cho công ty bảo hiểm

Theo nhận định của các chuyên gia, việc kết thúc hợp tác bancassurance sẽ tạo ra không ít thách thức cho các công ty bảo hiểm, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường bảo hiểm đang có nhiều biến động.

Khi mất đi kênh phân phối quan trọng là ngân hàng, các công ty bảo hiểm sẽ buộc phải nhanh chóng tìm kiếm các kênh phân phối thay thế. Điều này có thể bao gồm việc phát triển đội ngũ tư vấn viên mạnh mẽ hơn, nhằm trực tiếp tiếp cận khách hàng thông qua tư vấn cá nhân. Đồng thời, các công ty bảo hiểm cũng phải chú trọng đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến, khai thác tối đa tiềm năng của công nghệ số để tăng cường hiệu quả bán hàng, trong bối cảnh nhu cầu mua bảo hiểm qua mạng đang ngày càng gia tăng.

Chuyên gia tài chính Đinh Trọng Thịnh nhận định, khi không còn hợp tác với ngân hàng, các công ty bảo hiểm sẽ đối mặt với áp lực rất lớn về doanh thu. Bancassurance đã từng là một kênh phân phối chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu của các công ty bảo hiểm, do đó việc mất đi kênh này sẽ khiến họ phải điều chỉnh lại toàn bộ chiến lược kinh doanh.

Bancassurance: Sau mùa trăng mật, đến ngày chia tay - ảnh 2
Chuyên gia Kinh tế Đinh Trọng Thịnh

Một số công ty có thể tìm cách ký hợp đồng mới với các ngân hàng khác để tiếp tục tận dụng kênh phân phối quen thuộc. Tuy nhiên, quá trình này không phải là dễ dàng, bởi sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt và việc ký kết hợp đồng mới sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố của thị trường, bao gồm sự hợp tác giữa các bên, yêu cầu pháp lý, cũng như sức ép từ các đối thủ khác.

Cũng theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, trong bối cảnh đầy thách thức này, các công ty bảo hiểm không thể chỉ dựa vào mô hình bancassurance mà phải chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh để thích nghi với tình hình mới. Ông cho rằng thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào kênh phân phối qua ngân hàng, các công ty bảo hiểm cần tập trung vào việc cải thiện chất lượng dịch vụ và sản phẩm của mình. Điều này không chỉ giúp họ tạo ra giá trị thực sự cho khách hàng, mà còn giúp nâng cao khả năng cạnh tranh trong thị trường đầy biến động.

>> Manulife Việt Nam và Techcombank ngưng hợp tác phân phối bảo hiểm độc quyền

Đóng 20 năm bảo hiểm xã hội nhưng nghỉ trước tuổi hưu, mức lương thế nào?

Quỹ Bảo hiểm xã hội dư hơn 1,24 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2024

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/bao-hiem/bancassurance-sau-mua-trang-mat-den-ngay-chia-tay-127986.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Bancassurance: Sau mùa trăng mật, đến ngày chia tay
POWERED BY ONECMS & INTECH