'Báo động' loạt chỉ số tài chính của Novaland (NVL) sau khoản lỗ 7.327 tỷ vừa công bố
Novaland (NVL) vừa báo lỗ soát xét bán niên 2024 hơn 7.300 tỷ đồng với sự nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục từ phía kiểm toán. Trong bối cảnh dòng tiền eo hẹp và áp lực nợ vay tăng cao, kế hoạch tái cấu trúc trở thành yếu tố sống còn.
Một góc dự án Aqua City tại tỉnh Đồng Nai của Novaland |
Tài sản giảm, tồn kho và các khoản phải trả khổng lồ
Với việc vừa ghi nhận khoản lỗ soát xét bán niên 2024 lên đến 7.327 tỷ đồng (chủ yếu từ khoản trích lập dự phòng tiền thuê đất và tiền sử dụng đất phải nộp tại một dự án hơn 30 ha tại TP. Thủ Đức, TP. HCM), chất lượng tài chính của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland - HoSE: NVL) đã suy giảm rõ rệt.
Tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản của Novaland giảm 2.700 tỷ đồng so với đầu năm, còn 238.800 tỷ đồng; lượng tiền mặt giảm mạnh còn gần 850 tỷ, các khoản tương đương tiền giảm còn 1.300 tỷ đồng.
Ngược lại, giá trị hàng tồn kho và các khoản phải thu đều tăng, đạt lần lượt 144.000 tỷ và hơn 76.000 tỷ đồng. Hàng tồn kho được Novaland sử dụng làm tài sản đảm bảo cho toàn bộ các khoản nợ vay tài chính.
Nợ gia tăng, dòng tiền thanh toán eo hẹp
Theo báo cáo soát xét bán niên 2024, nợ phải trả của Novaland đã tăng, vượt mốc 200.000 tỷ đồng, trong đó vay nợ tài chính lên tới 59.200 tỷ đồng. Tập đoàn cho biết tổng chi phí lãi vay được vốn hóa trong nửa đầu năm là 2.992 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ năm 2023 (6.368 tỷ đồng). Mức lãi suất các khoản vay dao động từ 3,4% đến 16,5%, với lãi suất trung bình là 5,05%.
Nguồn: BCTC soát xét bán niên 2024 của Novaland |
>> Novaland (NVL) lỗ khủng hơn 7.300 tỷ đồng, CTCK dự báo tiếp tục lỗ 3 năm kế tiếp
Theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ, Novaland đã trả tổng cộng 1.019 tỷ đồng chi phí lãi vay, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ chiếm 34% số lãi vay phải trả. Sau 6 tháng, công ty thu về 1.642 tỷ đồng từ việc đi vay - tăng gấp 3 lần so với bán niên 2023. Ngược lại, Novaland đã trả được 911 tỷ đồng nợ gốc, con số này thấp hơn mức gần 4.000 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Áp lực trả nợ vẫn đè nặng trong bối cảnh hàng tồn kho lớn và hàng bán chậm do vướng mắc về pháp lý và quy hoạch. Mới đây, ngày 19/9, Novaland đã phải trả gốc và lãi cho lô trái phiếu NVLH2123009 tổng cộng hơn 800 tỷ đồng, nhưng thực tế chỉ thanh toán được 100 triệu đồng.
Đòn bẩy tài chính ngày một lớn
Với khoản lỗ lớn bán niên 2024, vốn chủ sở hữu của Novaland đã giảm mạnh về dưới mức 38.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng lên mức 5 lần. Tỷ lệ nợ vay tài chính/vốn chủ sở hữu cũng tăng lên 1,56 lần. thậm chí, con số hơn 30.000 tỷ đồng vay nợ ngắn hạn cũng đã bằng 81% vốn chủ sở hữu của tập đoàn.
Đáng nói, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm tới 1.267 tỷ đồng trong nửa đầu năm, dù đã cải thiện so với mức âm 4.565 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Trong khi lưu chuyển tiền thuần hoạt động đầu tư và tài chính đều chuyển biến khả quan, hoạt động kinh doanh bất ngờ âm nặng tới 4.126 tỷ đồng.
Nguồn: Báo cáo lưu chuyển tiền tệ nửa đầu năm 2024 của Novaland |
Mặc dù đã đem về gần 2.300 tỷ đồng doanh thu sau 6 tháng, con số này vẫn thấp hơn 72% so với mức kỷ lục hơn 8.100 tỷ đồng của nửa đầu năm 2019. Kinh doanh dưới giá vốn khiến Novaland lỗ thuần hơn 2.400 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước vẫn lãi 477 tỷ.
Năm 2024, Novaland đặt kế hoạch doanh thu gần 32.600 tỷ đồng và lãi sau thuế 1.080 tỷ đồng, nhưng với tình hình hiện tại, khó có thể đạt được mục tiêu này. Theo phân tích của Chứng khoán TCBS, Novaland được dự báo có thể lỗ trong ba năm 2025-2027 trước khi tình hình kinh doanh khởi sắc vào năm 2028.
>> Novaland (NVL) muốn bán tài sản để xoay tiền, dự thu hơn 1 tỷ USD
Ông Bùi Thành Nhơn và các cổ đông lớn cam kết 'bơm tiền' để Novaland (NVL) có thể duy trì hoạt động
Novaland: Công ty chứng khoán bán giải chấp lượng lớn cổ phiếu NVL