Vĩ mô

Bảo vệ ngành thép trong nước là cần thiết để có một sân chơi bình đẳng

Thành Luân 05/07/2024 - 15:30

Trước sự gia tăng sức ép từ thép Trung Quốc khiến các nhà sản xuất thép Việt Nam đối diện với nguy cơ mất thị trường nội địa. Các chuyên gia nhìn nhận, cần sớm áp thuế chống bán phá giá tạm thời để bảo vệ các doanh nghiệp trong nước.

Chỉ riêng trong 4 tháng đầu năm, lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc tương đương 40% lượng thép sản xuất nội địa.
Chỉ riêng trong 4 tháng đầu năm, lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc tương đương 40% lượng thép sản xuất nội địa.

Lo ngại toàn cầu

Ngành thép Mỹ Latinh đang đối mặt với khủng hoảng do các hoạt động thương mại thiếu công bằng của Trung Quốc khiến thép giá rẻ tràn ngập thị trường. Tình trạng này đe dọa việc làm và sinh kế của các nhà sản xuất trong khu vực.

Hiệp hội Thép Mỹ Latinh (Alacero) đã chỉ ra rằng, sản phẩm thép từ Trung Quốc đang bán phá giá ngành thép trong nước, khiến một số công ty trong khu vực phải đóng băng hoặc tạm ngừng hoạt động và tình trạng này tạo tiền đề cho một quá trình phi công nghiệp hóa trong khu vực. Ngành thép đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế khu vực, tạo ra gần 1,4 triệu việc làm, cả trực tiếp và gián tiếp.

Trước đó, Bộ Công nghiệp sản xuất thép và Bộ Thương mại Ấn Độ cho biết nước này đang thảo luận về việc thép giá rẻ từ Trung Quốc tràn quá nhiều vào thị trường nội địa. Các nhà sản xuất thép của Ấn Độ cũng liên tục kêu gọi chính phủ tăng thuế quan.

Theo một báo cáo, Ấn Độ đã chuyển sang trở thành nước nhập siêu thép trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3. Xu hướng này vẫn kéo dài trong tháng 4 và 5 khi lượng nhập khẩu ở mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Ấn Độ đã nhập khẩu 1,1 triệu tấn thép thành phẩm trong khoảng thời gian từ tháng 4 - 5, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Hiện Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu thép lớn nhất sang Ấn Độ.

Các nhà sản xuất thép lớn của Ấn Độ như Tata Steel, đã coi hàng nhập khẩu của Trung Quốc là "mối lo ngại ngày càng tăng". Các nhà máy thép của Ấn Độ đã nhiều lần kêu gọi sự can thiệp của chính phủ và tăng thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, Bộ Công nghiệp thép đã phản đối với lý do nhu cầu nội địa vẫn đang mạnh mẽ.

Theo thạc sĩ Vật liệu xây dựng Pham Ngọc Trung, Trung Quốc là nước sản xuất thép lớn nhất thế giới, có khoảng 500 nhà máy thép các loại với tổng công suất khoảng 1,17 tỷ tấn thép/năm vào năm 2023. Cho đến cách đây vài năm, nhu cầu trong nước rất mạnh với tiêu thụ trung bình 757 - 775 triệu tấn thép mỗi năm vì cơ sở hạ tầng khi đang có sự tăng trưởng lớn.

Nếu Chính phủ nghiêm túc trong việc làm cho thép "made in Việt Nam" thành công, phải cung cấp một sân chơi bình đẳng và bảo vệ ngành cho đến khi các doanh nghiệp thép có thể làm được điều đó. Bởi vì về lâu dài, cơ sở hạ tầng của Việt Nam sẽ chỉ phát triển nhờ thép nội, giống như trường hợp của các nước khác. Trung Quốc – giống như Nhật Bản, Hàn Quốc và Bắc Mỹ đã xây dựng cơ sở hạ tầng bằng thép nội địa" - Chuyên gia về vật liệu xây dựng, thạc sĩ Phạm Ngọc Trung

Tuy nhiên, nhu cầu thép trong nước đã bắt đầu giảm bởi thị trường bất động sản đình trệ. Do đó các nhà sản xuất thép nước này có nhiều thép hơn để cung cấp trên thị trường quốc tế và bị thúc đẩy bởi áp lực phải duy trì hoạt động của ngành và họ cũng nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ.

"Do nguồn cung thép lớn hơn nhiều so với nhu cầu trong nước, các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã bắt đầu bán phá giá thép ở thị trường nước ngoài. Các thị trường xuất khẩu chính của họ ngoài Ấn Độ là Trung Đông, Đông Nam Á, châu Âu và các thị trường khác. Một số quốc gia, bao gồm Mỹ, Canada và Brazil đã đưa ra các hạn chế nhập khẩu thép từ Trung Quốc. Các thị trường như châu Á, Trung Đông, châu Phi và Đông Âu gần như tràn ngập thép Trung Quốc" - thạc sĩ Phạm Ngọc Trung cho hay.

Nguy cơ mất thị trường nội

Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam Nghiêm Xuân Đa nhìn nhận, với đà phục hồi ngành thép trong nước hiện nay, dự báo sản xuất thép thành phẩm năm 2024 có thể đạt 30 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023. Tuy nhiên, sự phục hồi này không chắc chắn và các doanh nghiệp thép còn gặp nhiều khó khăn.

Trung Quốc tiếp tục gia tăng xuất khẩu thép, các nhà sản xuất thép Việt Nam đối diện với nguy cơ mất thị trường nội địa. Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, 5 tháng đầu năm 2024, nước này xuất khẩu 45 triệu tấn thép, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Thép Trung Quốc tiếp tục ồ ạt vào thị trường Việt Nam. Riêng 4 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu thép hơn 5,4 triệu tấn, tăng 42% so với năm trước. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu thép từ Trung Quốc 3,7 triệu tấn, chiếm 68% tổng lượng nhập khẩu.

Sự gia tăng của bảo hộ sản xuất trên toàn thế giới khi các nước đều tăng cường các “hàng rào” kỹ thuật, phòng vệ thương mại ngăn cản thép nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước cũng là lực cản không nhỏ đối với việc xuất khẩu thép cuả Việt Nam hiện nay.

“Thêm vào đó, tình trạng “cung vượt cầu” của nhiều sản phẩm thép trong nước cùng sự gia tăng thép nhập khẩu sẽ làm cho sự cạnh tranh về giá cả mặt hàng thép thành phẩm nội địa trở nên khốc liệt hơn. Thị trường thế giới nhiều bất ổn, giá cước vận tại quốc tế tăng… cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp ngành thép” - ông Nghiêm Xuân Đa nói.

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng có hiện tượng bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ do tốc độ giảm giá thép nhập khẩu từ Trung Quốc có xu hướng nhanh hơn so với giá bán trong nước.

Cụ thể, giá bán trong nước chỉ giảm 17%, trong khi giá nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 28% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy tác động ép giá của thép mạ nhập khẩu từ Trung Quốc với biên độ >2% trong giai đoạn 2022 - 2024.

BSC kỳ vọng sớm nhất vào tháng 12/2024 áp thuế chống bán phá giá tạm thời. Dựa trên các vụ việc trước đó, BSC cho rằng sẽ cần 6 - 8 tháng để Bộ Công Thương có kết luận sơ bộ ví dụ vụ việc áp thuế chống bán phá giá thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc năm 2016 mất 8 tháng kể từ ngày khởi xướng.

Ngày 14/6/2024, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Theo trình tự, Bộ Công Thương sẽ gửi Bản câu hỏi rà soát tới các đơn vị liên quan sau 15 ngày kể từ ngày khởi xướng. Đây sẽ là cơ sở để đưa ra kết luận sơ bộ điều tra. Thời kỳ điều tra để xác định hành vi bán phá giá (POI) 1/4/2023 – 31/3/2024.

>> Doanh nghiệp thép đầu tiên công bố điều chỉnh giảm giá bán

Dự báo KQKD QII/2024 của ngành thép: ‘Sáng cửa’ phục hồi, Hòa Phát có thể lãi 3.290 tỷ đồng

Chứng khoán Shinhan: Ngành thép ‘đi qua mùa đông’ với 4 động lực thúc đẩy

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/bao-ve-nganh-thep-trong-nuoc-la-can-thiet-de-co-mot-san-choi-binh-dang.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Bảo vệ ngành thép trong nước là cần thiết để có một sân chơi bình đẳng
POWERED BY ONECMS & INTECH