Bất chấp 'ế' vốn, lãi suất liên ngân hàng vẫn tăng, do đâu?

23-02-2024 10:42|Trâm Anh

Trong khi tăng trưởng tín dụng giảm, các ngân hàng vẫn gia tăng vay mượn lẫn nhau trên thị trường liên ngân hàng.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm trong phiên 21/2/2024 ở mức 4,14%/năm, tăng 1,99 điểm % so với phiên liên trước (20/2). Đây là mức lãi suất cao nhất kể từ cuối tháng 5/2023.

Diễn biến lãi suất liên ngân hàng từ tháng 3/2023 đến nay
Diễn biến lãi suất liên ngân hàng từ tháng 3/2023 đến nay

Lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã bắt đầu có dấu hiệu nhích lên kể từ phiên giao dịch đầu tuần này (19/2). Ngay sát kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, lãi suất liên ngân hàng qua đêm cũng đã từng lên 2,38%/năm, mức cao nhất kể từ cuối tháng 10/2023.

>> NHNN tiếp tục 'bơm vốn' qua kênh OMO lần thứ 2 sau Tết

Hiện lãi suất qua đêm đang cao hơn cả những lãi suất kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống, có thể là dấu hiệu cho thấy thị trường đang khát thanh khoản ngắn hạn. Lãi suất kỳ hạn 1 tuần trong phiên 21/2 ở mức 3,81%/năm, tăng 1,57 điểm %, trong khi lãi suất hai tuần là 3,02%/năm, tăng 1,08 điểm %.

Lãi suất các kỳ hạn dài hơn như 1 tháng với 3 tháng gần như không có sự thay đổi quá lớn, lần lượt ở mức 2,55%/năm và 3,15%/năm. Trong đó, lãi suất 3 tháng còn giảm 0,32 điểm % so với phiên 20/2.

Lãi suất qua đêm vọt lên 4,14%/năm, cao hơn tất cả các lãi suất dưới 6 tháng. (Ảnh: SBV)
Lãi suất qua đêm vọt lên 4,14%/năm, cao hơn tất cả các lãi suất dưới 6 tháng (Nguồn: SBV)

Vì sao ngân hàng tăng vay mượn lẫn nhau?

Tăng trưởng tín dụng tháng đầu năm nay sụt giảm cho thấy lượng vốn cho vay ra của các ngân hàng khá thấp. Song song đó, các nhà băng cũng tiếp tục giảm lãi suất tiết kiệm cho thấy họ không có nhu cầu thu hút quá nhiều dòng vốn từ người dân. Thế nhưng, vay mượn giữa các nhân hàng vẫn tăng.

Giải thích thực trạng này, PGS - TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP. HCM, cho hay theo tìm hiểu, một số ngân hàng bị thiếu thanh khoản theo quy định tỷ lệ thanh khoản 30 ngày (khả năng chi trả trong 30 ngày) nên phải vay mượn trên thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) để bổ sung. Đặc biệt, nhiều nhà băng đã "chạy" tăng trưởng tín dụng trong những ngày cuối năm 2023. Hơn nữa, việc thiếu hụt thanh khoản này chỉ ngắn hạn khi các nhà băng đã dự báo được nên chỉ vay qua thị trường 2 với lãi suất vẫn thấp hơn nếu huy động từ người dân (thị trường 1).

Trong khi đó, chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng thị trường liên ngân hàng hoàn toàn tách biệt với thị trường 1 giữa ngân hàng với người dân. Trên thị trường liên ngân hàng, hoạt động vay mượn qua đêm gia tăng có thể do một số nhà băng tạm thời bị thiếu hụt lượng tiền trong tài khoản dự trữ bắt buộc tại Ngân hàng Nhà nước. Hoặc có nhiều hoạt động giao dịch chỉ diễn ra trên thị trường liên ngân hàng nên các nhà băng cũng sẽ vay mượn lẫn nhau hoặc vay của Ngân hàng Nhà nước để thanh toán. Những khoản vay mượn đó chỉ diễn ra chủ yếu qua đêm hay kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần mà không "đụng" đến việc huy động tiền gửi của người dân…

>> Techcombank tiếp tục giảm lãi suất huy động từ ngày 21/2

Reuters: Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 6

Lãnh đạo ngân hàng Big4 giải thích lí do tín dụng tăng trưởng chậm

Lãi suất ngân hàng OCB mới nhất tháng 2/2024

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/bat-chap-e-von-lai-suat-lien-ngan-hang-van-tang-do-dau-223960.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Bất chấp 'ế' vốn, lãi suất liên ngân hàng vẫn tăng, do đâu?
POWERED BY ONECMS & INTECH