Nửa đầu năm 2023 khá trầm lắng, nhưng hầu hết các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đều đặt mục tiêu tăng trưởng tích cực cho năm tài chính 2023.
Chứng khoán Mirae Asset vừa có báo cáo phân tích ngành Bất động sản Khu công nghiệp trong bối cảnh có nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ. Theo MAS, những sự khó khăn của nền kinh tế chung trên toàn cầu đã và đang giảm dần (lạm phát hạ nhiệt), điều này sẽ là nền tảng hỗ trợ cho đà tăng trưởng lợi nhuận của các nhà phát triển KCN thông qua sự phục hồi của dòng vốn FDI; đặc biệt là đối với những nhà phát triển có quỹ đất lớn sẵn sàng cho thuê. Cụ thể:
Dòng vốn đảo chiều, Việt Nam vẫn là điểm đến lý tưởng.Trong bối cảnh lạm phát thế giới đang hạ nhiệt một cách rõ ràng, Mirae Asset cho rằng Việt Nam sẽ có nhiều dư địa hơn cho việc quản lý và điều tiết kinh tế vĩ mô trong 2 tháng cuối 2023, và điều này sẽ khuyến khích dòng vốn FDI nhanh chóng quay trở lại.
Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 lần thứ 49 vào năm 2023 có thể là một bước ngoặt cho nền kinh tế Việt Nam. Điều này cũng phản ánh rằng môi trường chính trị đã có sự thuận lợi hơn và có thể là tín hiệu cho dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh hơn.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI), dù tổng vốn nước ngoài giảm so với cùng kỳ năm trước trong 5 tháng 2023, nhưng mức độ giảm đã được thu hẹp do sự tăng trưởng mạnh mẽ của vốn đầu tư mới và góp vốn thông qua mua cổ phần so với cùng kỳ. Tổng vốn đăng ký FDI trong 5/2023 ghi nhận vượt trội với 5,26 tỷ USD (+27.8% so cùng kỳ).
Nguồn: MAS |
Dựa trên số liệu vốn nước ngoài đăng ký, các nhà đầu tư Đài Loan, phần lớn là các nhà sản xuất linh kiện điện tử, đang tích cực xem xét mở rộng chuỗi cung ứng của tại thị trường Việt Nam. Ngoài ra, ngày càng có nhiều các công ty Trung Quốc khởi động hoặc mở rộng các dự án sản xuất tại Việt Nam, nhờ vào hàng loạt thỏa thuận thương mại tự do và chi phí lao động cạnh tranh.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam yêu cầu được cung ứng năng lượng sạch cho sản xuất, Nhà nước đã bổ sung những chính sách hỗ trợ. Chủ trương thí điểm Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA) và Quy hoạch điện VIII đã thể hiện rõ định hướng phát triển năng lượng tái tạo và hướng đến việc cung cấp tín chỉ carbon.
Bộ Tài nguyên và Môi trường hiện đang xây dựng dự thảo về "Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam". Theo đó, kể từ năm 2025, Việt Nam sẽ bắt đầu tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon với kỳ vọng triển khai chính thức vào năm 2028.
Đây là cơ hội cho doanh nghiệp sở hữu quỹ đấy lớn tại các vùng kinh tế trọng điểm, đặc biệt là thị trường phía Bắc.
Chiến lược “Trung Quốc +1" sẽ mở ra cơ hội cho các khu công nghiệp (KCN) miền Bắc. Các doanh nghiệp có sở hữu quỹ đất nằm ở khu vực phía Bắc là đối tượng được hưởng lợi chính trong xu hướng này nhờ: 1) các lợi thế liên quan đến thời gian giao hàng, và chuỗi cung ứng sẵn có với thị trường Trung Quốc; 2) Xung đột thương mại giữa Mỹ Trung và căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan có thể sẽ đẩy nhanh quá trình dịch chuyển các nhà máy sản xuất; 3) Các dự án lớn sẽ kéo theo các doanh nghiệp vệ tinh. Nhiều dự án mới dự kiến cam kết sẽ đầu tư vào VN trong thời gian tới như LG (4 tỷ USD), Foxconn (300 triệu USD), ...
Theo chia sẻ của lãnh đạo IDC, hiện các nhà sản xuất linh kiện điện tử tại thị trường Đài Loan rất quan tâm đến thị trường Việt Nam cũng như có kế hoạch về việc sẽ mở rộng đầu tư tại thị trường KCN miền Bắc. Theo kết quả khảo sát, có đến hơn tới 42% các doanh nghiệp ưu tiên đầu tư tại Việt Nam trong tương lai.
IDC, KBC, VGC sở hữu quỹ đất lớn |
Trong đó, Mirae Asset đánh giá cao tiềm năng thu hút đầu tư của các doanh nghiệp đầu ngành như IDC, VGC, KBC và BCM, với quỹ đất lớn nằm tại các khu vực kinh tế trọng điểm. Bên cạnh đó, việc sở hữu tệp khách hàng gồm các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Hyosung, Foxconn... với kế hoạch tăng cường hợp tác mở rộng đầu tư sắp tới là một lợi thế khi dòng vốn mới sẽ ưu tiên thuê đất tại các KCN mà các công ty hay tập đoàn đa quốc gia đã đề cập có cơ sở sản xuất.
Mặc dù thị trường trong giai đoạn nửa đầu năm 2023 khá trầm lắng, nhưng hầu hết các tổ chức đều đặt mục tiêu tăng trưởng tích cực cho năm tài chính 2023.
Dựa trên mục tiêu doanh thu năm 2023 và kết quả Q1/2023, các nhà phát triển khu công nghiệp kỳ vọng đạt được tăng trưởng doanh thu 22% so với cùng kỳ trong giai đoạn 9 tháng cuối năm 2023 để đạt được mục tiêu cả năm. Điều này cho thấy sự tự tin của các doanh nghiệp trong ngành về sự phục hồi của thị trường trong nửa cuối năm 2023, khi kế hoạch cho năm 2023 đã được đưa ra tại ĐHĐCĐ diễn ra vào tháng 4-5 năm 2023, sau khi công bố kết quả Q1/2023.
KBC dự kiến tăng trưởng vượt bậc giai đoạn cuối năm 2023 |
KBC dự đón dòng vốn mạnh trong năm 2023 |
Tầm nhìn dài hạn, dòng vốn đầu tư công là nhân tố hỗ trợ phát triển KCN: Việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong giai đoạn 2023-2025, với mục tiêu hoàn thành 1.600 km đường cao tốc trong 3 năm. Việc phát triển cơ sở hạ tầng sẽ gia tăng sự hấp dẫn của các KCN trong dài hạn, thông qua việc tối ưu hóa chi phí hoạt động, chi phí vận chuyển.