Chiến lược 'kéo Mỹ' thoát khỏi khủng hoảng có thể khiến toàn bộ nền kinh tế thế giới gặp 'biến cố'?

11-06-2024 08:46|Bạch Linh

Liệu Mỹ thu “lợi ích” có phải là “nỗi đau” toàn cầu hay không?

Những “vết nứt” và “vòng luẩn quẩn” trong nền kinh tế

Một lần nữa, chúng ta lại ở thời khắc quan trọng trong quá trình phục hồi của kinh tế thế giới. Mọi thứ cần xảy ra “đúng”, nếu không thị trường toàn cầu sẽ vô cùng hỗn loạn.

Trong 4 năm qua, thế giới đều đồng tình rằng nỗ lực trước mắt là giảm bớt nỗi đau kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, nối tiếp là đối phó với đợt lạm phát lịch sử xảy ra ngay sau đó.

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các Ngân hàng Trung ương trên thế giới đã đưa lãi suất về 0 - giống như cách mà họ đã làm trong cuộc khủng hoảng tài chính.

Sau đó, khi lạm phát gia tăng, các NHTW lại bắt đầu tăng lãi suất với tốc độ nhanh chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ. Họ xử lý tất cả mọi vấn đề nhằm đảm bảo thị trường vẫn ổn định và nằm trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, có vẻ thế giới đang có nguy cơ không còn “đồng bộ” nữa, theo Business Insider (BI).

Chiến lược 'kéo Mỹ' thoát khỏi khủng hoảng có thể khiến toàn bộ nền kinh tế thế giới gặp 'biến cố'
Nếu Fed không cắt giảm lãi suất vào mùa thu, chính sách lãi suất cao của Mỹ sẽ “lạc nhịp” so với phần còn lại của thế giới

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã bắt đầu cắt giảm lãi suất vào thứ 5 tuần trước - giảm 0,25%. Động thái này không chỉ là dấu hiệu chỉ ra niềm tin rằng Eurozone đang ở giai đoạn cuối của cuộc chiến kiểm soát lạm phát, mà còn cho thấy mối lo ngại rằng nền kinh tế cần một sự thúc đẩy nhỏ để tiếp tục phát triển.

Các nhà đầu tư và nhà kinh tế kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Vì vậy, các Ngân hàng Trung ương trên khắp thế giới có thể sẽ bắt đầu phối hợp để đưa các nền kinh tế hạ cánh mềm.

Nhưng thực tế, các giả định của các chuyên gia dường như chưa thành hiện thực. Phố Wall bắt đầu năm mới với kỳ vọng lạm phát sẽ hạ nhiệt, nền kinh tế sẽ chậm lại với tốc độ tăng trưởng nhẹ ngàng hơn và có tới 6 lần cắt giảm lãi suất từ ​​Fed.

Nhưng thay vào đó, dữ liệu lạm phát liên tục trở nên nóng bỏng và sức mạnh của nền kinh tế Mỹ vẫn quá mạnh mẽ. Sự kết hợp này chứng tỏ rất có khả năng đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 9 mà Phố Wall đang kỳ vọng có thể không bao giờ thành hiện thực.

Chiến lược 'kéo Mỹ' thoát khỏi khủng hoảng có thể khiến toàn bộ nền kinh tế thế giới gặp 'biến cố'
Lạm phát Mỹ từ năm 2019 - nay

Nhà kinh tế cấp cao tại Oxford Economics - Tamara Basic Vasiljev cho biết: “Mùa hè năm nay chắc chắn sẽ rất thú vị. Fed đã chứng minh khả năng chống lại bất kỳ vấn đề ổn định tài chính nào. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu lạm phát dịch vụ tiếp tục tăng bất ngờ trong suốt mùa hè. Thậm chí là có khả năng họ chẳng thế cắt giảm lãi suất vào tháng 9”.

Và nếu Fed không cắt giảm lãi suất vào mùa thu, chính sách lãi suất cao của Mỹ sẽ “lạc nhịp” so với phần còn lại của thế giới.

Khi có bất kỳ sự khác biệt nào giữa Mỹ và các quốc gia còn lại, chúng ta sẽ thấy có một một làn sóng tiền đổ vào Mỹ. Nhưng ngược lại, lượng tiền mặt tăng vọt đột ngột đó có thể làm tăng thêm thanh khoản cho hệ thống tài chính. Điều này sẽ khiến Fed càng khó nới lỏng hơn, khiến chính sách của Mỹ càng khác biệt hơn so với các nước còn lại. Theo BI, nó như một vòng luẩn quẩn cản đường nền kinh tế toàn cầu hướng tới hạ cánh mềm.

Theo thời gian, điều này cũng có khả năng gây thêm biến động cho các thị trường vốn đã khó khăn.

“Carry trade” đã trở nên nóng hơn kể từ đầu năm

Gió là kết quả của sự mất cân bằng: không khí di chuyển từ vùng có áp suất cao đến vùng có áp suất thấp. Chênh lệch áp suất càng lớn thì gió thổi càng nhanh. Nguyên tắc tương tự cũng áp dụng cho dòng tiền toàn cầu.

Mỹ hiện có lãi suất cao hơn một chút so với các quốc gia khác, trong phạm vi 5,25% - 5,5%. Những khác biệt này đã tạo tiền đề cho Phố Wall thực hiện carry trade - giao dịch chênh lệch lãi suất. Các nhà đầu tư sẽ vay tiền từ một quốc gia có lãi suất thấp, đầu tư vào trái phiếu của một quốc gia có lãi suất cao và nhận được khoản chênh lệch. Trong trường hợp này, điều đó có nghĩa là tiền sẽ được chuyển từ phần còn lại của thế giới để mua tài sản của Mỹ, đặc biệt là trái phiếu Chính phủ Mỹ.

“Carry trade” đã trở nên nóng hơn kể từ đầu năm, các ngân hàng đầu tư như JPMorgan và UBS đã khuyến nghị giao dịch này cho khách hàng.

Viện Tài chính Quốc tế (IIF) báo cáo rằng chỉ trong tháng 5, các thị trường mới nổi ngoài Trung Quốc - nơi lãi suất cũng cao hơn - đã chứng kiến ​​dòng vốn vào thị trường trái phiếu là 10,2 tỷ USD, chủ yếu là do các nhà đầu tư được hưởng lợi từ các giao dịch chênh lệch lãi suất như bán yên Nhật để mua đồng peso Mexico.

Chiến lược 'kéo Mỹ' thoát khỏi khủng hoảng có thể khiến toàn bộ nền kinh tế thế giới gặp 'biến cố'
Các nhà đầu tư được hưởng lợi từ các giao dịch chênh lệch lãi suất như bán yên Nhật để mua đồng peso Mexico

Peter Schaffrik, Chiến lược gia vĩ mô toàn cầu tại RBC Capital Markets cho biết, những giao dịch này diễn ra ở khắp mọi nơi và lãi suất càng chênh lệch thì giao dịch càng trở nên hấp dẫn.

Vào thời điểm các nền kinh tế ở châu Âu và các nơi khác đang mất đà, việc hút thêm tiền ra khỏi các nền kinh tế này sẽ thắt chặt các điều kiện tài chính, trong khi các nền kinh tế này đang cố gắng tránh sự suy thoái.

Nó cũng sẽ làm suy yếu đồng euro, khiến lục địa này gặp khó khăn hơn trong việc nhập khẩu năng lượng cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế và khiến việc mua hàng hóa của Mỹ trở nên đắt đỏ hơn.

Và tại các nền kinh tế châu Á, nơi lãi suất đã thấp hơn đáng kể so với Mỹ, mọi thứ còn có thể trở nên hỗn loạn hơn nữa.

>> Chuyên gia kỳ cựu Ed Yardeni tiết lộ ‘vũ khí bí mật’ giúp kinh tế Mỹ không thể rơi vào suy thoái

Nigel Green, Giám đốc điều hành của công ty quản lý tài sản toàn cầu deVere Group cho biết: “Chúng tôi dự đoán rằng Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức trong việc cân bằng chính sách tiền tệ để duy trì sự ổn định khi đồng USD tăng giá. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu các nhà hoạch định chính sách cảm thấy cần phải can thiệp vào thị trường tiền tệ hoặc điều chỉnh lãi suất để quản lý những tác động này”.

Đối với Mỹ, việc tiền được rót thêm có tác động ngược lại với những gì Fed mong muốn. Điều này sẽ đẩy giá tài sản lên cao và nới lỏng các điều kiện tài chính. Nghĩa là, nó khiến Fed gặp khó khăn hơn trong việc chống lại lạm phát - vốn đang khiến người tiêu dùng gặp khó khăn.

“Có những lo ngại chính đáng rằng dòng vốn vào Mỹ này sẽ làm tăng tính thanh khoản, đẩy giá tài sản và áp lực lạm phát lên cao, khiến Fed gặp khó khăn hơn trong việc cắt giảm lãi suất. Thanh khoản tăng có thể dẫn đến áp lực lạm phát mà Fed có thể cần phải duy trì hoặc thậm chí tăng lãi suất để chống lại”, Nigel Green nhận định.

Nhưng việc tăng lãi suất hơn nữa có thể khiến Mỹ rơi vào suy thoái. Vì vậy, Fed khó có thể tăng lãi suất nhưng điều này sẽ tạo ra môi trường hoàn hảo cho chiến lược carry trade phát triển mạnh.

Và chừng nào dữ liệu của Mỹ vẫn không ổn định thì lượng tiền mặt theo chiến lược này cuối cùng sẽ vẫn tràn vào Mỹ.

Vẫn còn hy vọng hạ cánh mềm?

Theo BI, vẫn có kỳ vọng cho rằng sự khác biệt này sẽ chỉ là tình trạng tạm thời. Nếu dữ liệu kinh tế Mỹ đột nhiên suy yếu, động thái cắt giảm lãi suất của Fed sẽ được đẩy nhanh. Và có những dấu hiệu cho thấy lạm phát ở EU cao hơn mức các nhà hoạch định chính sách mong muốn, điều này có thể làm chậm tốc độ cắt giảm lãi suất đủ để Mỹ bắt kịp.

Chiến lược 'kéo Mỹ' thoát khỏi khủng hoảng có thể khiến toàn bộ nền kinh tế thế giới gặp 'biến cố'
Vẫn còn hy vọng hạ cánh mềm?

Đã có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế mạnh mẽ của Mỹ đang hạ nhiệt dần. Tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình ở mức thấp nhất trong 16 tháng, thu nhập khả dụng chỉ tăng khiêm tốn và số tiền người dân phải trả trên số dư tín dụng tăng lên, theo BI.

Thị trường việc làm cũng có phần giảm hơn trước và cơ hội việc làm đã trở lại mức trước đại dịch. Nhưng không phải mọi chỉ số đều kể câu chuyện về một cuộc hạ cánh mềm. Báo cáo việc làm của tháng 5 cho thấy Mỹ đã tạo ra 272.000 việc làm mới - nhiều hơn đáng kể so với con số 190.000 dự kiến.

Mặt khác, có những dấu hiệu cho thấy lạm phát ở Anh và EU có thể cao hơn những gì các nhà hoạch định chính sách đã dự đoán.

Theo đó, lạm phát ở EU tăng nhẹ lên 2,6% trong tháng 5 - có gây ngạc nhiên nhưng không đủ để ngăn chặn việc cắt giảm lãi suất vào tháng 6. Ở Anh, lạm phát dịch vụ vẫn dai dẳng - ở mức 5,9% trong tháng 4. Điều này có thể khiến Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) có lý do để tạm dừng việc cắt giảm lãi suất.

Vasiljev của Oxford Economics nói rằng điều này cho thấy EU và Mỹ đang hành động song song và sự khác biệt về chính sách hiện tại sẽ không quá lớn.

Đối với Ngân hàng Trung ương Canada - đã cắt giảm lãi suất xuống từ mức 5% xuống 4,75% vào tuần trước - cũng lạc quan một cách thận trọng rằng tình trạng “khác biệt” sẽ chỉ là tạm thời.

Thống đốc Tiff Macklem cho biết tại cuộc họp mới nhất của NHTW Canada: “Có những giới hạn về việc chúng tôi có thể khác xa với Mỹ đến mức nào, nhưng chúng tôi chưa tiến gần đến những giới hạn đó”.

Nhưng triển vọng lạc quan này không phải là sự đảm bảo: Phố Wall vẫn kỳ vọng ECB và BoE sẽ cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm nay. Và nếu tháng 9 đến và tăng trưởng của Mỹ vẫn còn nóng, việc khai thác chênh lệch lãi suất có thể tiếp tục kéo dài cả năm. Điều này sẽ làm trầm trọng thêm các điều kiện khiến chính sách tiền tệ không đồng bộ. Lúc ấy, tiền từ châu Âu, Canada, Anh và Đông Á sau đó sẽ tiếp tục đổ vào thị trường Mỹ.

Các nhà hoạch định chính sách sẽ phải điều chỉnh lại. Điều này không có nghĩa là nước Mỹ sẽ không hạ cánh mềm, nó chỉ làm tăng khả năng sẽ tạo ra một hành trình khá khó khăn cho đến khi nền kinh tế đạt được kỳ vọng đó.

>> Không suy thoái, kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ hạ cánh mềm

Kinh tế Mỹ 'chùn bước' vì trụ cột quan trọng nhất của GDP 'lung lay'

Lấy tiền lương hưu lập công ty, cụ bà 92 tuổi trở thành một trong những nữ doanh nhân giàu nhất nước Mỹ

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/chien-luoc-keo-my-thoat-khoi-khung-hoang-co-the-khien-toan-bo-nen-kinh-te-the-gioi-gap-bien-co-238108.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Chiến lược 'kéo Mỹ' thoát khỏi khủng hoảng có thể khiến toàn bộ nền kinh tế thế giới gặp 'biến cố'?
POWERED BY ONECMS & INTECH