Bất ngờ quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới: Có dân số chỉ bằng 1/10 Hà Nội, đổi vận nhờ sở hữu kho báu 'vàng đen' trữ lượng khủng

25-02-2024 19:17|Phương Nhi

Năm 2022, GDP của quốc gia Nam Mỹ này đã tăng trưởng kỷ lục 62,3%.

Theo Atlas Report, những phát hiện liên quan tới các bể chứa dầu ngoài khơi Guyana đã thu hút sự quan tâm lớn trong ngành công nghiệp dầu mỏ.

Với việc phát hiện ra các mỏ dầu như Liza, Payara và Turbot, Guyana nhỏ bé nằm ở vùng Đông Bắc Amazon đang trên đà trở thành nhà sản xuất dầu mỏ tầm cỡ trong khu vực, có khả năng cạnh tranh với các nước láng giềng.

Quốc gia với 800.000 dân dự kiến sẽ trở thành mỏ dầu mới nhất trên thế giới. Triển vọng cực lớn về khí đốt tự nhiên cũng mang tới cho Guyana tiềm năng trở thành nhà cung cấp mới cho châu Âu.

Quốc gia có dân số chỉ bằng 1/10 Hà Nội bất ngờ sở hữu kho báu 'vàng đen' trữ lượng khủng: Cả nước đổi vận, mỗi năm 'bỏ túi' hàng chục tỷ USD
Guyana đang trên đà trở thành nhà sản xuất dầu mỏ tầm cỡ trong khu vực

Kho báu "vàng đen" trữ lượng khủng

Những phát hiện về các mỏ dầu tại Guyana trong thời gian qua có ý nghĩa rất quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia và cả ngành năng lượng toàn cầu.

Các mỏ dầu được tìm thấy ở lưu vực Guiana - một vùng giàu tài nguyên trải dọc theo bờ biển của Guyana, thậm chí vươn xa ra ngoài biên giới biển tới các khu vực thuộc về Cộng hòa Suriname và Venezuela.

Các công ty dầu mỏ tham gia thăm dò dầu khí tại đây bao gồm ExxonMobil, Hess Corporation và CNOOC (Tập đoàn dầu khí ngoài khơi quốc gia Trung Quốc).

ExxonMobil đã dẫn đầu các cuộc thăm dò trong khu vực có mỏ dầu Liza, nằm trong vùng đặc quyền của Guyana. Những phát hiện đầu tiên về Liza đã được công bố vào năm 2015. Kể từ đó, công ty này đã tiếp tục khoan thêm các giếng dầu mới và tìm thấy một lượng dầu lớn.

Ngoài Liza, những cuộc thăm dò đầy hứa hẹn khác đã được thực hiện trong khu vực. Các mỏ dầu Payara, Snoek, Liza Deep và Turbot lần lượt được tìm thấy. Năm 2015, trữ lượng dầu khổng lồ có thể lên tới 11 tỷ thùng đã được phát hiện ngoài khơi bờ biển của quốc gia này, với giá trị hiện tại là hơn nửa nghìn tỷ USD.

Cho đến nay, sản lượng dầu ở đây vẫn đang tăng lên và có thể đạt 1,2 triệu thùng/ngày vào năm 2028, tương đương 1,1% nguồn cung thế giới. Nếu quá trình khai thác diễn ra theo lộ trình như vậy, Guyana sẽ sớm sản xuất khối lượng dầu/đầu người nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Đó là chưa kể Guyana ước tính có trữ lượng khí tự nhiên lớn ngoài khơi, mang tới cho nước này thêm nhiều lựa chọn để phát triển ngành công nghiệp.

Tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới nhờ dầu mỏ

Sự phát triển của các mỏ dầu ngoài khơi Guyana đã làm thay đổi nền kinh tế của đất nước. Doanh thu từ ngành dầu mỏ có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng việc làm và cung cấp thêm nguồn lực để đầu tư vào giáo dục và y tế.

Năm 2020, khi nền kinh tế của hầu hết các quốc gia suy giảm vì đại dịch, Guyana nổi lên là nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, với tổng sản phẩm quốc nội tăng đáng kể 43,5%. Sau một chút giảm tốc vào năm 2021, Guyana đã trở lại vị trí dẫn đầu thế giới vào năm 2022 khi nền kinh tế tăng trưởng ở mức khủng khiếp: 62,3%.

Năm 2022, hãng thông tấn AP cho biết, Guyana ước tính kiếm được hơn 1 tỷ USD từ thị phần dầu xuất khẩu ngoài khơi - nhiều hơn số tiền mà nước này thu được từ vàng, bauxite, gỗ hoặc bất kỳ lĩnh vực nào khác.

Những bước đi này sẽ thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng kinh tế của Guyana. Theo dự báo của IMF, đến năm 2024, GDP bình quân đầu người của Guyana sẽ đạt 27.640 USD, giúp họ vượt qua Uruguay để trở thành quốc gia giàu nhất Nam Mỹ, và có mức chênh lệch rõ rệt so với bất kỳ nền kinh tế lớn nào khác ở khu vực.

Các loại thuế mà chính phủ Guyana thu được từ dầu mỏ có thể lên tới 16 tỷ USD/năm vào năm 2036, gấp đôi quy mô của nền kinh tế nước này trước khi tìm ra “kho báu” vàng đen.

Điều này sẽ làm thay đổi cuộc sống của người dân Guyana. Sự thay đổi ở Guyana chắc chắn sẽ được quốc gia này mong đợi vì họ vẫn thuộc diện nghèo. Dân số Guyana có tuổi thọ thấp so với mức trung bình trong khu vực và vấn đề tham nhũng đã xảy ra. Ngoài ra, tình hình chính trị ở quốc gia này cũng không ổn định, khi 2 đảng đối lập thường xảy ra mâu thuẫn.

Bên cạnh đó, những thách thức mà Guyana phải đối mặt có thể kể đến như vấn đề quản lý hợp lý tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu tác động môi trường và xây dựng năng lực địa phương.

Làm gì để tránh "lời nguyền dầu mỏ"?

Tuy nhiên, câu hỏi lớn được đặt ra là liệu Guyana nên và sẽ sử dụng trữ lượng dầu mỏ khổng lồ của mình như thế nào?

Quá trình đổi đời thần tốc của Guyana đem đến những sự lạc quan lớn. Nhưng đằng sau bức tranh thịnh vượng đang thành hình, cũng có những lo ngại rằng nguồn tài nguyên dầu mỏ khổng lồ sẽ thúc đẩy nạn tham nhũng và quản lý kém, khiến Guyana trở thành nạn nhân của “lời nguyền dầu mỏ”.

Quốc gia có dân số chỉ bằng 1/10 Hà Nội bất ngờ sở hữu kho báu 'vàng đen' trữ lượng khủng: Cả nước đổi vận, mỗi năm 'bỏ túi' hàng chục tỷ USD
Một tàu khoan ngoài khơi Guyana

Tờ Economist nhận định, để tận dụng tối đa “lộc trời cho”, Guyana nên hướng tới 2 mục tiêu chính. Đầu tiên là nỗ lực đạt được sự đồng thuận của lưỡng đảng về chiến lược tài chính.

Cách giải quyết phù hợp là Chính phủ tiết kiệm một phần doanh thu thông qua quỹ đầu tư quốc gia và xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm đường xá, trường học, y tế và bảo vệ khí hậu. Từ đó, cuộc sống người dân được cải thiện và họ có thể tăng số tiền phân phối trực tiếp cho người dân.

Hơn nữa, Chính phủ Guyana nên có sự giám sát từ phía quốc tế nhiều hơn về tình hình tài chính. Năm 2020, nước này đã siết chặt luật quản lý tài sản để mọi thứ trở nên minh bạch hơn. Song, điều họ cần là một số bên giám sát quốc tế để kiểm tra cả quá trình vận hành.

Chúng ta có thể thấy rất nhiều quốc gia, từ Guinea cho đến Brunei, đã lãng phí nguồn tài nguyên trong nước. Ngay cả khi dầu mỏ đã cạn kiệt, thì sự bùng nổ mới của các kim loại xanh được dùng trong xe điện hay công nghệ năng lượng sạch khác có khả năng sẽ dẫn đến kết cục tương tự.

Không cần nhìn đâu xa, chỉ cần nhìn sang ngay nước láng giềng Venezuela là có thể thấy sự phụ thuộc quá mức vào dầu mỏ và khối tài sản khổng lồ mà nhiên liệu hóa thạch tạo ra có thể làm xói mòn những động lực của nền kinh tế và kéo theo hệ lụy lớn thế nào khi có những biến động địa chính trị.

>> Quốc gia nhỏ bé ít ai biết đến nhưng tăng trưởng nhanh nhất thế giới, được Warren Buffett đặt cược sẽ trở thành siêu cường dầu mỏ

Quốc gia cạnh Việt Nam sở hữu kho báu 'vàng đen' sâu nhất châu Á: Dự kiến mỗi ngày sản xuất 200 tấn dầu thô, 50.000m3 khí

Phát hiện kho báu 'vàng đen' trữ lượng khủng, một thành phố ở Trung Quốc trở nên giàu hơn cả Thượng Hải hay Bắc Kinh

Việt Nam nắm 'kho báu' lớn thứ 2 thế giới: Át chủ bài của thị trường trăm tỷ USD, trữ lượng 'cực khủng' khiến cả thế giới phải thèm khát

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/quoc-gia-co-dan-so-chi-bang-110-ha-noi-bat-ngo-so-huu-kho-bau-vang-den-tru-luong-khung-ca-nuoc-doi-van-moi-nam-bo-tui-hang-chuc-ty-usd-224155.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Bất ngờ quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới: Có dân số chỉ bằng 1/10 Hà Nội, đổi vận nhờ sở hữu kho báu 'vàng đen' trữ lượng khủng
POWERED BY ONECMS & INTECH