Bên trong khu dự trữ sinh quyển lớn nhất Đông Nam Á của Việt Nam rộng 1,3 triệu ha, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới
Đây là khu vực có diện tích lớn rừng nguyên sinh đang được bảo vệ tốt, đặc biệt là khu vực dọc biên giới Việt-Lào.
Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) miền Tây Nghệ An có tổng diện tích 1,3 triệu ha trải rộng trên phạm vi 9 huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Thanh Chương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Tân Kỳ, Anh Sơn. Đây là khu DTSQ có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Á, nơi hội tụ của nhiều yếu tố hệ động, thực vật, tính đa dạng sinh học cao, có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học với sự có mặt của 70 loài thực vật và 80 loài động vật được liệt kê trong Sách Đỏ Việt Nam. Trong đó có nhiều loài đặc biệt quý hiếm, đặc hữu của khu vực như: sao la, chà vá chân nâu, sa mu dầu và quần thể voi hoang dã.
Khu DTSQ miền Tây Nghệ An bao gồm 3 vùng lõi: Vườn quốc gia Pù Mát (là trung tâm) và 2 khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Pù Hoạt. Đây là khu DTSQ có diện tích lớn nhất trong các khu DTSQ đã có và trong hệ thống các Khu bảo tồn Việt Nam. Giá trị nổi bật của Khu DTSQ miền Tây Nghệ An là có tính đa dạng sinh học rất cao, đại diện cho hầu hết các kiểu rừng của rừng mưa nhiệt đới.
Đây cũng là nơi trộn lẫn, đan xen của các yếu tố địa lý với nhiều hang động, thác nước tự nhiên như thác Sao Va ở Quế Phong; thác Kèm ở Con Cuông; suối Tiên, suối nước nóng ở Tân Kỳ; hang Thẳm Bua - danh thắng quốc gia ở Quỳ Châu; đồng thời là nơi sinh sống lâu đời của 6 dân tộc anh em: Thái, Đan Lai, Khơ Mú, Ơ Đu, Mông và Kinh, trong đó Ơ Đu là dân tộc có số người ít nhất trong 54 dân tộc Việt Nam và chỉ duy nhất có ở Nghệ An.
Sự đa dạng và đậm đà bản sắc văn hóa của các nhóm dân tộc thiểu số là đặc trưng lớn nhất và là niềm tự hào của miền Tây Nghệ An. Nhiều phong tục tập quán, các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực, trang phục, kiến trúc nhà sàn… mang đậm nét văn hóa bản địa đặc sắc.
Khu DTSQ miền Tây Nghệ An còn có nhiều di tích lịch sử với nhiều nét văn hoá độc đáo như di tích thành Trà Lân, bia Ma Nhai, cây đa Cồn Chùa ở Con Cuông, đền 9 gian ở Quế Phong, di chỉ Làng Vạc ở thị xã Thái Hoà,… là nơi lưu giữ được nhiều phong tục, tập quán, các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, văn hoá ẩm thực, trang phục, kiến trúc nhà sàn mang đậm nét văn hoá đặc sắc.
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế chung, hoạt động du lịch tại Khu DTSQ miền Tây Nghệ An đã và đang được chú trọng đầu tư và có bước phát triển tích cực, trên cơ sở khai thác những đặc trưng vốn có của Khu DTSQ Tây Nghệ An, nhất là tại 3 vùng lõi… Các loại hình du lịch hiện nay đang được khai thác và có nhiều triển vọng phát triển, bao gồm: Du lịch sinh thái, thăm quan thắng cảnh; Du lịch văn hoá - cộng đồng; Du lịch mạo hiểm - khám phá rừng và Du lịch nghiên cứu khoa học… Ngoài ra, các sản phẩm bản địa như các bài thuốc quý, thủ công mỹ nghệ được khai thác nguyên liệu từ tự nhiên (thổ cẩm, hàng đan lát thủ công..), các sản vật đặc thù (Chanh leo, Thảo đậu khấu, Cam...) cũng có tính hấp dẫn cao đối với du khách khi đến với Khu DTSQ Tây Nghệ An.
Ngày 18/9/2007, Khu DTSQ miền Tây Nghệ An đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) chính thức công nhận là Khu DTSQ thế giới và là Khu DTSQ được công nhận thứ 6 của Việt Nam.