Bệnh nhân sau khi điều trị ung thư có thể được khám từ xa, không phải đến viện
Bệnh nhân đau vai gáy, thoái hóa khớp gối, sau điều trị ung thư... có thể được bác sĩ khám chữa bệnh từ xa mà không phải trực tiếp đến bệnh viện.
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư quy định danh mục bệnh, tình trạng bệnh được khám bệnh, chữa bệnh từ xa, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1.
Trong danh mục các bệnh, tình trạng bệnh được khám chữa bệnh từ xa ban hành kèm Thông tư này có 18 chuyên khoa như Dinh dưỡng, Tai Mũi Họng, Răng hàm mặt, Ngoại, Tim mạch... với 50 bệnh/tình trạng bệnh cụ thể. Mỗi chuyên khoa có 1 hoặc nhiều bệnh, tình trạng bệnh được quy định mã ICD-10.
Ví dụ, chuyên khoa Dinh dưỡng có 1 bệnh là béo phì; chuyên khoa Cơ xương khớp có 7 bệnh: đau vai gáy, hội chứng cánh tay cổ, đau thắt lưng, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp gối, thoái hóa cột sống và loãng xương (không gãy xương); chuyên khoa Tim mạch có 4 bệnh: Tăng huyết áp, giãn tĩnh mạch chi dưới, suy tĩnh mạch và động mạch chi dưới mạn tính...
STT | Chuyên khoa | Bệnh, tình trạng bệnh |
1 | Dinh dưỡng | Béo phì |
2 | Tai Mũi Họng | Viêm mũi họng cấp tính; Viêm mũi họng mạn tính |
3 | Cơ xương khớp | Đau vai gáy; Hội chứng cánh tay cổ, đau thắt lưng, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp gối, thoái hóa cột sống và loãng xương (không gãy xương) |
4 | Tim mạch | Tăng huyết áp, giãn tĩnh mạch chi dưới, suy tĩnh mạch và động mạch chi dưới mạn tính... |
5 | Răng Hàm Mặt | Viêm lợi/miệng áp tơ, Viêm lưỡi bản đồ, Viêm lợi do mọc răng |
6 | Ngoại khoa | Theo dõi sau phẫu thuật, thủ thuật |
7 | Ung thư | Sau điều trị ung thư, Chăm sóc giảm nhẹ |
8 | Nội tiết | Đái tháo đường, Rối loạn Lipid máu, Suy giáp |
9 | Thận - tiết niệu | Suy thận mạn chưa chạy thận nhân tạo |
10 | Hô hấp | Hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính |
11 | Tâm thần | Rối loạn tâm thần; Rối loạn lo âu, trầm cảm |
12 | Da liễu | Bệnh da nhiễm khuẩn; Bệnh da do nấm - ký sinh trùng; Bệnh da do vi rút; Bệnh da dị ứng - miễn dịch và bệnh da viêm |
13 | Thần kinh | Bệnh Parkinson; Alzeimer; Sa sút trí tuệ căn nguyên mạch; Đau nửa đầu; Đau đầu do căng thẳng; Rối loạn tiền đình |
14 | Truyền nhiễm | Nhiễm HIV/AIDS; Sốt xuất huyết không có dấu hiệu cảnh báo; Cúm; Covid-19; Viêm gan virus B, C |
15 | Lao và bệnh phổi | Tái khám Bệnh lao |
16 | Tiêu hóa | Viêm dạ dày - tá tràng; Táo bón; Trào ngược dạ dày - thực quản |
17 | Mắt | Viêm kết mạc; Viêm giác mạc; Loạn đường võng mạc di truyền |
18 | Phục hồi chức năng | Vật lý trị liệu |
Trao đổi với VietNamNet ngày 2/1, một lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết để xây dựng Thông tư này đã tham khảo danh mục của nhiều nước phát triển trên thế giới. Thông thường, danh mục này chỉ khoảng 20-30 bệnh và không bao gồm các trường hợp cấp cứu hoặc yêu cầu cần thực hiện các kỹ thuật, thủ thuật, phẫu thuật trên người bệnh mà là các bệnh mãn tính, tái khám, theo dõi sau phẫu thuật, can thiệp...
"Đây là danh mục 50 bệnh đợt 1 ban hành trong năm 2023. Căn cứ vào tình hình triển khai trên thực tế và nhu cầu của người dân và cơ sở khám chữa bệnh, Bộ Y tế có thể sẽ điều chỉnh, bổ sung các bệnh mới vào danh mục này trong những năm tiếp theo", vị lãnh đạo cho biết.
Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vừa có hiệu lực từ ngày 1/1, khám chữa bệnh từ xa là hình thức khám chữa bệnh không trực tiếp tiếp xúc giữa người hành nghề và người bệnh mà thực hiện thông qua thiết bị, công nghệ thông tin.
Bộ Y tế chính thức triển khai đề án khám, chữa bệnh từ xa từ năm 2020, hướng đến mục tiêu mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới. Đây cũng là một trong những giải pháp chuyển đổi số mà ngành Y tế thực hiện.
>> Việt Nam chỉ có thể "đi tắt, đón đầu" bằng khoa học công nghệ, chuyển đổi số
Bệnh viện Phụ sản Trung ương có giám đốc mới
“Đội giá” trong đấu thầu ở Bệnh viện công - Bài 2: Bất thường ở nhiều bệnh viện tại TP.HCM