Điểm đến

Bí ẩn 'con đường thần' chìm trong lòng đất ở vùng đất thiêng Mỹ Sơn: Sử dụng chất kết dính đặc biệt, trải qua hàng nghìn năm vẫn hoành tráng, trang nghiêm

Quỳnh Như 23/01/2024 18:30

Con đường kéo dài đến đâu và được xây dựng trong thời kỳ nào thì vẫn còn là một dấu hỏi lớn đối với các chuyên gia.

Tháp K là một tháp đơn lẻ nằm ở phía tây bắc thung lũng Mỹ Sơn. Tháp này nằm khá độc lập với các nhóm tháp khác. Tháp được xây dựng trên vùng đất phẳng rộng, khá cao, phía tây và tây nam không xa là dòng suối Khe Thẻ chảy uốn lượn. Nếu vào thung lũng Mỹ Sơn theo đường suối Khe Thẻ thì công trình kiến trúc đầu tiên bắt gặp trong thung lũng này là tháp K.

Thánh địa Mỹ Sơn là một quần thể những đền tháp có lỗi kiến trúc độc đáo

Thánh địa Mỹ Sơn là một quần thể những đền tháp có lỗi kiến trúc độc đáo

Nằm ở vị trí đặc biệt như vậy, chức năng của tháp là trạm đầu tiên đón tín đồ vào hành hương nên tháp K được xây dựng khá đặc biệt với cấu trúc như một tháp Cổng. Tháp có bình đồ hình chữ nhật, lòng rộng 3,9x3,19m, được mở hai cửa đăng đối nhau theo hướng đông-tây.

Giữa tháng 4/2017, sau một thời gian khảo sát chi tiết, nhóm chuyên gia khảo cổ Ấn Độ và cộng sự Việt Nam bắt đầu thực hiện đợt cao điểm khai quật và trùng tu tháp K, tháp H trong vùng lõi quần thể Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn.

Trong đợt trùng tu lớn này, điều khiến các chuyên gia hết sức bất ngờ là họ đã phát hiện nhiều hiện vật có giá trị như: hai tượng đá mình người đầu sư tử, các hiện vật chóp tháp cùng các chi tiết kiến trúc khác bằng vật liệu đất nung được chôn lấp dưới các chân tháp cổ, đặc biệt là một con đường cổ và bờ tường dẫn chìm trong lòng đất.

Con đường “thần đạo” dưới lòng đất Thánh địa Mỹ Sơn. Ảnh: MS/Báo Tiền Phong

Con đường "thần đạo" dưới lòng đất Thánh địa Mỹ Sơn. Ảnh: MS/Báo Tiền Phong

Bước đầu, các hiện vật này được các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam xác định có niên đại trùng với thời kỳ xây dựng tháp K, tức vào thế kỷ XI-XII. Trong khi đó, con đường cổ và hai bờ tường dẫn mới phát lộ có điểm xuất phát từ phía sau tháp K nhưng kéo dài đến đâu và được xây dựng trong thời kỳ nào thì vẫn còn là một dấu hỏi lớn đối với các chuyên gia. Song, các chuyên gia nhận định, có thể điểm cuối của con đường này là nơi dẫn vào khu vực hành lễ tại trung tâm Thánh địa Mỹ Sơn đã bị vùi lấp dưới lòng đất.

Sau khi thực hiện các quyết định khai quật, các chuyên gia đã vô cùng ngạc nhiên về sự hoành tráng của con đường và hệ thống bờ tường dẫn khéo léo, đẹp mắt được xây dựng bằng một thứ vật liệu đặc trưng Mỹ Sơn là đất nung và phụ gia kết dính đặc biệt.

Dấu tích bức tường bao nằm dưới lòng đất vừa được phát lộ. Ảnh: MS/Báo Tiền Phong

Dấu tích bức tường bao nằm dưới lòng đất vừa được phát lộ. Ảnh: MS/Báo Tiền Phong

Tuyến đường cổ từ phía sau tháp K rộng 8m, nằm giữa 2 bờ tường dẫn song song với nhau. Bờ tường dẫn mỗi bên rộng 0,6m, móng tường dẫn nằm sâu cách mặt đất khoảng 1m và được xây bằng gạch một cách chắc chắn, nhiều đoạn tường dẫn còn khá nguyên vẹn, trông rất đẹp mắt.

Giữa năm 2023, đoàn công tác Viện Khảo cổ phối hợp với Ban quản lý Khu Di tích văn hóa Mỹ Sơn tiếp tục tiến hành thăm dò khảo cổ học phế tích kiến trúc đường dẫn ở khu vực tháp K.

Đoàn công tác đã mở 5 hố thăm dò, mỗi hố có diện tích 4m2. Các hố thăm dò đều được mở theo dạng rãnh giao thông hào, kích thước 1x4m, hướng hố được đặt theo hướng của di tích. Khu vực sau phía đông của tháp Cổng, đoàn chuyên gia tiến hành mở 2 hố thăm dò. Bước đầu phát hiện 2 dấu tích tường bao phía bắc và phía nam của đường đi chạy dọc theo hướng đông-tây.

Kết quả điền dã và thăm dò khảo cổ đã xác định phía đông tháp K khả năng là một khoảng sân rộng, bằng phẳng được san đắp có chủ ý bằng đất cát tạo thành một không gian thoáng đãng. Ảnh: Báo Người Lao Động

Kết quả điền dã và thăm dò khảo cổ đã xác định phía đông tháp K khả năng là một khoảng sân rộng, bằng phẳng được san đắp có chủ ý bằng đất cát tạo thành một không gian thoáng đãng. Ảnh: Báo Người Lao Động

Về di tích, các dấu tích kiến trúc nằm bên dưới lớp đất dày từ 20-30cm trở xuống nằm trong các hố thăm dò 1 và 2 nằm ở phía đông tháp K. Dấu tích kiến trúc là hai đoạn của các tường bao kéo dài từ tháp K về phía đông, hướng vào các khu tháp E - F ở sâu bên trong thung lũng Mỹ Sơn.

Tường bao được xây dựng bằng cách xây/xếp gạch thành hàng đôi ở hai bên, giữa nhồi thêm gạch vỡ. Tường có móng dưới to sau đó xây thu dần lên mặt trên với chiều rộng mặt trên khoảng 46cm. Căn cứ vào lượng gạch bị đổ trong hố 1 và 2 không nhiều nên có lẽ tường này không xây cao mà chỉ như một bức tường phân chia giới hạn không gian phía trong, phía ngoài con đường trong cùng một không gian thiêng của di tích.

Theo các tài liệu, con đường này có thể có nhiều chức năng như "thần đạo" - đường đi của các vị thần trong Ấn Độ giáo; là con đường Hoàng gia - đường dành cho các vị vua chúa và tăng lữ Champa đi vào cúng tế các vị thần của họ; hoặc như ngôn ngữ hiện đại ngày nay, đây là con đường dẫn vào Thánh địa Mỹ Sơn.

>> Dòng sông duy nhất của Việt Nam vắt ngang qua 2 di sản văn hoá nhân loại, là một phần quan trọng của khu dự trữ sinh quyển thế giới

Khám phá dốc rồng trắng trên đỉnh mây: Cửa ngõ dẫn vào một đại đỉnh đèo, là con đường mang hạnh phúc cho gần 100.000 đồng bào ở miền cực Bắc Tổ quốc

Đến Fresno, California khám phá khu vườn dưới lòng đất đầy ấn tượng với kiến trúc đá cẩm thạch cùng con đường mòn đầy hoa đẹp như tranh

Bản làng cao hơn 1.000m nằm biệt lập giữa núi rừng Tây Bắc, nổi bật với con đường hiểm trở uốn lượn liên tục, được gọi như 'dải mây vắt ngang trời'

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/bi-an-con-duong-than-chim-trong-long-dat-o-vung-dat-thieng-my-son-su-dung-chat-ket-dinh-dac-biet-trai-qua-hang-nghin-nam-van-hoanh-trang-trang-nghiem-d115315.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Bí ẩn 'con đường thần' chìm trong lòng đất ở vùng đất thiêng Mỹ Sơn: Sử dụng chất kết dính đặc biệt, trải qua hàng nghìn năm vẫn hoành tráng, trang nghiêm
POWERED BY ONECMS & INTECH